Nhiều khu vực thiếu trường học
Trong những năm qua, giáo dục và đào tạo Thủ đô ngày càng phát triển cả về quy mô trường, lớp và học sinh. Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội hiện có quy mô giáo dục đứng đầu cả nước với 2.913 trường mầm non, phổ thông; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Hà Nội hiện có quy mô giáo dục đứng đầu cả nước với 2.913 trường mầm non, phổ thông. Ảnh: Lại Tấn
Tuy nhiên, việc phát triển mạng lưới trường học vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch không bắt kịp so với tốc độ gia tăng dân số. Điều này dẫn tình trạng một số địa phương vẫn còn thiếu thiếu trường công lập theo quy hoạch; sỹ số học sinh lên đến 50 - 60 học sinh/lớp; một số khu nhà ở, khu đô thị, khu đô thị mới, khu chung cư thương mại đã đi vào hoạt động nhưng các chủ đầu tư vẫn chưa đầu tư xây dựng trường học vì khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng liên quan đến đền bù, di dời khu nghĩa trang, đình chùa... Mặt khác, một số xã, phường nằm trong khu vực hành lang thoát lũ, việc xây mới, sửa chữa, cải tạo trường học gặp rất nhiều khó khăn do vướng Luật Đê điều; công tác xã hội hóa còn bất cập.
Theo thạc sĩ, KTS Phạm Hoàng Phương - Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng): Theo Quyết định số 3075/QĐ-UBND ngày 12/7/2012 của UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020 tầm nhìn 2030, giáo dục THPT đảm bảo khu vực từ 3 - 5 vạn dân có 1 trường THPT công lập. Giai đoạn 2020 - 2030 sẽ xây dựng mới và cải tạo 62 trường, bao gồm 20 trường công lập. Nếu theo tiêu chí này, quận Đống Đa (cũ) hiện có diện tích khoảng 9,95km2, với dân số trên 410.000 người. Quận này có mật độ dân số gần 40 nghìn người/km2 sẽ cần có 8 - 10 trường THPT công lập. Quận Hoàn Kiếm (cũ) có diện tích tự nhiên 5,35 km2, dân số hơn 160.000 người, cần khoảng 3 - 4 trường THPT công lập; quận Tây Hồ (cũ) có diện tích 24km2, với dân số là 171.451 người, cần 3 - 4 trường THPT công lập; quận Ba Đình (cũ) diện tích đất tự nhiên là 9,21km2, dân số 226.315 người, cần 4 - 5 trường PTTH công lập.
Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào danh sách công bố các trường THPT công lập năm nay theo từng khu vực để học sinh đăng ký dự thi, năm 2025, tại TP Hà Nội, các quận nội thành cũ đều còn hạn chế về số lượng trường. Cụ thể, khu vực tuyển sinh 1, gồm các quận cũ là Ba Đình, Tây Hồ: có 5 trường; khu vực tuyển sinh 2 gồm các quận cũ là Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm: có 5 trường; khu vực tuyển sinh 3 gồm các quận cũ là Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân: có 11 trường…
Trước thực trạng đó, theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ: Ưu tiên sử dụng quỹ đất sau khi di dời các nhà máy, trụ sở, trường đại học theo quy định để xây dựng các trường phổ thông. Phát triển các trường học gắn với những dự án tái thiết đô thị theo mô hình phát triển đô thị gắn theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Bảo đảm mỗi xã/phường có trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở phù hợp với nhu cầu thực tế; phân bố các trường trung học phổ thông phù hợp với nhu cầu người học tại các khu vực dân cư; ưu tiên tại những khu vực các phường nội thành đang thiếu trường học.
Phát triển trường học gắn với tái thiết đô thị
Hà Nội và cả nước đang sắp xếp lại đơn vị hành chính, đi kèm với đó là công tác hiện đại hóa công cụ quản lý cũng như tối ưu hóa trong việc khai thác nhà đất công dôi dư. Đây là cơ hội để bổ cập thiếu hụt đất đai, dành trụ sở dôi dư sau sắp xếp phường, xã cho cơ sở giáo dục công lập, ưu tiên đầu tư khắc phục sự thiếu hụt trường công lập cho bậc THPT.
Tại hội nghị lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về đồ án Điều chỉnh cục bộ quy hoạch Phân khu đô thị H2-1 tỷ lệ 1/2000 tại các ô quy hoạch ký hiệu G3/TH1 và G3/THCS2 diễn ra vào tháng 5/2025 (khu vực có ý nghĩa chiến lược trong định hướng phát triển giáo dục, hạ tầng đô thị và cộng đồng dân cư tại phường Cầu Giấy, nhiều người dân đều cho biết hoàn toàn ủng hộ chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính. Nhưng trên thực tế, sau khi sắp xếp địa bàn phường Quan Hoa (cũ) không có trường cấp 1, cấp 2 nên họ rất trăn trở”. Giải đáp những trăn trở người dân, lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy (cũ) cho biết, trong thời gian tới, tại địa bàn phường Quan Hoa (cũ) sẽ triển khai xây dựng Trường mầm non trên đất trụ sở cũ của quận (số 36 đường Cầu Giấy); trường Tiểu học tại khu vực trụ sở Phòng Giáo dục quận cũ; trường cấp 2 tại trụ sở Quận ủy cũ”.
“Sau 5 năm tập trung đầu tư cho giáo dục, có 77,7% học sinh trên địa bàn quận Hoàng Mai (cũ) được học tại hệ thống trường công lập, trong đó, cấp Tiểu học đạt trên 92%, cấp THCS đạt trên 95%. Quận Hoàng Mai (cũ) cơ bản hoàn thành chỉ tiêu 80% trường công đạt chuẩn quốc gia. Tất cả những con số trên đã phản ánh sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền đối với sự nghiệp giáo dục địa phương. Tuy nhiên, nếu theo Thông tư số 52/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường mầm non, Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường tiểu học, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường THCS, trường THPT và phổ thông có nhiều cấp học, toàn ngành giáo dục quận Hoàng Mai (cũ) vẫn thiếu 31 trường.
Từ 1/7/2025, Hoàng Mai được chia thành 7 phường mới, mật độ phân bố các cơ sở giáo dục không đồng đều, có phường gần 20 cơ sở giáo dục, có phường lại thiếu trường học. Như vậy ngoài phương án tuyển sinh linh hoạt, không theo ranh giới hành chính các phường của mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, các phường vẫn phải tiếp tục đầu tư cho giáo dục.
Bên cạnh giải pháp trên, theo các chuyên gia, một trong những giải pháp để phát triển quỹ đất cho trường học là nâng tầng và tăng mật độ xây dựng đối với các trường không còn quỹ đất. Cụ thể, xem xét từng trường hợp cụ thể cho phép được nâng tầng và tăng mật độ xây dựng đối với các trường quá tải trên địa bàn phường không còn quỹ đất để xây dựng thêm trường hoặc mở rộng trường, đặc biệt là đối với các quận nội thành cũ như: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai. Đối với từng dự án cụ thể về cải tạo, mở rộng diện tích của các trường học hiện có trên địa bàn các phường, thực hiện xin ý kiến cấp có thẩm quyền về phương án nâng thêm tầng, bố trí học sinh học các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao.
Mô hình trường học theo chiều đứng có thể là một giải pháp khả thi và cần thiết cho Hà Nội trong bối cảnh thiếu hụt quỹ đất giáo dục tại khu vực nội đô. Tuy nhiên, việc triển khai cần thận trọng, có chọn lọc và dựa trên khảo sát thực tiễn cụ thể. Hà Nội nên tiếp cận mô hình này theo hướng thí điểm, áp dụng tại các khu đất phù hợp về quy mô - kết nối - hạ tầng, đồng thời cần xây dựng khung pháp lý riêng cho trường học cao tầng, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn PCCC, vận hành, và chất lượng giáo dục trong điều kiện đặc thù của đô thị Việt Nam.
Lại Tấn