Sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy và cải cách hành chính - Cơ hội, động lực mới cho sự phát triển thành phố Nam Định

Sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy và cải cách hành chính - Cơ hội, động lực mới cho sự phát triển thành phố Nam Định
5 giờ trướcBài gốc
Thành phố Nam Định là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh, là đô thị hạt nhân của tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Trước khi mở rộng, thành phố có 25 đơn vị hành chính cấp xã (22 phường, 3 xã); có diện tích 46,41km2; dân số toàn thành phố là 280.136 người. Thành phố Nam Định đến nay đã hơn 100 tuổi; bên cạnh những thuận lợi cũng xuất hiện không ít khó khăn, bất cập, nhất là trong công tác quản lý kinh tế, quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc, quản lý cơ sở hạ tầng, quản lý dân cư, phát triển nguồn thu, bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan và bảo vệ môi trường. Nếu không mở rộng thì với tốc độ phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, thành phố Nam Định sẽ bị kìm hãm bởi quy mô diện tích thành phố nhỏ, hẹp, dẫn đến không gian phát triển bị chia cắt. Nhiều phường, xã quy mô quá nhỏ, gây nhiều khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tầm vĩ mô cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; nguồn lực của địa phương và Trung ương cho phát triển kinh tế - xã hội bị phân tán, nhất là trong điều kiện Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương.
Bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội
Nghị quyết 1104/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Nam Định” được ban hành vào thời điểm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thành phố Nam Định là đơn vị vừa sắp xếp, sáp nhập các phường, xã; vừa sáp nhập huyện Mỹ Lộc vào thành phố để mở rộng địa giới hành chính. Đội ngũ cán bộ được tinh giản, lựa chọn, sắp xếp lại và bố trí phù hợp với vị trí việc làm, đáp ứng ngay với yêu cầu thực tiễn, nhất là các lĩnh vực đang chịu nhiều áp lực như: cải cách thủ tục hành chính; giải quyết các dịch vụ hành chính công; chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử; quản lý đất đai; quản lý trật tự đô thị; quản lý dân cư... Cùng với đó, thành phố Nam Định sau sáp nhập sẽ có điều kiện mở rộng không gian phát triển, tăng diện tích đất xây dựng đô thị, tạo dư địa phát triển và mở rộng cho các đô thị vệ tinh, tạo sức hút đối với các nhà đầu tư. Các nguồn vốn sẽ được huy động, tập trung đầu tư cho các hạng mục trong quy hoạch đáp ứng ngay Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050.
Nhiệm vụ đặt ra có tính “đột phá” nhằm nhanh chóng xây dựng và phát triển thành phố Nam Định đó là mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định tạo sự đột phá về tổ chức không gian đô thị. Theo đó, thành phố Nam Định mở rộng có diện tích 120,9km2, gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc; gấp khoảng 2,6 lần so với diện tích hiện nay. Thành phố Nam Định sau khi mở rộng sẽ có vị thế và xu hướng phát triển mới, khai thác có hiệu quả những tiềm năng để xây dựng và phát triển thành phố theo hướng hiện đại, đồng bộ, văn minh, thân thiện với môi trường, có bản sắc riêng, có tính bền vững, có không gian đô thị mở rộng theo quy hoạch. Giải quyết được các vấn đề của trung tâm đô thị hiện hữu, xây dựng phát triển thành phố hai bên sông với vành đai tăng trưởng thương mại, dịch vụ, tạo sức hút và hình ảnh đối trọng với đô thị hiện hữu, tạo tuyến vành đai mới gắn với đô thị - dịch vụ - công nghiệp, thu hút đầu tư với công nghệ thông minh, xanh.
Tinh gọn bộ máy để dành nguồn lực cho phát triển
Tinh gọn bộ máy và cải cách hành chính đang là vấn đề cấp thiết đối với mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Nam Định trở thành đô thị hiện đại. Đây là khâu khó nhất, tác động đến số đông đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, thận trọng, công tâm, khách quan, công khai, dân chủ, khoa học, thành phố Nam Định đã triển khai chủ trương sáp nhập huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định và sắp xếp, sáp nhập các phường, xã nhằm tinh gọn bộ máy đảm bảo cơ cấu tổ chức bộ máy và cải cách thủ tục hành chính, tạo sự đột phá cho sự phát triển của thành phố Nam Định.
Sau khi Đảng bộ thành phố Nam Định (mới) được thành lập trên cơ sở hợp nhất Đảng bộ thành phố Nam Định và Đảng bộ huyện Mỹ Lộc, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, HĐND, UBND thành phố nhanh chóng được kiện toàn. Thành phố có 25 phường, xã sáp nhập còn 13 phường, trong đó 2 xã Nam Phong, Nam Vân được quyết định trở thành phường. Huyện Mỹ Lộc có 11 xã, thị trấn sáp nhập còn 1 phường, 7 xã. Như thế, sau sắp xếp, sáp nhập, thành phố Nam Định (mới) giảm 15 đơn vị xã, phường. Số đơn vị hành chính là 21 xã, phường. Cùng với đó, trong hệ thống chính trị, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp cũng nhanh chóng được kiện toàn, thành lập bộ máy theo đúng quy định. Sau ngày 1/9/2024, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ thành phố đến các phường, xã ở các đơn vị sắp xếp, sáp nhập đã nhanh chóng kiện toàn, phân công nhiệm vụ; xây dựng quy chế và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, không để gián đoạn cũng như ảnh hưởng đến công tác điều hành về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Thành Nam trên đường phát triển. (Ảnh: Viết Dư)
Đối với hệ thống chính trị ở cơ sở, đội ngũ cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố đã được tinh gọn sau khi sắp xếp, sáp nhập. Tổng số thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Nam Định trước khi sắp xếp, sáp nhập là 718 đơn vị (trong đó thành phố là 581, Mỹ Lộc là 137), đến nay còn 291 đơn vị, giảm 427 đơn vị thôn, xóm, tổ dân phố. Đội ngũ cán bộ không chuyên trách thôn, xóm, tổ dân phố (bí thư chi bộ, trưởng Ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, xóm/tổ trưởng tổ dân phố) giảm từ 2.154 người xuống còn 873 người. Đối với tổ chức cơ sở đảng: xóa được xóm, tổ dân “trắng” chi bộ hoặc chi bộ ghép; xóa được việc thiếu các tổ chức đoàn thể. Thành phố trước khi sắp xếp có 718 tổ dân phố nhưng trong đó chỉ có 485 chi bộ (đạt 67,5%) nhưng sau khi sắp xếp, sáp nhập thì số thôn, xóm, tổ dân phố là 291, trong đó có 280 chi bộ, đạt tỷ lệ 96,2%. Sự lãnh đạo đối với hệ thống chính trị được tăng cường từ thành phố tới cơ sở. Việc sắp xếp, sáp nhập cả 3 cấp huyện, xã, thôn xóm (tổ dân phố) được triển khai đồng bộ trên địa bàn thành phố Nam Định đã góp phần tinh gọn bộ máy, giảm số người hoạt động không chuyên trách, đồng thời là điều kiện thuận lợi để các phường, xã, thôn (xóm), tổ dân phố tập trung củng cố, xây dựng kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, xã hội, tuyên truyền, phổ biến và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới toàn thể nhân dân.
Cơ hội mới đang mở ra cho thành phố Nam Định sau sắp xếp, sáp nhập
Ngay sau sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, với sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, thành phố Nam Định đã nhanh chóng cụ thể hóa và hoàn thành việc lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Công khai và tổ chức thực hiện Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030. Triển khai quy hoạch phân khu để kịp thời cho triển khai các dự án phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và quản lý đô thị.
Các dự án được nhanh chóng triển khai với mục tiêu đặt ra là tạo sự phát triển đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng cường kết nối giữa các khu vực trong thành phố, đặc biệt là kết nối khu vực hai bên sông Đào; kết nối linh hoạt giữa các khu vực trong và ngoài tuyến đường vành đai, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tiêu biểu như: cầu Tân Phong và đường nối Quốc lộ 10 - Quốc lộ 21B, Quốc lộ 38B đoạn từ Quốc lộ 10 đến Quốc lộ 1A thuộc tỉnh Nam Định, cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi; đường trục phía Nam thành phố đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B, đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, giúp kết nối thành phố với tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ mới ven biển, trở thành tuyến giao thông chính kết nối các huyện phía Nam tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị hóa cho khu vực phía Nam sông Đào. Bên cạnh việc hoàn thành hạ tầng các khu đô thị, khu tái định cư hiện có như: Hòa Vượng, Dệt May, Thống Nhất, Nam sông Đào, Bãi Viên, Phúc Trọng, Lưu Hữu Phước…, thành phố tiếp tục triển khai xây dựng các khu đô thị vệ tinh để giảm áp lực cho đô thị trung tâm như: Nguyễn Công Trứ, Lương Thế Vinh, Phú Ốc, các khu dân cư Lương Xá, Vạn Diệp... Ngoài ra, tập trung chỉnh trang đô thị, xây dựng hoàn thiện các công trình hạ tầng xã hội như: Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định có quy mô 700 giường, Quảng trường Hòa Bình, cải tạo các tuyến đường nội đô, các tuyến đường đã xuống cấp, các công viên, hồ điều hòa, trang trí các đảo giao thông, cải tạo, xây mới các trường mầm non, tiểu học, THCS... góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố.
Trong định hướng đầu tư, phát triển, thành phố đang tập trung hình thành 3 vùng phát triển: vùng phát triển đô thị trung tâm với chức năng là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của tỉnh; vùng phát triển đô thị về phía Tây và Tây Bắc khu vực huyện Mỹ Lộc cũ là hướng phát triển các khu vực đô thị tổng hợp, bao gồm các chức năng chính về phát triển dân cư đô thị, giáo dục, dịch vụ thương mại, công nghiệp và trung chuyển đầu mối giao thông, hàng hóa đối ngoại của đô thị, các khu dân cư, dịch vụ phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; vùng phát triển đô thị về phía Nam và Đông Nam thành phố (về các xã thuộc thành phố và huyện Nam Trực), dọc vành đai 1 và trục mới song song với Quốc lộ 21 hướng đi xuống phía Nam sẽ phát triển đô thị dịch vụ thương mại mới, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái nông nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông để tạo sự đồng bộ, kết nối thuận lợi giữa các khu vực trong thành phố và hạ tầng giao thông quốc gia. Kết nối đồng bộ và khai thác Quốc lộ 21, 21B, 38B (kết nối thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc); Quốc lộ 10, 38B (kết nối với các tỉnh phía Nam); Quốc lộ 10, 21, 21B (kết nối với Khu kinh tế Ninh Cơ, cảng Hải Thịnh đường ven biển). Hoàn thành đầu tư xây dựng đường trục trung tâm phía Nam thành phố, các tuyến đường gom dọc Quốc lộ 10, cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi, tuyến đường trục phía Nam thành phố đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B để kết nối thành phố với tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ mới ven biển, trở thành tuyến giao thông chính kết nối các huyện phía Nam, tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị hóa cho khu vực phía Nam sông Đào.
Cơ hội mới đang mở ra cho sự phát triển của thành phố Nam Định. Với quyết tâm mới, khí thế mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Nam Định tranh thủ mọi thời cơ, khắc phục khó khăn, thách thức để hoàn thành mục tiêu: “Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng thành phố Nam Định văn minh, hiện đại, gắn với đô thị thông minh”.
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/chinh-tri/202501/sap-xep-sap-nhap-cac-don-vi-hanh-chinhtinh-gon-bo-may-va-cai-cach-hanh-chinh-co-hoi-dong-lucmoi-cho-su-phat-trien-thanh-pho-nam-dinh-b3041a1/