Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tại Đà Lạt
Công văn đề nghị các địa phương xây dựng Đề án, chủ động thực hiện việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh, cấp huyện với mục tiêu tương đồng với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, liên thông trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến cấp huyện; đồng thời thực hiện sắp xếp, giảm các đầu mối bên trong, gắn với giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, có số lượng cơ cấu hợp lý, có phẩm chất năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức trong thời kỳ mới.
Nguyên tắc đưa ra là phấn đấu giảm 15% số đầu mối tổ chức bên trong, tuân thủ theo định hướng của Trung ương, qui định của Chính phủ và phù hợp với tình hình đặc điểm của từng địa phương; đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
• KHÔNG QUÁ 14 SỞ VỚI CẤP TỈNH
Theo định hướng, gợi ý việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh của Ban Chỉ đạo của Chính phủ, duy trì 3 sở (có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong), gồm: Sở Tư pháp; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hoặc Sở Văn hóa, Thể thao đối với các địa phương duy trì Sở Du lịch); Thanh tra tỉnh; Văn phòng UBND cấp tỉnh.
Cùng đó, định hướng, gợi ý hợp nhất đối với một số sở, ngành tương đồng với sắp xếp các bộ ở Trung ương. Cụ thể, hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính, dự kiến lấy tên là Sở Kinh tế - Tài chính. Về chức năng, nhiệm vụ, Sở Kinh tế - Tài chính tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở trước khi hợp nhất.
Hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng trên sơ sở tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở trước khi hợp nhất; dự kiến tên gọi là Sở Xây dựng và Giao thông.
Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triến nông thôn, trong đó, tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở trước khi hợp nhất. Tên gọi sau hợp nhất dự kiến là Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở trước khi hợp nhất. Tên gọi sau hợp nhất dự kiến là Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông.
Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ. Sở mới thành lập này thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực Nội vụ và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về lao động, tiền lương; việc làm; người có công; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội; bình đẳng giới. Tên gọi của Sở sau hợp nhất dự kiến là Sở Nội vụ và Lao động.
Trung ương định hướng, gợi ý cơ cấu, sắp xếp, chuyển nhiệm vụ đối với 3 sở tương ứng với sắp xếp các bộ ở Trung ương. Cụ thể, Sở Y tế tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội; trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội; quản lý sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em theo quy định từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang và tiếp nhận nhiệm vụ theo dõi, quản lý sức khỏe cán bộ của tỉnh (sau khi kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe tỉnh).
Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động -Thương bình và Xã hội chuyển sang.
Sở Công thương tiếp nhận nguyên trạng Cục quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công thương.
Trung ương cũng đưa ra định hướng, gợi ý cơ cấu, sắp xếp đối với các sở đặc thù như Ngoại vụ; Du lịch; Quy hoạch và Kiến trúc (đối với TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội), An toàn thực phẩm (được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù) và Ban Dân tộc.
Đối với các địa phương đang có Sở Ngoại vụ thì căn cứ tình hình, đặc điểm của địa phương chủ động quyết định phương án sáp nhập vào Văn phòng UBND cấp tỉnh hoặc duy trì thì củng cố, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bên trong của Sở này, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Đối với các địa phương đã sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND cấp tỉnh như hiện nay thì tiếp tục thực hiện.
Sở Quy hoạch và Kiến trúc, thực hiện sáp nhập vào Sở Xây dựng và Giao thông. Trường hợp có yêu cầu đặc thù về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có thể xem xét, quyết định việc duy trì Sở Giao thông vận tải và thực hiện phương án sáp nhập Sở Quy hoạch và Kiến trúc vào Sở Xây dựng, bảo đảm phù hợp với tình hình, đặc điểm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Với Ban Dân tộc, trên cơ sở định hướng, gợi ý của Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tố chức bộ máy của Chính phủ, đề nghị các địa phương căn cứ tình hình, đặc điểm của cơ quan tại địa phương để thực hiện sắp xếp. Đối với các địa phương đang có Ban Dân tộc, thực hiện sắp xếp tương đồng với Ủy ban Dân tộc - Tôn giáo (ở Trung ương) theo hướng đổi tên thành Ban Dân tộc - Tôn giáo; tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về tôn giáo từ Sở Nội vụ; nhiệm vụ giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đối với các địa phương không thành lập Ban Dân tộc (kể cả trường hợp đáp ứng đủ tiêu chí) thì chủ động quyết định chuyển chức năng tham mưu về công tác dân tộc từ Văn phòng UBND cấp tỉnh về Sở Nội vụ - Lao động (sau hợp nhất) để thống nhất đầu mối tham mưu quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo và thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo.
Với Sở Du lịch, đối với các địa phương đang có Sở Du lịch thì căn cứ tình hình, đặc điểm của địa phương chủ động quyết định phương án hợp nhất với Sở Văn hóa, Thể thao thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc duy trì thì củng cố, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bên trong của Sở này, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Với Sở An toàn thực phẩm, trường hợp không duy trì thì chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm về Sở Y tế; các nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm chuyên ngành về các Sở: Y tế; Công thương; Nông nghiệp và Môi trường.
Việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn theo định hướng, gợi ý tại Văn bản này và yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tại địa phương, bảo đảm tổng số sở thuộc UBND cấp tỉnh không quá 14 sở. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có không quá 15 sở.
• VỚI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP CẤP TỈNH
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp tỉnh, căn cứ quan điểm, mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Trung ương đề nghị các địa phương thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ chi thường xuyên trở lên theo nguyên tắc: Một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.
Cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả, bảo đảm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu gắn với cơ cấu lại, giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước (như thu gọn đầu mối các đơn vị báo chí, văn hóa, thông tin; cơ cấu lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động không hiệu quả...).
Làm căn cước công dân tại Bộ phận một cửa UBND TP Đà Lạt
• VỚI CẤP HUYỆN
Với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, duy trì 3 phòng chuyên môn, gồm: Phòng Tư pháp; Phòng Tài chính - Kế hoạch; Thanh tra huyện và Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện.
Trung ương cũng yêu cầu các địa phương nên cơ cấu, sắp xếp, tổ chức lại các phòng chuyên môn cấp huyện còn lại tương đồng với sắp xếp các bộ ở Trung ương và sở, ngành ở cấp tỉnh.
Cụ thể, hợp nhất Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Nội vụ thành Phòng Nội vụ và Lao động. Phòng thành lập mới sẽ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Phòng Nội vụ và chức năng, nhiệm vụ về lao động, tiền lương; việc làm; người có công; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội; bình đẳng giới từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay.
Thành lập Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về xây dựng, giao thông, công thương trên địa bàn cấp huyện từ Phòng Kinh tế và Phòng Quản lý đô thị (tại quận, thị xã, thành phố), Phòng Kinh tế và Hạ tầng (tại huyện) hiện nay.
Thành lập Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Phòng Văn hóa - Thông tin và chức năng, nhiệm vụ về khoa học và công nghệ từ Phòng Kinh tế (tại quận, thị xã, thành phố), Phòng Kinh tế và Hạ tầng (tại huyện) hiện nay trên địa bàn cấp huyện.
Thành lập Phòng Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tài nguyên và Môi trường và chức năng, nhiệm vụ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại huyện) và chức năng, nhiệm vụ về nông nghiệp và phát triển nông thôn từ Phòng Kinh tế (tại thị xã, thành phố) hiện nay trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Riêng ở quận, thì giữ nguyên Phòng Tài nguyên và Môi trường và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về phòng, chống thiên tai từ Phòng Kinh tế hiện nay.
Phòng Y tế có nhiệm vụ thực hiện sắp xếp phù hợp với tình hình, đặc điểm của cơ quan tại địa phươngnhư sau: đối với các địa phương đang có Phòng Y tế thì giao Phòng này tiếp nhận chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay. Còn đối với các địa phương đã sáp nhập Phòng Y tế vào Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện thì căn cứ tình hình, đặc điểm của cơ quan tại địa phương để quyết định giao Văn phòng tiếp nhận chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay hoặc thành lập Phòng Y tế để thực hiện chức năng của Phòng này và tiếp nhận chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay.
Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiệp từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay. Riêng Phòng Dân tộc thực hiện tương tự như đối với cấp tỉnh.
• HOÀN THÀNH VIỆC SẮP XẾP TRONG THÁNG 2/2025
Trong triển khai thực hiện, Trung ương yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị của địa phương xây dựng Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương và định hướng, gợi ý của Ban Chỉ đạo của Chính phủ; chuẩn bị kỹ lưỡng phương án nhân sự, chế độ chính sách, trụ sở, tài chính, tài sản, trang thiết bị, con dấu và các điều kiện bảo đảm khác để thực hiện được ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua (dự kiến Trung ương, Quốc hội sẽ họp trong tháng 2/2025).
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng đề án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; tham mưu, trình UBND cấp tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn UBND cấp huyện về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn xây dựng đề án sẳp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, trình cấp có thấm quyền xem xét, quyết định.
Trung ương yêu cầu các địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của cơ quan mình đế trình cấp có thẩm quyền ban hành ngay sau khi có hướng dẫn thống nhất của Chính phủ, bảo đảm các điều kiện tiến hành đại hội đảng bộ các cấp.
Về thời gian thực hiện, các địa phương cần hoàn thành việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, cấp huyện, bảo đảm đồng bộ với việc hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ (dự kiến hoàn thành trước 20/2/2025 và báo cáo kết quả về Bộ Nội vụ trước ngày 28/2/2025).
VIẾT TRỌNG