Sắp xếp tinh gọn bộ máy sẽ tạo động lực cho phát triển

Sắp xếp tinh gọn bộ máy sẽ tạo động lực cho phát triển
3 ngày trướcBài gốc
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy và lãnh đạo tỉnh bỏ phiếu thông qua các Đề án trình tại Hội nghị Tỉnh ủy khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, vào chiều 25/12.
Đến thời điểm này, Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (gọi tắt là Ban Chỉ đạo tỉnh) đã tổ chức 3 phiên họp. Tỉnh ủy cũng đã thống nhất thông qua các phương án tổng thể sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của tỉnh, định hướng sắp xếp tổ chức, bộ máy cho các huyện, thị xã, thành phố.
Theo đó, sắp xếp các cơ quan Đảng, Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh như sau: Kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; kết thúc hoạt động của 8 đảng đoàn và 3 ban cán sự đảng; thành lập 2 đảng bộ mới là Đảng bộ Khối Cơ quan Đảng, đoàn thể, HĐND, tư pháp cấp tỉnh và Đảng bộ Khối Chính quyền cấp tỉnh; thực hiện sáp nhập Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy; bố trí chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chuyên trách... Đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, duy trì 2 sở gồm Sở Tư pháp, Sở VH-TT&DL và Thanh tra tỉnh; đồng thời, hợp nhất đối với một số sở, ngành tương đồng với sắp xếp các bộ ở trung ương. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh và trực thuộc các sở, thì căn cứ quan điểm, mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ thường xuyên trở lên theo nguyên tắc: Một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ...
Đối với cấp huyện, cùng với thực hiện sắp xếp cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp như cấp tỉnh (tương đương giảm 13 cơ quan chuyên trách giúp việc cấp ủy cấp huyện), thì có chủ trương thành lập Chi bộ Khối Mặt trận, đoàn thể. Đối với mô hình chính quyền đô thị và nông thôn (gồm TP.Quảng Ngãi, TX.Đức Phổ và 5 huyện đồng bằng), phương án đưa ra là giảm 2 phòng (từ 12 phòng hiện nay xuống 10 phòng chuyên môn và tương đương); đối với 5 huyện miền núi, chuyển chức năng tôn giáo về Phòng Dân tộc, thành lập Phòng Dân tộc - Tôn giáo. Đối với huyện đảo Lý Sơn, giữ nguyên 8 phòng, điều chuyển các bộ phận chuyên môn bên trong cho phù hợp.
Sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 18 và Kế hoạch số 125-KH/TU ngày 5/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quảng Ngãi đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ đặt ra. Toàn tỉnh đã giảm 2 cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh (Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh và huyện Tây Trà); giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện; giảm 94 phòng và tương đương trực thuộc cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện; giảm 208 đơn vị sự nghiệp công lập... Sau khi sắp xếp, tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan tinh gọn hơn; chức năng, nhiệm vụ được phân định cụ thể, rõ ràng, thống nhất; khắc phục được tình trạng chồng chéo; giảm được nhiều phòng, ban, chức danh, biên chế và tiết kiệm được tài sản, ngân sách chi thường xuyên. Bên cạnh đó, việc thực hiện mô hình thí điểm kiêm nhiệm chức danh được đánh giá mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, trung ương chưa có chủ trương thống nhất toàn quốc về mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh, chưa có các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể nên thiếu cơ chế và trong tổ chức thực hiện chưa thống nhất, đồng bộ. Một số bộ, ngành chưa ban hành thể chế để cụ thể hóa và áp dụng thống nhất, đồng bộ theo chủ trương Nghị quyết 18, dẫn đến chưa có sự đồng thuận ở cấp tỉnh trong việc sắp xếp, hợp nhất sở, ngành...
Nhận diện rõ thực trạng, những bất cập, hạn chế, đặc biệt là sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ trong tổ chức thực hiện là để tìm đúng giải pháp tháo gỡ. Đó là phải thực hiện đồng bộ từ trung ương đến địa phương để không gây ra máy móc, chồng chéo trong quá trình thực hiện; làm tốt công tác tuyên truyền và giáo dục chính trị, tư tưởng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để có sự thông suốt về tư tưởng, thống nhất về nhận thức và hành động trong thực hiện, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đây là phần việc quan trọng góp phần cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy ổn định và hoạt động có hiệu quả.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân - Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh cho biết, đến thời điểm này, Quảng Ngãi đã hoàn thành các phương án sắp xếp sáp nhập các cơ quan khối Đảng, cơ quan khối Nhà nước cũng như các hội; đồng thời định hướng việc sắp xếp bộ máy bên trong các cơ quan, đơn vị, các sở, ngành đảm bảo theo chỉ đạo của trung ương và yêu cầu thực tiễn của tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định, sắp xếp bộ máy bên trong phải gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới...
Bài, ảnh: THANH THUẬN
Nguồn Quảng Ngãi : http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202501/sap-xep-tinh-gon-bo-may-se-tao-dong-luc-cho-phat-trien-6f61079/