Những năm chống Mỹ, ông Phan Văn Kính (nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Khánh Hòa) công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa. Chiếc radio luôn bên ông, hàng ngày ông theo dõi, ghi chép thông tin từ Đài Tiếng nói Việt Nam để tổng hợp, soạn thảo các tài liệu tuyên truyền, sản xuất tin, bài cho báo Giải phóng Khánh Hòa.
Tháng 3/1975, khi cùng Đoàn công tác của tỉnh Khánh Hòa dự tập huấn từ Khu ủy khu V đóng tại Quảng Nam trở về đến Quốc lộ 21 địa phận Đắk Lắk, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, ông được biết các tỉnh Tây Nguyên đã giải phóng. Hàng vạn người dân, binh lính chế độ cũ theo quốc lộ tháo chạy về đồng bằng. Đoàn công tác tạm dừng hành quân, nghe tin tức từ Đài để có hướng xử lý, đồng thời, cứu giúp đồng bào bị lạc, đói khát ở trong rừng.
Đoàn quân binh chủng hợp thành theo Quốc lộ 1A tiến vào giải phóng thành phố Nha Trang (Ảnh tư liệu)
Ngày 30/3/1975, Đoàn công tác theo những cánh quân giải phóng của Sư đoàn 10 tiến về huyện Ninh Hòa, đến chiều 2/4/1975 đã tiến vào thành phố Nha Trang, trong bối cảnh nhiều khu vực đang rối loạn bởi lượng lớn tàn quân chế độ cũ, người dân các địa phương khác đổ về trước đó.
Vào thành phố, ông Kính được giao tiếp quản Ty Thông tin của chế độ cũ, sau đó là Đài Phát thanh Nha Trang. Tại Ty Thông tin, việc đầu tiên Đài Phát thanh thực hiện ngay là động viên nhân viên chế độ cũ ở lại làm việc, tiếp phát Đài Tiếng nói Việt Nam, góp phần ổn định tình hình.
Theo ông Phan Văn Kính, thông qua hệ thống loa truyền thanh, đài phát sóng tại Đồng Đế, thông tin của Đài Tiếng nói Việt Nam nhanh chóng đến với người dân địa phương cũng như những vùng chưa giải phóng.
“Nhiệm vụ đầu tiên là mở Đài Tiếng nói Việt Nam, mở loa ra cho bà con vùng vừa giải phóng biết tình hình chiến cuộc; Quân Giải phóng đang tiến vào Phan Rang hay ở Nha Trang như thế nào? Hồi đó, loa vang lắm, tôi bảo anh em mở hết công suất, loan tin cho bà con nghe. Lúc đó, nhiều người hoảng loạn nhưng được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam là thông tin chính thức của Nhà nước mình, có cả những chính sách tiếp quản. Họ nghe xong bình tĩnh, thành phố được ổn định”, ông Phan Văn Kính nhớ lại.
Ông Phan Văn Kính, nguyên Giám đốc Đài PT-TH Khánh Hòa nhớ lại những ngày về giải phóng Nha Trang
Sau khi được giải phóng, vùng đất Khánh Hòa trở thành bàn đạp quan trọng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đồng thời quân và dân Khánh Hòa cùng các lực lượng thuộc Quân khu 5 và bộ đội hải quân, lần lượt giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn... Ngày 29/4/1975, toàn bộ quần đảo Trường Sa được giải phóng.
Ngày mới giải phóng, tỉnh Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp, đặc biệt vùng miền núi, nông thôn có khoảng cách rất lớn với đô thị Nha Trang. Đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư, chưa biết canh tác lúa nước, làm vườn, chăn nuôi.
Chiều 2/4/1975, từ tòa nhà Ty Thông tin chế độ cũ (nay là Nhà Trưng bày - Triển lãm) đã phát đi các bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam
Ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa kể lại, địa phương xác định phải thay đổi nếp nghĩ, tăng thu nhập cho đồng bào miền núi. Không chỉ làm đường, kéo điện, làm chợ, tỉnh Khánh Hòa còn đưa bà con định cư, xây nhà, cấp đất làm vườn, cấp bò để chăn nuôi.
Ông Phạm Văn Chi cho biết, tỉnh cũng phủ kín mạng lưới trường học, cấp gạo, cấp học bổng cho toàn bộ học sinh miền núi. Mở đường để phát triển kinh tế tại các khu vực hẻo lánh, miền núi.
"Chúng tôi đưa thanh niên xung phong, bộ đội lên hướng dẫn đồng bào miền núi làm lúa nước. Mỗi nhà phải có một vườn nhà, tạo cho họ vườn rừng. Nhìn lại, chúng ta rất tự hào trong đầu tư, phát triển miền núi. Quan trọng là nâng cao dân trí. Hồi đó, chúng tôi có quy định, các cháu đã tốt nghiệp cấp 3, cố gắng đưa vào làm việc tại UBND các xã. Việc đó, hết sức quan trọng đối với các địa phương”, ông Phạm Văn Chi nhớ lại.
Trong 10 năm trở lại đây, tỉnh Khánh Hòa giữ vững nhịp độ tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đảng bộ, chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế chính sách phát triển, chủ động triển khai các cơ chế, chính sách, nguồn lực của Trung ương đầu tư cho tỉnh.
Bộ đội Sư đoàn 10 vào giải phóng thành phố Nha Trang. Ảnh tư liệu TXXVN
Năm 2024, tỉnh Khánh Hòa hoàn thành toàn diện 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, trong đó điểm sáng là tăng trưởng kinh tế năm thứ 3 liên tiếp ở mức hai con số và nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt gần 20.500 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa đã chuẩn bị nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới như hoàn thiện quy hoạch, thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu ngân sách.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ công nhận 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thoát nghèo. Tỉnh đã hoàn thành sửa chữa nhà dột, nát cho người dân.
Bộ mặt đô thị tỉnh Khánh Hòa sau 50 năm ngày quê hương giải phóng
Ông Cao Dáng, một người dân ở thôn A Xây, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh cho biết, hiện nay, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho đồng bào dân tộc thiểu số như sầu riêng, bưởi da xanh.
“Thôn A Xây được vinh dự mang tên thôn Bác Hồ, vì vậy thôn phải thoát nghèo, dân phải thoát nghèo, không để còn hộ nghèo nữa. Đến nay, bà con chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế như trồng bưởi, nuôi heo, bò", ông Cao Dáng cho biết.
Tỉnh ủy Khánh Hòa xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, tạo tiền đề vững chắc đưa tỉnh Khánh Hòa tiến vào thập niên nâng tầm và phát triển; sắp xếp, tinh gọn bộ máy gắn với đánh giá, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; tổ chức triển khai hiệu quả các quy hoạch quan trọng của tỉnh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách, các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng như đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, sân bay quốc tế thứ 2 của tỉnh tại Vân Phong...
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (thứ 2 từ phải qua)
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa khẳng định, tỉnh tập trung thu hút các dự án công nghiệp lớn tại Vân Phong, đô thị có quy mô lớn tại thành phố Cam Ranh, huyện Cam Lâm, nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu kinh tế mang tính bền vững hơn.
"Tỉnh Khánh Hòa bước vào thập niên gọi là “nâng tầm và phát triển”, phải phát triển liên tục 2 con số trong 10 năm, tập trung 3 chỉ số: tăng trưởng kinh tế- xã hội, thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người. Chỉ có như vậy, thu nhập bình quân của người dân mới cao gấp 1,75 lần mức bình quân của cả nước, người dân mới có mức sống cao và có nguồn lực đầu tư vào hiền hòa, hạnh phúc”, ông Nghiêm Xuân Thành nói.
Tỉnh Khánh Hòa đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đột phá, làm mới động lực tăng trưởng từ các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, kinh tế biển. Cán bộ và nhân dân địa phương nỗ lực xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, người dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc. Đó cũng là khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới và tri ân công lao của các thế hệ đi trước.
Thái Bình/VOV-Miền Trung