Một góc phố cổ Hội An. Ảnh: Tấn Thành.
Quảng Nam
Ngày 19/4, Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, đơn vị đã ban hành nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII về sắp xếp, sáp nhập tổ chức Đảng, đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, cấp tỉnh.
Theo đó, quyết nghị thông qua nội dung cơ bản của các dự thảo đề án gồm: Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh. Trong đó thống nhất số lượng ĐVHC cấp xã sau sắp xếp là 88 (bao gồm 12 phường và 76 xã), đề án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Cạnh đó là đề án kết thúc hoạt động đảng bộ huyện, thị xã, thành phố sau khi không tổ chức cấp huyện và đề án thành lập tổ chức đảng theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Tỉnh ủy Quảng Nam cũng ban hành phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã kèm theo nghị quyết. Trong đó tại TP Hội An có 13 xã, phường, theo phương án sau khi sắp xếp còn lại 3 phường và 1 xã. Cụ thể thành lập phường Hội An trên cơ sở sáp nhập phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong, Cẩm Nam, Cẩm Kim. Thành lập phường Hội An Đông trên cơ sở sáp nhập phường Cẩm Châu, phường Cửa Đại, xã Cẩm Thanh. Thành lập phường Hội An Tây trên cơ sở sáp nhập xã Cẩm Hà, phường Thanh Hà, phường Tân An, phường Cẩm An. Cạnh đó thành lập xã Tân Hiệp, trên cơ sở xã Tân Hiệp cũ, nơi có đảo Cù Lao Chàm. Còn tại TP Tam Kỳ có 12 xã, phường sau sáp nhập còn 4 phường.
Cụ thể thành lập phường Tam Kỳ trên cơ sở sáp nhập phường An Mỹ, An Xuân, Trường Xuân. Thành lập phường Tam Kỳ Bắc trên cơ sở sáp nhập phường Tân Thạnh, Hòa Thuận, xã Tam Thăng. Thành lập phường Tam Kỳ Đông trên cơ sở sáp nhập xã Tam Phú, Tam Thanh, phường An Phú. Thành lập phường Tam Kỳ Nam trên cơ sở sáp nhập phường An Sơn, phường Hòa Hương, xã Tam Ngọc.
Còn huyện Phú Ninh sau khi sắp xếp lại còn 3 xã gồm: Phú Ninh 1 trên cơ sở sáp nhập xã Tam Thành, xã Tam An, xã Tam Phước, xã Tam Lộc; Phú Ninh 2 trên cơ sở sáp nhập thị trấn Phú Thịnh, xã Tam Đàn, xã Tam Thái và Phú Ninh 3 trên cơ sở sáp nhập xã Tam Dân, xã Tam Đại, xã Tam Lãnh.
Ngoài ra còn có phương án sắp xếp cấp xã ở các địa phương khác của tỉnh. Tổng số đơn vị hành chính sắp xếp còn 88 xã, bao gồm 12 phường và 76 xã.
Thanh Hóa
Ngày 18/4, Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị triển khai sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 11.114,71 km2, quy mô dân số 4.320.947 người, có 26 đơn ĐVHC cấp huyện gồm 2 thành phố, 2 thị xã và 22 huyện, trong đó có 11 huyện thuộc khu vực vùng cao, miền núi; 547 ĐVHC cấp xã gồm 63 phường, 32 thị trấn, 452 xã, trong đó có 16 xã, thị trấn biên giới.
Tỉnh Thanh Hóa đề nghị không thực hiện sắp xếp đối với 18 xã thuộc khu vực biên giới và miền núi. Ảnh: Nguyễn Chung.
Tỉnh Thanh Hóa dự kiến sắp xếp 547 đơn vị hành chính cấp xã (hiện nay) thành 166 đơn vị hành chính cấp xã mới.
Theo phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Thanh Hóa, sẽ thực hiện sắp xếp 529 ĐVHC cấp xã (gồm 435 xã, 63 phường, 31 thị trấn) thành 166 ĐVHC cấp xã mới gồm: 18 phường và 148 xã (73 xã đồng bằng, 75 xã miền núi). Số xã, thị trấn giáp nước bạn Lào là 16 đơn vị. Toàn tỉnh giảm 381 ĐVHC cấp xã so với hiện nay, tương ứng giảm 69,65%.
Trong đề án, Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị không thực hiện sắp xếp đối với 18 ĐVHC cấp xã gồm: 12/16 xã biên giới giáp Lào và 6 xã thuộc khu vực miền núi, vùng cao, với lý do: Thực hiện định hướng giữ ổn định số lượng xã, thị trấn biên giới giáp nước bạn Lào để không ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia; trong đó 12 xã, thị trấn biên giới không sắp xếp; sắp xếp 4 xã biên giới với các xã, thị trấn không phải là biên giới để thụ hưởng chính sách của khu vực biên giới. Không sắp xếp đối với 6 xã vùng núi, miền núi cao có diện tích rộng, địa hình đồi núi, chia cắt, kết nối giao thông còn nhiều hạn chế, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Về tiến độ thời gian tổ chức lấy ý kiến Nhân dân trước ngày 21/4/2025; Tổ chức phát phiếu lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình trước ngày 22/4/2025.
Sau khi họp bàn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa thống nhất dự kiến thực hiện sắp xếp 547 đơn vị hành chính cấp xã thành 166 đơn vị hành chính cấp xã mới. Toàn tỉnh giảm 381 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay, tương ứng giảm 69,65%.
Quảng Trị
Dự thảo Đề án tóm tắt sắp xếp ĐVHC tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị do UBND tỉnh Quảng Bình xây dựng dự kiến, tỉnh Quảng Trị sau sắp xếp có 78 ĐVHC cấp xã.
Dự thảo Đề án nói trên đã đề cập đến hiện trạng đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh thực hiện sắp xếp của 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Đồng thời, đưa ra phương án chung và phương án cụ thể thành lập tỉnh Quảng Trị trên cơ sở sắp xếp ĐVHC tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị.
Một góc TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) hiện nay. Ảnh: N.V.
Kết quả sau sắp xếp, dự thảo Đề án xác định, tỉnh Quảng Trị có 12.699,99 km2 (đạt 254% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số hơn 1,8 triệu người (đạt 131,81% so với tiêu chuẩn) và dự kiến có 78 ĐVHC cấp xã (69 xã, 8 Phường, 1 đặc khu).
Tỉnh Quảng Trị sau khi sắp xếp lại thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Nam giáp TP Huế, phía Tây giáp Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, phía Đông giáp biển Đông.
Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Quảng Trị sau khi sắp xếp lại đặt tại tỉnh Quảng Bình.
Về tổ chức bộ máy khối Đảng, Mặt trận và Đoàn thể cấp tỉnh, sau sắp xếp còn 8 cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy; 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy; 6 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các cơ quan Đảng, Mặt trận, Đoàn thể. Lãnh đạo Tỉnh ủy gồm: Bí thư và các Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Có 7 cơ quan Đảng. Trong đó, 5 cơ quan giúp việc Tỉnh ủy (Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy) và 2 Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy (Đảng ủy UBND tỉnh, Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh).
Khối Mặt trận, đoàn thể còn 1 cơ quan (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị).
Có 2 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tỉnh ủy (Trường Chính trị tỉnh và Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh).
Về khối Chính quyền cấp tỉnh, dự thảo Đề án xác định, sau sắp xếp có HĐND tỉnh và UBND tỉnh; 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 2 tổ chức thuộc tỉnh; 9 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, 147 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các cơ quan chuyên môn, tổ chức thuộc tỉnh.
Cụ thể, HĐND tỉnh có: Lãnh đạo HĐND tỉnh (Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Trưởng, Phó các ban) và 4 Ban chuyên môn giúp việc (Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - xã hội, Ban Dân tộc).
Lãnh đạo UBND tỉnh gồm: Chủ tịch và các Phó Chủ tịch. UBND tỉnh có 14 Cơ quan chuyên môn, gồm: Dân tộc và Tôn giáo; Tài chính; Xây dựng; Nông nghiệp và Môi trường; Nội vụ; Sở Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Công thương; Tư pháp; Thanh tra tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh; Sở Ngoại vụ.
Có 2 tổ chức hành chính và 9 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh.
Quảng Ngãi
Một góc TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: CTV.
Ngày 19/4, tỉnh Quảng Ngãi hoàn hành đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025, sẽ lấy ý kiến cử tri đề án này vào ngày 20/4. Tỉnh Quảng Ngãi hiện có diện tích tự nhiên hơn 5.100 km2, dân số khoảng 1,3 triệu người. Tỉnh hiện có 13 đơn vị hành chính cấp huyện và 170 đơn vị hành chính cấp xã.
Theo đề án, sau khi thực hiện sắp xếp, toàn tỉnh Quảng Ngãi còn 56 ĐVHC cấp xã (gồm 6 phường, 49 xã và 1 đặc khu Lý Sơn), đạt tỉ lệ 31,3%, giảm 115 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay, đạt tỉ lệ 67,65% so với trước sắp xếp và không còn cấp huyện.
Cụ thể, TP Quảng Ngãi có 3 phường, 2 xã; thị xã Đức Phổ có 3 phường, 2 xã; các huyện: Bình Sơn 5 xã; Sơn Tịnh 4 xã; Nghĩa Hành 4 xã; Sơn Tây 3 xã; Minh Long 2 xã; Mộ Đức 4 xã; Tư Nghĩa 4 xã; Trà Bồng 6 xã; Sơn Hà 5 xã; Ba Tơ 8 xã và đặc khu Lý Sơn.
Theo kế hoạch, ngày 20/4, đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Quảng Ngãi năm 2025 sẽ được lấy ý kiến cử tri, sau đó trình HĐND tỉnh thông qua. Các địa phương như: TP Quảng Ngãi sẽ giảm từ 20 xã, phường, sau khi sắp xếp còn 5 xã, phường.
Cụ thể, thành lập phường Cẩm Thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 4 đơn vị hành chính cấp xã, gồm các phường: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Nghiêm, Chánh Lộ và Nghĩa Chánh. Nơi đặt trụ sở làm việc tại phường Nguyễn Nghiêm hiện nay.
Thành lập phường Nghĩa Lộ trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 4 đơn vị hành chính cấp xã, gồm các phường: Lê Hồng Phong, Trần Phú, Quảng Phú và Nghĩa Lộ. Nơi đặt trụ sở làm việc tại phường Nghĩa Lộ hiện nay.
Thành lập phường Trương Quang Trọng trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 4 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: phường Trương Quang Trọng và các xã: Tịnh Ấn Tây, Tịnh Ấn Đông, Tịnh An. Nơi đặt trụ sở làm việc tại phường Trương Quang Trọng hiện nay.
Thành lập xã An Phú trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 4 đơn vị hành chính cấp xã, gồm các xã: An Phú, Nghĩa Hà, Nghĩa Dõng và Nghĩa Dũng. Nơi đặt trụ sở làm việc tại xã Nghĩa Dũng hiện nay.
Thành lập xã Tịnh Khê trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 4 đơn vị hành chính cấp xã, gồm các xã: Tịnh Khê, Tịnh Long, Tịnh Thiện và Tịnh Châu. Nơi đặt trụ sở làm việc tại xã Tịnh Khê hiện nay.
Một số địa phương khác như huyện Ba Tơ, sau khi sắp xếp sẽ có xã Đặng Thùy Trâm (trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích, quy mô dân số 2 xã Ba Khâm và Ba Trang hiện nay)… Riêng huyện đảo Lý Sơn sau khi sắp xếp chuyển nguyên trạng thành ĐVHC cấp xã, với tên gọi đặc khu Lý Sơn.
Thái Bình
Ngày 19/4, thông tin từ Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình cho biết, sau khi nghe UBND tỉnh báo cáo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thảo luận, thống nhất chủ trương sắp xếp, giảm từ 242 ĐVHC cấp xã hiện có của tỉnh xuống còn 65 đơn vị (giảm 73%), gồm 60 xã, 5 phường. Đồng thời, thống nhất tên gọi và trung tâm hành chính các ĐVHC cấp xã mới.
Sông Trà Lý chảy qua địa bàn TP Thái Bình. Ảnh: CTV.
Trong đó, theo Đề án sắp xếp, TP Thái Bình hiện nay sẽ được sắp xếp lại thành 5 phường mới (từ hợp nhất 19 phường, xã của thành phố, 6 xã của huyện Vũ Thư, 1 xã của huyện Kiến Xương, 1 xã của huyện Đông Hưng).
Gồm: phường Thái Bình (từ hợp nhất các phường Lê Hồng Phong, Bồ Xuyên, Tiền Phong, xã Tân Bình của TP Thái Bình và các xã Phúc Thành, Tân Hòa, Tân Phong của huyện Vũ Thư; trụ sở đặt tại xã Tân Bình cũ).
Phường Trần Lãm (từ hợp nhất các phường Trần Lãm, Kỳ Bá, xã Vũ Đông, Vũ Lạc, Vũ Chính của TP Thái Bình và xã Tây Sơn của huyện Kiến Xương; trụ sở đặt tại phường Trần Lãm).
Phường Trần Hưng Đạo (từ hợp nhất các phường Trần Hưng Đạo, Đề Thám, Quang Trung, xã Phú Xuân của TP Thái Bình; trụ sở đặt tại trụ sở hiện tại của TP Thái Bình).
Phường Trà Lý (từ hợp nhất các phường Hoàng Diệu, xã Đông Mỹ, Đông Hòa, Đông Thọ của TP Thái Bình và xã Đông Dương của huyện Đông Hưng; trụ sở đặt tại xã Đông Mỹ). Trà Lý là tên dòng sông chảy qua địa bàn TP Thái Bình, rất quen thuộc với người dân tỉnh Thái Bình.
Phường Vũ Phúc (từ hợp nhất phường Phú Khánh, xã Vũ Phúc của TP Thái Bình và các xã Song An, Trung An, Nguyên Xá của huyện Vũ Thư; trụ sở đặt tại xã Vũ Phúc).
Tương tự, toàn bộ 36 ĐVHC cấp xã của huyện Thái Thụy được sắp xếp lại thành 11 đơn vị; huyện Tiền Hải từ 28 còn 8 đơn vị; huyện Quỳnh Phụ từ 35 còn 9 đơn vị; huyện Đông Hưng từ 31 còn 9 đơn vị; huyện Hưng Hà từ 33 còn 8 đơn vị; huyện Kiến Xương từ 28 còn 9 đơn vị; huyện Vũ Thư từ 24 (không bao gồm các xã đã được sáp nhập với các phường của TP Thái Bình) còn 6 đơn vị.
Theo kế hoạch, từ ngày 22/4, tỉnh Thái Bình sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân toàn tỉnh về Đề án hợp nhất tỉnh Thái Bình và tỉnh Hưng Yên; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để tạo sự đồng thuận xã hội.
Thông tin từ hội nghị cũng cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã nghe báo cáo Đề án hợp nhất tỉnh tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, thống nhất cao với Đề án, trong đó thống nhất lấy tên tỉnh mới là Hưng Yên, trung tâm tỉnh mới tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.
Duy Hưng, Chí Đại, Tấn Thành, Nghĩa Văn, Đình Minh