Thay đổi, nắm bắt thời cơ để phát triển
Thực hiện yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã khẩn trương triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã cơ bản hoàn thành dự kiến sắp xếp tổ chức bộ máy.
Có thể thấy, trong giai đoạn hiện nay, việc tổng kết Nghị quyết số 18 về sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị "tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả" là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, chúng ta sẽ gặp không ít khó khăn bởi liên quan trực tiếp đến vấn đề con người, đòi hỏi phải quyết tâm lớn, nỗ lực cao đưa đất nước vào kỷ nguyên mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 12/12 (Ảnh: VGP).
Chia sẻ với Người Đưa Tin xoay quanh vấn đề này, TS. Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước cho biết, công cuộc cải cách bộ máy chính trị rất quyết liệt, tiếp tục hành trình cải cách đồng bộ bộ máy Nhà nước và đổi mới hệ thống chính trị từ Nghị quyết 7 Trung ương Khóa VIII.
Theo ông Phúc, công cuộc cải cách bộ máy đã được tiến hành từ 25 năm trước khi chúng ta đã đưa ra phương án mô hình Chính phủ chỉ nên gồm khoảng 16-17 bộ, ngành và sắp xếp theo nguyên tắc đa ngành, đa lĩnh vực.
Một số bộ, ban, ngành có chức năng nhiệm vụ tương đồng đã được tiến hành sáp nhập để phù hợp với đường lối đổi mới kinh tế, tạo tiền đề tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bộ máy của Chính phủ cơ bản giữ ổn định từ khóa XII (2007-2011) đến nay với 30 đầu mối gồm: 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ.
Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng, cải cách bộ máy chính trị thời gian qua còn chậm, do đó sinh ra "điểm nghẽn", trùng lắp nên cần phải làm một cách quyết liệt, cũng cần chấp nhận hy sinh một bộ phận nào đó.
"Bởi, nếu không làm được thì không thể đi nhanh được", ông phúc cho hay và nêu dẫn chứng nhìn ra thế giới, ở các nước phát triển chỉ có 12-13 bộ, ngành, thậm chí có nước ít hơn.
"Tôi thực sự rất vui vì cả cuộc đời làm cải cách của mình bây giờ mới thực sự có sự hy vọng về một cuộc cải cách mạnh mẽ, sẽ đẩy mạnh tốc độ phát triển của đất nước", ông Phúc nói.
Đất nước đang trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ, kinh tế thị trường chuyển đổi mau lẹ nên ông Phúc cho rằng, nếu bộ máy không thay đổi kịp thời, không phù hợp sẽ khó nắm bắt thời cơ để phát triển.
"Tôi ủng hộ và rất ấn tượng với các chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế được đưa ra", nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ.
Dù phía trước còn nhiều việc phải làm, nhưng ông Phúc cho rằng việc tinh gọn bộ máy phải làm quyết liệt và làm đến cùng.
"Đầu ra" với cán bộ, công chức dôi dư
Đối với những quan ngại về sự dôi dư của cán bộ, công chức viên chức sau sắp xếp, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, điều này là tất nhiên, sau sắp xếp thì sẽ có dôi dư. Lần này, chúng ta sẽ rà soát lại toàn bộ bộ máy, nhân lực, từ lãnh đạo cho tới chuyên viên.
Do đó, theo ông Phúc, cần có chính sách đầu ra, cán bộ, công chức gần đến tuổi nghỉ hưu có thể nghỉ sớm và có chính sách cho nghỉ sớm (điều này chúng ta đã có). Hai là, những người có năng lực thì điều chỉnh, sắp xếp lại cho phù hợp. Ba là, đối với số dôi dư nếu chưa đủ tiêu chuẩn có thể cho đi đào tạo và có thể chuyển sang các khu vực tư.
TS. Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Ảnh: VGP).
"Tôi cho rằng cần có chính sách phát triển các khu vực tư từ doanh nghiệp tư cho đến các hoạt động sự nghiệp tư phải tăng lên để có đầu ra cho lực lượng lao động dôi dư", ông Phúc cho hay.
Cùng với đó, ông Phúc chia sẻ, rất nhiều doanh nghiệp cũng rất cần nhân sự đã qua công chức, bởi họ hiểu vận hành bộ máy.
"Đây không phải là chảy máu chất xám mà là cung cấp lao động cho thị trường xã hội", ông Phúc nói và cho rằng khi tạo ra cơ chế chính sách phù hợp sẽ tạo được sự đồng thuận, ủng hộ cao của cán bộ, công chức, viên chức.
Ngoài ra, cần phải làm tốt công tác tư tưởng cho thông, các cán bộ cũng phải thể hiện được thái độ, trách nhiệm đối với công việc chung của Đảng, của Nhà nước, của đất nước. Đó là thách thức mà cán bộ phải đối mặt, tự xác định được mình có đủ tiêu chuẩn không, nếu không đủ tiêu chuẩn thì phải đứng sang một bên...
"Quan điểm của chúng tôi từ lâu là thị trường lao động sẽ chuyển dịch dần sang khu vực tư, không nặng nề phải vào khu vực công.
Đó là một con đường để xử lý đầu ra cho quá trình tinh giản hiện nay. Đây là một tư tưởng rất lớn, là một chủ trương thực sự cần nghiên cứu", ông Phúc phân tích.
Đồng thời, cần tạo ra môi trường thu hút đầu tư thuận lợi, môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, mọi người cùng tham gia vào thị trường có trách nhiệm.
Với quyết tâm chính trị mới của toàn Đảng, toàn bộ hệ thống chính trị, có sự ủng hộ nhiệt thành của nhân dân. Dù nhiệm vụ này khó khăn, thách thức nhưng ông Phúc vẫn hy vọng từ lãnh đạo đến nhân dân, đều nhận thấy trách nhiệm của mình trước vận mệnh, thời cơ để hành động cho phù hợp.
"Đích đến của chúng ta là tạo ra một hệ thống vận hành thông suốt, hiệu quả, nhanh nhạy với thị trường và thu hút được đầu tư cả trong và ngoài nước", ông Phúc nhấn mạnh.
Phải có chính sách hỗ trợ hợp lý
ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết thêm, việc sáp nhập bộ máy hành chính chắc chắn sẽ tạo ra tâm tư, lo ngại đối với không ít cán bộ, công chức, viên chức.
Bởi, đây là một sự thay đổi lớn, liên quan trực tiếp đến công việc, quyền lợi và môi trường làm việc của họ. Đặc biệt, khi việc sáp nhập có thể dẫn đến việc điều chỉnh, giảm biên chế hoặc thay đổi cơ cấu tổ chức, cảm giác lo lắng và bất an là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, ông cho rằng, trong bối cảnh cải cách hành chính và phát triển đất nước, một phần của quá trình này chính là sự hi sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Việc đặt lợi ích chung lên hàng đầu, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để mang lại hiệu quả tổng thể cho bộ máy nhà nước và phục vụ người dân tốt hơn, là một thái độ cần thiết và đáng trân trọng trong công cuộc xây dựng đất nước.
Cũng giống như trong một đội ngũ, mỗi thành viên cần phải hy sinh một chút vì sự tiến bộ và thành công chung của tập thể. Trong trường hợp này, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần nhìn nhận sự thay đổi này không phải là một mất mát, mà là một cơ hội để hệ thống hành chính trở nên tinh gọn, hiệu quả hơn, từ đó giúp cho đất nước phát triển nhanh chóng và bền vững hơn.
Theo ông Sơn, nếu sự hi sinh quyền lợi cá nhân là điều cần thiết để cải cách bộ máy hành chính, thì điều quan trọng là phải có chính sách hỗ trợ hợp lý. Cán bộ, công chức, viên chức không chỉ hy sinh vì lợi ích của tập thể mà phải cảm nhận được sự công bằng và sự chăm lo từ phía Nhà nước.
Chính sách chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo lại, tạo cơ hội việc làm mới cho những người bị ảnh hưởng là một phần quan trọng của quá trình này. Khi họ cảm thấy mình không bị bỏ lại phía sau, mà thực sự có sự hỗ trợ để thích ứng với môi trường mới, họ sẽ dễ dàng chấp nhận và tham gia vào quá trình này với tâm lý tích cực hơn.
"Cuối cùng, tôi nghĩ rằng, trong mọi cải cách lớn, sự hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung luôn là một yếu tố quan trọng, nhưng chỉ khi sự hy sinh đó đi kèm với sự công bằng, minh bạch và hỗ trợ thiết thực thì mới có thể thu hút được sự đồng thuận và cam kết từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức", ông Sơn nói.
Hoàng Thị Bích