Sắp xếp tổ chức bộ máy, không để ai bị bỏ lại phía sau

Sắp xếp tổ chức bộ máy, không để ai bị bỏ lại phía sau
6 giờ trướcBài gốc
Theo dự thảo Đề án sáp nhập, hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy thuộc Chính phủ, sau khi sắp xếp, dự kiến bộ máy Chính phủ còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, giảm 5 bộ và 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ; giảm 12/13 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; dự kiến giảm 500 cục thuộc bộ, các tổng cục.
Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng hoàn thiện phương án thu gọn đầu mối, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ từ 35-40% đầu mối.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, vấn đề nào đã chín, đã rõ thì báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương, vấn đề còn nhiều ý kiến thì tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, trình phương án khả thi nhất, theo hướng bộ máy tinh gọn song phải hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm khâu trung gian nhưng không mất chức năng, nhiệm vụ.
Đối với việc thành lập Đảng bộ Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu làm rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của Đảng ủy Chính phủ với các Đảng ủy trực thuộc Bộ Chính trị như: Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Công an Trung ương, Quân ủy Trung ương; cũng như mối quan hệ bên trong của Đảng ủy Chính phủ.
Về việc sắp xếp các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đề xuất chỉ giữ một số Tập đoàn, Tổng Công ty có tính chất chủ lực, chi phối một số ngành, lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ thuộc Chính phủ quản lý; các Tập đoàn, Tổng Công ty khác đưa về các bộ, ngành quản lý theo ngành, lĩnh vực.
Yêu cầu việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng chế độ, chính sách đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng nhất quán, có tính kế thừa các chính sách từ trước đến nay, song phải thiết kế chính sách vượt trội hơn, phù hợp với bối cảnh, điều kiện đất nước và phù hợp giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, chính sách phải khuyến khích được nhân lực chất lượng cao, có năng lực, sức khỏe, trình độ, tâm huyết làm việc trong nhà nước, cũng như thu hút lao động ngoài nhà nước vào làm việc trong nhà nước; đồng thời có cơ chế để người lao động có thể “ra - vào” làm việc trong cũng như ngoài nhà nước bình thường, thuận lợi, trên cơ sở hiệu quả, phù hợp.
Nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là không hy sinh tiến bộ công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần và không để ai bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng yêu cầu thiết kế chính sách theo đối tượng cụ thể, chi tiết; ưu đãi hơn đối với người đã nhiều tuổi, thời gian cống hiến còn ít và người trẻ tuổi, mới vào làm việc, còn nhiều cơ hội làm việc ở nhiều khu vực khác nhau; đặc biệt, có chế độ thỏa đáng đối với người lao động hợp đồng, tránh để những người này bị thiệt thòi.
Thủ tướng cho biết, với số người dự kiến và số kinh phí cần chi trả cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong sắp xếp tổ chức bộ máy, ngân sách Nhà nước hoàn toàn đảm bảo. Tuy nhiên, cần tiếp tục tăng thu, giảm chi để dành ngân sách Nhà nước cho nhiều vấn đề quan trọng khác.
Truyền hình Quốc hội Việt Nam
Nguồn Quốc Hội TV : https://quochoitv.vn/sap-xep-to-chuc-bo-may-khong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau-247555.htm