Giảng viên Đại học Quốc gia TPHCM cùng sinh viên tại phòng thí nghiệm hóa dược. Ảnh: VNUHCM
Điều này không chỉ tối ưu hóa nguồn lực mà còn nâng cao chất lượng đào tạo, tạo nền tảng phát triển bền vững trong tương lai.
Giảm phụ thuộc vào ngân sách
Ngày 2/1, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM cho biết vừa hoàn thành “Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong ĐHQG TPHCM” theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, trong giai đoạn 2018 - 2024, đại học này sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tăng số đơn vị tự chủ tài chính. Cụ thể, đơn vị sáp nhập Trung tâm Đại học Pháp vào Viện Đào tạo quốc tế; sáp nhập Trung tâm Khảo thí tiếng Anh vào Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo. Ngoài ra, Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu được nhập vào Viện Môi trường và Tài nguyên. Ba đơn vị gồm Viện Đào tạo quốc tế, Trung tâm Đào tạo Tiền tiến sĩ và Viện Quản trị đại học hợp nhất thành Viện Đào tạo - Nghiên cứu quản trị, sau đó đổi tên thành Viện Phát triển năng lực lãnh đạo ĐHQG TPHCM.
Tính đến hết năm 2024, ĐHQG TPHCM có 36 đơn vị thành viên, trong đó có 8 trường đại học. Trong số này, 24/36 đơn vị (gồm 7 trường đại học thành viên và 17 đơn vị trực thuộc) tự chủ tài chính nhóm 2 (chiếm tỷ trọng 66%) và có 12/36 đơn vị tự chủ tài chính nhóm 3 (chiếm tỷ trọng 34%).
Về nhân sự, cách đây 10 năm, ĐHQG TPHCM có 3.502 trong tổng số 5.603 viên chức nhận lương từ ngân sách Nhà nước (chiếm tỷ lệ 62,5%). Đến hết năm 2024, con số này là 1.154 trong tổng số 6.400 viên chức (chiếm tỷ lệ 18%).
Hội nghị cán bộ chủ chốt triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW của ĐHQG Hà Nội. Ảnh: VNU
Trong giai đoạn 2025 - 2030, đại học này tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đáp ứng 3 yêu cầu: Giảm đầu mối quản lý để đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng số đơn vị tự chủ tài chính để đảm bảo giảm phụ thuộc ngân sách Nhà nước, giảm số người nhận lương từ ngân sách; đảm bảo các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng của ĐHQG TPHCM được ổn định, liên tục, đạt hiệu quả cao nhất.
ĐHQG TPHCM đặt ra một số mục tiêu cho kế hoạch tinh gọn này: Giảm 36% đầu mối quản lý bên trong; tăng số đơn vị tự chủ tài chính từ 66% lên 92%; giảm số nhân sự hưởng lương ngân sách Nhà nước từ 18% xuống còn 8%.
ĐHQG TPHCM cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị đã tự chủ tài chính chủ trì xây dựng phương án tinh giản đầu mối quản lý. Đối với các trường đại học thành viên đã tự chủ tài chính: Giảm từ 15% - 35%; đối với các đơn vị trực thuộc đã tự chủ tài chính: Giảm từ 10% - 20%.
“Trong thời gian qua, ĐHQG TPHCM cố gắng tinh gọn các đơn vị chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Đây cũng là phương hướng cần thiết trong thời gian tới”, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG TPHCM cho biết tại cuộc họp tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của đơn vị, hồi cuối tháng 12/2024.
Sinh viên Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại Long An trong lễ khai giảng đầu tiên, năm học 2024 - 2025. Ảnh: Lê Mạnh
Tinh gọn, hiệu quả hơn
Tương tự, ĐHQG Hà Nội đã họp tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TW. Theo đó, đại học này giảm từ 36 xuống 25 đơn vị thành viên, trực thuộc (giảm 30,5%). ĐHQG Hà Nội cũng giao nhiều đơn vị thành viên xây dựng đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nội bộ trước ngày 4/1 như: Cơ quan ĐHQG Hà Nội; 9 trường đại học thành viên, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Viện Trần Nhân Tông; 3 trường trực thuộc, 10 đơn vị trực thuộc khác.
Ngoài ra, ĐHQG Hà Nội sẽ sáp nhập, hợp nhất nhiều đơn vị thành viên, trực thuộc. Chẳng hạn, Viện Đại học số và Khảo thí (hoặc Viện Khảo thí và Đào tạo số) sẽ được thành lập trên cơ sở hợp nhất Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục và Trung tâm Khảo thí. ĐHQG Hà Nội cũng sáp nhập nguyên trạng Bệnh viện Đại học Y Dược vào Trường Đại học Y Dược, sáp nhập Tạp chí Khoa học vào Văn phòng, hợp nhất Khoa Quốc tế Pháp ngữ vào Trường Quốc tế.
GS.TS Lê Quân - Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết, chủ trương chung của ĐHQG Hà Nội là tinh gọn mang tính đồng bộ, toàn diện để đây là nơi hội tụ của các cán bộ có thực lực, giàu chuyên môn, đủ tâm, tầm, tài đúng với tầm nhìn, sứ mệnh của đơn vị đầu tàu trong nền giáo dục nước nhà.
Toàn cảnh khu đô thị ĐHQG TPHCM. Ảnh: VNUHCM
Không chỉ đại học quốc gia, các cơ sở giáo dục đại học khác cũng không đứng ngoài cuộc trong công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Tại Trường Đại học Luật TPHCM, TS Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trong năm 2024, trường đặt mục mục tiêu tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Nhà trường đã thông qua đề án tái cấu trúc bộ máy quản trị và công bố các nghị quyết về việc thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể đơn vị thuộc trường cũng như quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị.
Thời gian qua, tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), việc tinh gọn, sắp xếp các cơ sở đào tạo được triển khai theo hướng trường đại học của tỉnh trở thành thành viên của một đại học lớn. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển Trường Đại học An Giang, từ trực thuộc UBND tỉnh An Giang thành trường đại học thành viên của ĐHQG TPHCM.
Theo PGS.TS Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, trước khi trở thành thành viên ĐHQG TPHCM, nhà trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, tuyển sinh khá tốt. Tuy nhiên, trong nhiều giai đoạn, ngân sách tỉnh An Giang có thể do khó khăn nên phần chi cho đầu tư còn hạn chế.
Khi trở thành thành viên ĐHQG TPHCM, ngân sách chi thường xuyên không tăng nhưng kinh phí không thường xuyên và đầu tư tăng lên. Cùng đó, yêu cầu nâng cao chất lượng cũng khắt khe hơn. Nhà trường phải đổi mới liên tục để đáp ứng yêu cầu của một trường thành viên. Về tuyển sinh, điểm chuẩn tăng 5 năm liên tục, số lượng và chất lượng đầu vào tốt hơn.
Xu hướng tinh gọn các cơ sở đào tạo còn theo hướng trường cao đẳng trở thành phân hiệu của trường đại học. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực, tinh gọn bộ máy mà còn tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên tiếp cận những chương trình đào tạo đại học tiên tiến, đáp ứng nhân sự cho nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Theo ông Lâm Hoàng Nghiệp - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng, Trường Đại học Cần Thơ mở phân hiệu tại Sóc Trăng đã tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong tỉnh được học tập gần nhà, là cầu nối đưa chương trình đào tạo chất lượng cao đến gần hơn với người dân Sóc Trăng. Đồng thời mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cho đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển của địa phương.
Quốc Ngữ - Mạnh Tùng