Sắp xếp trên 1.000 trụ sở dôi dư: Cách làm sáng tạo nhìn từ tỉnh Phú Thọ

Sắp xếp trên 1.000 trụ sở dôi dư: Cách làm sáng tạo nhìn từ tỉnh Phú Thọ
8 giờ trướcBài gốc
Đoàn kiểm tra tình hình hoạt động tại Trung tâm phục vụ hành chính công của xã Liên Sơn (Phú Thọ), trong đợt kiểm tra hai ngày 10-11/7 vừa qua. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Thực hiện theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, tỉnh Phú Thọ được hợp nhất từ ba tỉnh là Phú Thọ, Hòa Bình và Vĩnh Phúc.
Bên cạnh những thuận lợi từ việc tinh gọn bộ máy, mở rộng không gian phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh mới hình thành cũng đối diện với một loạt thách thức, ngay sau hợp nhất, tỉnh Phú Thọ mới hình thành đã phải đối mặt với một "di sản khổng lồ," hàng loạt trụ sở, cơ sở nhà đất và phương tiện dôi dư không còn phù hợp với mô hình tổ chức mới. Phú Thọ đã chủ động sáng tạo như thế nào để giải bài toán này?
Không gây áp lực đầu tư mới
Theo báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Phú Thọ, tính đến ngày 15/7/2025, toàn tỉnh có 1.021 cơ sở nhà, đất dôi dư, tăng 61 cơ sở so với báo cáo đầu tháng Bảy; trong đó, khu vực Phú Thọ cũ có 473 cơ sở, Hòa Bình cũ có 400 cơ sở và Vĩnh Phúc cũ có 148 cơ sở.
Đây là số lượng rất lớn, phản ánh thực trạng "trùng lặp" về trụ sở sau hợp nhất, khi nhiều cơ quan, đơn vị bị giải thể, sáp nhập hoặc chuyển địa điểm. Nếu không có giải pháp kịp thời, hệ thống tài sản này có nguy cơ bị xuống cấp, hoang hóa, lấn chiếm hoặc sử dụng sai mục đích, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước.
Nhận thức rõ thách thức này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan; trong đó, Sở Tài chính giữ vai trò đầu mối, khẩn trương rà soát, phân loại và xây dựng phương án xử lý tài sản công dôi dư.
Trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả và tránh đầu tư trùng lặp, tỉnh Phú Thọ chủ trương tận dụng tối đa các cơ sở hiện có, thay vì xây mới.
Cụ thể, nhiều cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã được bố trí làm việc tại các trụ sở cũ sau khi được cải tạo, điều chỉnh công năng.
Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh sử dụng tầng 1, 2 và 3 của tòa nhà chính trong khuôn viên trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cũ làm trụ sở chính.
Ban Quản lý các khu công nghiệp và Ban Quản lý dự án khu vực Vĩnh Phúc cùng chia sẻ trụ sở này, đảm bảo hiệu quả sử dụng cao, không gây áp lực đầu tư mới.
Tương tự, các đơn vị như Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và Trường Chính trị tỉnh cũng sử dụng kết hợp nhiều cơ sở ở cả ba khu vực nhằm duy trì hoạt động ổn định, liên thông và tránh lãng phí.Ở cấp xã, đến nay 100% xã, phường của tỉnh Phú Thọ, gồm 148 đơn vị, đã được bố trí trụ sở làm việc đầy đủ cho Đảng ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Công an xã cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập.
Với các xã mới thành lập từ việc sáp nhập 3 đến 5 đơn vị hành chính cấp xã cũ, tỉnh Phú Thọ đã bố trí trụ sở theo mô hình tách biệt nhưng liên kết: một trụ sở cho hoạt động của hệ thống chính trị-xã hội, một trụ sở cho chính quyền và một trụ sở cho lực lượng công an.
Cách làm này vừa phù hợp với thực tiễn địa phương, vừa đảm bảo thuận tiện cho người dân tiếp cận dịch vụ công.
Không chỉ là “nhà-đất,” Phú Thọ cũng đang sắp xếp lại “xe-người.” Việc sắp xếp lại hệ thống xe ô tô công vụ cũng được triển khai song song.
Trước đây, còn 13 xã chưa có phương tiện phục vụ công tác. Tỉnh đã điều chuyển xe từ các đơn vị cấp tỉnh, đảm bảo 100% xã đều có xe sử dụng; trong đó, 55 xã có hai xe, còn lại có một xe. Đây là cách làm quyết liệt, thực dụng, thể hiện rõ tinh thần tiết kiệm tài nguyên công.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Toàn kiểm tra thực tế tại trạm y tế xã Liên Sơn. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Ông Trần Duy Đông, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ, cho biết xử lý tài sản công, nhất là trụ sở, xe ôtô dôi dư nhiều là vấn đề cấp bách mà tỉnh ưu tiên làm ngay, nếu không có giải pháp căn cơ mang tính lâu dài thì dễ để lại hệ lụy rất lớn, trụ sở, xe cộ xuống cấp, lãng phí, gây nên tình trạng bỏ hoang, lấn chiếm, xuống cấp, tệ nạn và sau đó tỉnh lại phải bỏ ngân sách ra để khắc phục những điều trên. Như vậy, lãng phí sẽ nhân lên gấp đôi.
Phân loại rõ - ưu tiên công năng cộng đồng
Bà Vương Thị Bẩy, Giám đốc Sở Tài chính Phú Thọ, cho biết với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương của tỉnh, sở đang tích cực phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương để rà soát, đánh giá về công năng, nhu cầu sử dụng từ đó có sự phân bổ hợp lý nhất.
Tỉnh cũng có chủ trương “dùng lại” không để tài sản công “vô chủ” và tư duy sẽ tái sử dụng để không xây mới những công trình không cần thiết hoặc tương đồng; đồng thời, sẽ có đánh giá hiệu quả sau thời gian đầu hoạt động.Về phương án xử lý tài sản công dôi dư, Sở Tài chính tỉnh đã phân loại và đề xuất cụ thể theo hướng ưu tiên phục vụ cộng đồng.
Có 116 cơ sở đã được điều chuyển làm nơi làm việc cho các cơ quan nhà nước như: Công an xã, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Chi cục Thi hành án dân sự và các đơn vị cấp phòng, chi cục ở cấp huyện.
291 cơ sở khác được chuyển đổi công năng thành trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, thư viện, thiết chế thể thao. Ngoài ra, 228 cơ sở đã được giao về Trung tâm phát triển quỹ đất để tổ chức quản lý, khai thác.
Riêng 386 cơ sở chưa có phương án xử lý cụ thể, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn tất việc rà soát, lập kế hoạch sử dụng trong tháng 8/2025.
Tinh thần chỉ đạo rõ ràng: Ưu tiên các mục tiêu công cộng như giáo dục, y tế, văn hóa cộng đồng và không để bất kỳ tài sản nào bị lãng phí. Để đảm bảo quản lý đồng bộ các khu vực trụ sở được dùng lại, Sở Tài chính cũng đề xuất giao một đầu mối quản lý thống nhất.
Cụ thể, đề xuất Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh là đơn vị chịu trách nhiệm hạch toán, theo dõi toàn bộ khuôn viên trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cũ - nơi hiện đang được nhiều đơn vị cùng sử dụng. Việc này sẽ giúp thuận tiện trong công tác bảo trì, phân bổ chi phí, đảm bảo khai thác hiệu quả.
Cùng với đó, Sở Tài chính kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương, trong thời gian chờ phương án xử lý cụ thể, cần tăng cường công tác trông coi, bảo quản tài sản, tránh tình trạng hoang hóa, hư hỏng hoặc bị chiếm dụng trái phép; đồng thời, giao Sở Y tế và Sở Giáo dục-Đào tạo chủ động phối hợp với các địa phương để sớm xác định danh mục cơ sở dôi dư có thể chuyển đổi thành trường học, trạm y tế, từ đó hoàn thiện hồ sơ pháp lý trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, một đơn vị được giao quản lý trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cũ cho biết: “Theo tôi đây là mô hình rất hay cần nhân rộng, tỉnh đã tận dụng được các trụ sở, không để lãng phí, phát huy được chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị phù hợp với đặc thù địa phương.
Chẳng hạn tỉnh Vĩnh Phúc cũ rất mạnh về công nghiệp, thương mại thì bố trí trung tâm xúc tiến đầu tư ở đây sẽ giúp cho doanh nghiệp đi lại rất thuận tiện. Mặt khác, cán bộ cũng cảm thấy rất thoải mái, bởi được làm việc trong môi trường rộng rãi, nếu như tập trung về trung tâm Phú Thọ sẽ rất chật chội.”
Phép thử năng lực điều hành
Đối với các thủ tục quy hoạch, chuyển đổi công năng, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao trách nhiệm hướng dẫn kịp thời, đảm bảo việc điều chỉnh phù hợp quy hoạch chung của tỉnh.
Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công phường Vĩnh Phúc (tỉnh Phú Thọ). (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Trung tâm phát triển quỹ đất cũng được yêu cầu xây dựng kế hoạch chi tiết về xử lý các cơ sở đã được giao, để sớm đưa đất và tài sản công vào khai thác, tạo nguồn lực phát triển.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả việc sắp xếp tài sản công sau hợp nhất, tỉnh đang chỉ đạo một số giải pháp như: Rà soát toàn diện 386 cơ sở chưa xử lý, xác định rõ: Vị trí, diện tích, hiện trạng sử dụng, tiềm năng chuyển đổi.
Phân cấp trách nhiệm rõ ràng cho từng sở, ngành - đặc biệt là Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Xây dựng - trong xử lý từng nhóm tài sản cụ thể.Cùng với đó, thúc đẩy xã hội hóa và hợp tác công-tư (PPP) trong việc sử dụng tài sản công dôi dư - có thể tính đến cho thuê, hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực công ích (giáo dục, y tế, văn hóa...); tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, sử dụng sai mục đích hoặc bỏ hoang gây lãng phí; đẩy mạnh truyền thông, tạo đồng thuận trong nhân dân về việc điều chuyển, sáp nhập trụ sở - tránh tâm lý "giữ cái cũ," "cục bộ địa phương."
Việc sắp xếp lại trụ sở, tài sản công và phương tiện công vụ sau hợp nhất không chỉ là bài toán về quản lý tài sản. Đó còn là phép thử cho năng lực điều hành, tư duy quản trị và cam kết chính trị của bộ máy mới tỉnh Phú Thọ.
Việc tỉnh lựa chọn hướng đi tiết kiệm, tận dụng và phân quyền rõ ràng đang cho thấy hiệu quả rõ rệt, với bộ máy được kiện toàn nhanh chóng, các cơ sở vật chất được vận hành ổn định và nguồn lực công được sử dụng đúng mục tiêu.
Trong bối cảnh cả nước đang hướng đến tinh gọn bộ máy, quản lý tài sản công minh bạch, hiệu quả, mô hình xử lý sau sáp nhập của tỉnh Phú Thọ có thể xem là một kinh nghiệm thực tiễn quý báu - nơi mà “thách thức hợp nhất” đang dần được chuyển hóa thành động lực phát triển mới.
Cuộc hợp nhất các tỉnh đã giúp Phú Thọ có cơ hội tổ chức lại toàn diện bộ máy, hạ tầng và quản lý tài sản công.
Tuy nhiên, việc xử lý 1.021 trụ sở dôi dư không đơn thuần là vấn đề hành chính mà còn là phép thử thực sự cho năng lực điều hành, tư duy sử dụng tài sản công và ý chí chính trị của tỉnh.
Bằng quyết tâm, cách làm bài bản và hướng đi tiết kiệm-hiệu quả-công khai, tỉnh Phú Thọ đang thể hiện có nhiều cách làm sáng tạo cho mô hình chính quyền mới./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/sap-xep-tren-1000-tru-so-doi-du-cach-lam-sang-tao-nhin-tu-tinh-phu-tho-post1052330.vnp