Sắp xếp, tổ chức lại bộ máy: Đòn bẩy cho tương lai thành phố Hải Phòng

Sắp xếp, tổ chức lại bộ máy: Đòn bẩy cho tương lai thành phố Hải Phòng
5 giờ trướcBài gốc
Các cá nhân nhận Quyết định nghỉ hưu và Kỷ niệm chương của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng. (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)
Việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy và công tác cán bộ của thành phố Hải Phòng đánh dấu một cột mốc quan trọng, thành quả bước đầu của cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của thành phố trong tương lai.
Cột mốc quan trọng
Sau hơn 3 tháng, kể từ tháng 11/2024, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, toàn hệ thống chính trị thành phố Hải Phòng đã nỗ lực, cố gắng vượt bậc để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ, hiệu quả cao với cách làm mới, quyết liệt, đúng định hướng của Trung ương, Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy nhằm xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả."
Toàn hệ thống chính trị đã hoàn thành các nhiệm vụ bảo đảm tiến độ, chất lượng và mục tiêu đề ra giảm từ 15-20% đầu mối, có cơ quan, đơn vị giảm hơn 50% đầu mối.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu thông tin các quyết sách của Ban Thường vụ Thành ủy thời gian qua liên quan đến chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ với 79 nhân sự điều động, bổ nhiệm, thuộc 35 cơ quan, đơn vị, địa phương lần này đều đạt sự đồng thuận tuyệt đối, khẳng định sự đoàn kết, thống nhất với quyết tâm rất cao của Ban Thường vụ Thành ủy trong thực hiện cuộc cách mạng vì sự phát triển của thành phố.
Thành phố đã ban hành chính sách hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thành phố quản lý trong sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính của hệ thống chính trị.
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng phát biểu tại Hội nghị công bố quyết định về sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ biểu dương, khen thưởng cán bộ nghỉ hưu trước tuổi. (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)
Nghị quyết số 01/2025/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thành phố quản lý trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính của hệ thống chính trị tại thành phố Hải Phòng (Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng khóa XVI, kỳ họp thứ 23 thông qua ngày 20/2/2025) nêu rõ: đối với trường hợp thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: mức hỗ trợ = hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý cũ x tiền lương tháng hiện hưởng trước khi thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý x số tháng còn lại từ khi thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đến hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý cũ.
Trường hợp được bầu cử, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn: mức hỗ trợ = hệ số phụ cấp chênh lệch giữa chức vụ lãnh đạo, quản lý cũ và chức vụ lãnh đạo, quản lý mới x tiền lương tháng hiện hưởng của chức vụ lãnh đạo, quản lý cũ x số tháng còn lại từ khi thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cũ đến hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý cũ.
Là một trong số 43 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng quản lý nghỉ hưu trước tuổi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam chia sẻ trong 37 năm cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố, ở bất kỳ vị trí, nhiệm vụ được giao, ông Nam luôn kiên định một nguyên tắc đặt lợi ích của thành phố, của nhân dân Hải Phòng lên trên hết.
Khi quyết định ký đơn đề nghị được nghỉ hưu trước tuổi (theo quy định thời điểm nghỉ hưu của ông Lê Khắc Nam là 1/1/2026), các chế độ chính sách của Trung ương và thành phố dành cho các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi như ông Nam chưa được ban hành.
Tuy nhiên, để Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy thuận tiện hơn trong sắp xếp, bố trí cán bộ của thành phố và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ có vị trí, cơ hội cống hiến, ông Lê Khắc Nam quyết định tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi.
Đánh giá về sự đóng góp của các cán bộ nghỉ hưu trước tuổi này, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu nhận định họ là những đảng viên chân chính, chiến sỹ cách mạng tiên phong, hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung của thành phố, vì sự phát triển của thế hệ trẻ. Đây là điều rất đáng trân quý và cần được tôn vinh, tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị của thành phố học tập, ứng xử và hành động.
Nắm bắt thời cơ vàng
Ông Phạm Văn Thép, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hải Phòng, chia sẻ trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố, nhiều lãnh đạo thành phố và các sở, ngành, địa phương đã gương mẫu xin nghỉ hưu trước tuổi, tạo điều kiện thuận lợi để thành phố sắp xếp bộ máy và tổ chức cán bộ. Là thế hệ đi sau, ông Phạm Văn Thép cũng như nhiều cán bộ khác sẽ tiếp nối tinh thần cao cả đó, tất cả vì sự phát triển của thành phố.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu thông tin lịch sử phát triển của thành phố và những phân tích, nhận định tiềm năng, lợi thế của nhiều chuyên gia đều chỉ ra rằng Hải Phòng phải là trung tâm phát triển thứ 3 của cả nước, chỉ sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, không thể là vị trí thấp hơn.
Thậm chí, trong thời kỳ Pháp thuộc, Hải Phòng còn là địa phương đầu tiên cả nước có nhà máy điện, được quy hoạch và phát triển với mục tiêu trở thành “thủ đô kinh tế” của Đông Dương.
"Tương lai của Hải Phòng sẽ vững vàng ở vị trí trung tâm phát triển thứ 3 của Việt Nam về mọi mặt và nếu đi đúng hướng, nắm bắt được thời cơ vàng đang đến, với sự đột phá và quyết liệt thì chúng ta có thể dẫn đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực," ông Lê Tiến Châu nói.
Việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy và công tác cán bộ đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của toàn hệ thống chính trị thành phố.
Ông Lê Tiến Châu cho rằng đội ngũ cán bộ tiếp tục thay đổi tư duy và cách tiếp cận, suy nghĩ lớn, hành động đột phá, chỉ đạo đề xuất phải thật sự có tầm nhìn, bao quát những vấn đề; thay vì các dự án nhỏ thì hãy tập trung nguồn lực và tâm sức cho các dự án tốt, quy mô lớn, nếu thành công có thể tạo sức bật cho cả một vùng, một địa phương.
Cùng đó, bỏ bớt và cắt giảm những công việc, thủ tục không thật sự cần thiết, mang tính hình thức; tập trung thời gian cho công việc, nhiệm vụ thiết thực có thể tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội, đóng góp vào các chỉ số phát triển kinh tế, cải thiện thực chất đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Một góc thành phố Hải Phòng. (Nguồn: TTXVN)
Đồng thời, toàn Đảng bộ tập trung xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị văn minh, hiện đại, mang bản sắc văn hóa Hải Phòng. Thành phố phát huy thế mạnh về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, cảng biển để trở thành trung tâm cảng biển, trung tâm logistics và trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước. Đặc biệt, dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng dự kiến hoàn thành vào năm 2030 sẽ mang tới cho Hải Phòng cơ hội vàng để bứt phá...
Nhìn lại năm 2024, Hải Phòng đạt được nhiều kết quả nổi bật, luôn nằm trong top đầu cả nước trên nhiều phương diện. Quy mô nền kinh tế Hải Phòng vươn lên đứng thứ 5 cả nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ phát triển sản xuất ngành công nghiệp IIP đều cao nhất trong 5 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất.
Thu ngân sách của Hải Phòng đứng thứ 3 cả nước, trong đó thu ngân sách nội địa đứng thứ 4 cả nước; thu hút đầu tư nước ngoài FDI đứng thứ 2 cả nước. Hải Phòng đã và đang trở thành cứ điểm của nhiều nhà đầu tư lớn, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/sap-xep-to-chuc-lai-bo-may-don-bay-cho-tuong-lai-thanh-pho-hai-phong-post1014247.vnp