SẠT LỞ BỦA VÂY, LÀM SAO PHÒNG TRÁNH? (*): Hồi sinh những bản làng

SẠT LỞ BỦA VÂY, LÀM SAO PHÒNG TRÁNH? (*): Hồi sinh những bản làng
7 giờ trướcBài gốc
Cách đây 4 năm, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi từng xảy ra nhiều vụ sạt lở, lũ quét kinh hoàng. Điển hình là vụ ở làng Mang Rin, thôn Mang He, xã Sơn Bua hay thôn Ra Pân, xã Sơn Long, khiến hàng chục nhà dân bị san phẳng.
Không lo lũ quét, sạt lở
Nhắc lại vụ việc, anh Đinh Văn Liêu, Trưởng thôn Mang He, vẫn còn ám ảnh. Đó là buổi chiều 28-10-2020, sau một ngày mưa không ngớt, khi trời nhá nhem tối nhưng những con chim rừng trên đỉnh núi phía Đông Trường Sơn nháo nhác, bay loạn xạ. Linh tính mách bảo điều chẳng lành, anh Liêu đi đến từng nhà dân đề nghị di dời lên điểm trường học gần đó trú tránh.
Rồi mưa lớn hơn, gió rít mạnh từng cơn kèm theo nhiều tiếng nổ đùng đùng nơi ngọn núi phía sau làng Mang Rin. Chứng kiến cảnh tượng bất thường, dân làng hô hoán nhau bỏ chạy. Trong tích tắc, nguyên quả đồi đổ ập xuống, kéo theo sau là nước lũ cuồn cuộn. Dòng nước cuốn theo hàng ngàn khối đất, đá, vùi lấp nhà cửa, chuồng trại...
Nhờ di chuyển kịp thời nên hơn 100 người dân Mang Rin may mắn thoát nạn. Dù vậy, họ gần như mất trắng, phải đi ở nhờ khắp nơi.
Người dân làng Mang Rin, thôn Mang He, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi dựng lại nhà trên khu tái định cư do nhà nước bố trí
Để người dân có nơi ở ổn định, huyện Sơn Tây đã đầu tư dự án khu tái định cư Mang Rin với diện tích hơn 5 ha, kinh phí 39 tỉ đồng. Khu tái định cư xây dựng 53 lô đất ở (400 m2/lô), có đầy đủ đường giao thông, điện, nước. Sau hơn 2 năm triển khai, khu tái định cư bên bờ sông Nước Bua đã hoàn thành, những ngôi nhà mới lần lượt mọc lên.
"Ngỡ sẽ không bao giờ còn làng Mang Rin nữa, vậy mà bây giờ nhà cửa đã san sát, cây cối mọc lên, nỗi lo cũng vơi đi. Nơi ở mới ngay cạnh nền đất cũ giờ khang trang, kiên cố hơn nhiều. Mùa mưa năm nay cũng yên tâm rồi. Cả bản làng không còn sợ lũ quét, sạt lở như trước nữa" - ông Liêu nhìn bản làng được tái thiết sau đại nạn, nói.
Cũng từng xảy ra trận sạt lở kinh hoàng cách đây 4 năm, bây giờ người dân làng Ra Pân, xã Sơn Long (huyện Sơn Tây) không còn cảnh nơm nớp như trước. Bởi sau trận sạt lở kinh hoàng, gần như xóa sổ bản làng, toàn bộ người dân ở Ra Pân được chính quyền địa phương xây dựng khu tái định cư, chuyển về nơi ở mới.
Nhìn khu tái định cư rộng rãi, khang trang được đầu tư hàng chục tỉ đồng trên khu đất bằng phẳng, có đầy đủ đường, điện, trạm y tế, ông Đinh Văn Hà bày tỏ: "Trước đây ở làng cũ sợ lắm, mùa mưa bão năm nào cũng xảy ra sạt lở, người dân đứng ngồi không yên. Giờ được nhà nước đầu tư nơi ở mới, an toàn hơn hẳn".
Theo thống kê, chỉ riêng tại huyện Sơn Tây có 6 điểm nguy cơ sạt lở, đe dọa sự an toàn của trên 300 hộ dân với khoảng 1.100 người. Trong đó, các ngọn núi quanh khu dân cư Nước Toa, thôn Mang Tà Bể có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa lũ năm nay. Những ngọn núi này từng xảy ra sạt lở vào các năm 2006, 2019.
Ông Đinh Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, cho biết huyện đã chỉ đạo rà soát tất cả các điểm sạt lở đã thống kê trước đó theo phương án huyện kiểm tra xã, xã kiểm tra thôn, rà soát điểm sạt lở cũ, điểm nguy cơ mới và điểm nghi ngờ để có cảnh báo và di dời dân kịp thời.
Không để dân sinh sống ở nơi nguy hiểm
Không chỉ huyện Sơn Tây, tại rất nhiều địa phương khác của Quảng Ngãi trong những năm qua đã xây dựng hàng chục khu tái định cư cho hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, với mục tiêu không để người dân nào sinh sống ở nơi nguy hiểm.
Tại núi Van Cà Vãi (tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà), tình trạng sạt lở diễn ra phức tạp, nhiều năm qua người dân luôn phải sống bất an dưới chân núi.
Trước tình trạng trên, dự án khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở khu dân cư Van Cà Vãi được triển khai với mức đầu tư 14 tỉ đồng. Mục tiêu dự án nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho 5 hộ dân với 24 nhân khẩu dưới chân núi Van Cà Vãi và tuyến đường DH77.
Xây dựng 35 khu tái định cư
Theo kết quả khảo sát lập các dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét giai đoạn 2021-2025 được tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt thì trên địa bàn 5 huyện miền núi có trên 1.800 hộ với hơn 7.300 nhân khẩu đang sinh sống ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Riêng số hộ dân bị ảnh hưởng của sạt lở núi, nứt núi đã lên tới 1.640 hộ với 6.587 nhân khẩu.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhấn mạnh mục đích đầu tư thêm những công trình, dự án phòng chống thiên tai; xây dựng, bố trí tái định cư cho người dân ở những vị trí xung yếu, khu vực nguy hiểm, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, vật chất khi có thiên tai, bão lũ, sạt lở.
Cụ thể, đến năm 2025, Quảng Ngãi sẽ đầu tư 35 khu tái định cư ở miền núi để tái định cư cho khoảng 1.000 hộ; di dời ở xen ghép cho gần 300 hộ và bố trí ổn định tại chỗ cho 559 hộ.
Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2030, 100% hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số đang cư trú ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở được di dời đến nơi ở mới an toàn.
Quyết tâm lắp xong 40 ngôi nhà cho người dân Làng Nủ
Trận lũ quét kinh hoàng hồi đầu tháng 9-2024 ở thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đã làm 58 người chết, 9 người mất tích và hầu như toàn bộ nhà cửa của bà con nơi đây bị xóa sổ.
Ngay sau thảm họa, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự chung tay hỗ trợ của các doanh nghiệp, ngày 21-9, dự án xây dựng khu tái định cư cho người dân thôn Làng Nủ được khởi công. Binh đoàn 12 (Bộ Quốc phòng) được giao nhiệm vụ xây dựng khu tái định cư với diện tích khoảng 13 ha. Đến nay, phần hạ nền đã được 9 hộ.
Đại tá Nguyễn Thế Lực, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, cho biết theo kế hoạch, ngày 15-10 sẽ lắp đặt 4 nhà đầu tiên và quyết tâm ngày 30-11 cơ bản lắp xong 40 ngôi nhà. Cùng với đó là xây dựng các điểm trường và nhà sinh hoạt cộng đồng; hoàn thiện các cơ sở hạ tầng và đường nội bộ.
"Đơn vị sẽ thi công cả ngày và đêm để đáp ứng tiến độ thời gian" - ông Lực quả quyết.
V.Duẩn
(Còn tiếp…)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-10
Bài và ảnh: TỬ TRỰC
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/sat-lo-bua-vay-lam-sao-phong-tranh-hoi-sinh-nhung-ban-lang-196241005191813444.htm