'Sát thủ diệt hạm' Kh-35UE tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

'Sát thủ diệt hạm' Kh-35UE tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024
2 giờ trướcBài gốc
Là sản phẩm của Tổng công ty Vũ khí Tên lửa Chiến thuật, tên lửa hành trình Kh-35UE (hậu tố E ký hiệu cho sản phẩm xuất khẩu) có tốc độ bay cận âm khoảng 1.225km/giờ và tầm bay 260km. Đạn tên lửa có chiều dài khoảng 4,4m, đường kính 42cm, sải cánh 1,33m.
Được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên mặt nước như tàu chiến có trọng tải lên đến 5.000 tấn, tên lửa chống hạm này bay ở độ cao khoảng 10m so với đỉnh sóng trong giai đoạn bay hành trình và khoảng 3-4m trong giai đoạn bay cuối, kết hợp với tiết diện radar nhỏ, khiến nó khó bị phát hiện và đánh chặn.
Mô hình tên lửa Kh-35UE trưng bày tại Vietnam Defence Expo 2024.
Tên lửa Kh-35UE có kích thước gần như tương đồng với phiên bản Uran-E tiêu chuẩn, nhưng có tầm bắn gấp 2,5 lần và nhiều công nghệ tích hợp.
Kết cấu cánh hình chữ X và động cơ turbin nằm phía dưới bụng tên lửa.
Module chiến đấu nặng gần 150kg của tên lửa Kh-35UE.
"Đầu tự dẫn radar của tên lửa cho phép Kh-35U tấn công nhiều loại mục tiêu khác nhau và không giới hạn ở các tàu chiến mặt nước. Với tốc độ bay cận siêu thanh, kích thước nhỏ, tên lửa có thể đột kích hiệu quả vào mục tiêu mà không sợ hệ thống phòng không đối phương đánh chặn”, chuyên gia quân sự Nga Dmitry Kornev nhận định.
Điểm khác biệt quan trọng của Kh-35UE so với phiên bản Kh-35 tiêu chuẩn là tầm bắn của tên lửa được tăng gần gấp 2,5 lần (từ 120km lên 290km) nhờ các cải tiến về động cơ phản lực cánh quạt và thiết kế khí động học.
Tên lửa Kh-35UE có kết cấu cánh gấp hình chữ X. Phần dưới của thân tàu có cửa hút gió hình thang. Động cơ phản lực tuabin cỡ nhỏ chạy bằng xăng hàng không. Tên lửa có tầng khởi tốc nhiên liệu rắn giúp đẩy tên lửa lên cao trước khi động cơ turbin tự thân của tên lửa khởi động. Kh-35UE có các chế độ bay hỗn hợp thấp - thấp, cao - thấp. Ở chế độ bay tối ưu nhất (cao - thấp), tên lửa có thể đặt tầm bắn tối đa tới 290km. Sau khi rời bệ phóng, tên lửa sẽ bay theo quỹ đạo tới mục tiêu đã được lập trình sẵn. Sau đó, tên lửa tiếp tục cập nhật vị trí mục tiêu từ phương tiện phóng ở pha giữa và các mốc định vị. Tới giai đoạn tiếp cận mục tiêu, tên lửa sẽ bật radar tự thân và hạ độ cao để tấn công chính xác.
Điểm mạnh của tên lửa Kh-35UE còn nằm ở hệ thống dẫn đường cải tiến. Hệ thống dẫn đường của tên lửa ở pha cuối là sử dụng radar chủ động, có khả năng hoạt động kể cả trong môi trường đối kháng điện tử mạnh. Hệ thống điều khiển phức hợp giữa quán tính, radar chủ động và máy đo độ cao vô tuyến cho phép Kh-35UE tấn công mục tiêu ở độ cao cực thấp với tốc độ cận âm. Điều này khiến các biện pháp đối phó và đánh chặn tên lửa là cực kỳ khó khăn.
Hệ thống điều khiển của tên lửa X-35UE hiện đại hóa được bổ sung hệ thống định vị vệ tinh và radar giúp tăng phạm vi sục sạo và hóa mục tiêu ở phạm vi 50km. Theo lời nhà sản xuất, Kh-35UE có 4 điểm khác biệt của hệ thống dẫn đường là quỹ đạo bay theo 4 mốc định vị địa lý, khả năng lựa chọn các quỹ đạo bay tối ưu để tấn công mục tiêu kể cả bay vòng ra phía sau và tấn công được các mục tiêu nằm ở địa hình phức tạp, khó tiếp cận.
Tại Vietnam Defence Expo 2024, tên lửa hành trình Kh-35UE được giới thiệu cùng tổ hợp tên lửa bờ Ruzbesh-ME.
Giới chuyên gia quân sự Nga đánh giá, Kh-35UE rất linh hoạt trong việc lựa chọn phương án tấn công mục tiêu. Từ tấn công bằng các tên lửa đơn lẻ hay tập kích quy mô lớn để bão hòa hệ thống phòng thủ trên hạm và trên đất liền của đối phương. Ngoài ra, Kh-35UE có thể phóng trên nhiều loại bệ phóng khác nhau từ trên bộ, trên hạm hay trên không thông qua các giá phóng tích hợp.
Tại Vietnam Defence Expo 2024, tên lửa Kh-35UE được giới thiệu cùng tổ hợp tên lửa bờ Ruzbesh-ME.
TUẤN SƠN (tổng hợp)
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/trien-lam-quoc-phong-quoc-te-viet-nam-2024/sat-thu-diet-ham-kh-35ue-tai-trien-lam-quoc-phong-quoc-te-viet-nam-2024-807230