Sau 90 ngày tạm hoãn thuế quan: Thế giới đang chuẩn bị những gì?

Sau 90 ngày tạm hoãn thuế quan: Thế giới đang chuẩn bị những gì?
5 giờ trướcBài gốc
Tại buổi tọa đàm Chính sách thuế đối ứng của Mỹ: Giải pháp ứng phó trong năm 2025 của doanh nghiệp Việt Nam”, nhiều chuyên gia đã đưa ra các phân tích sâu sắc và kịch bản cụ thể, đồng thời khuyến nghị các giải pháp cấp thiết mà Việt Nam cần chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Nhận định của chuyên gia về các động thái của Tổng thống Trump
Theo các chuyên gia, điểm khó đoán nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay chính là Tổng thống Donald Trump. Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc - CESS nhận định rằng “điều khó đoán nhất là Mỹ muốn gì”. Trước đó, Giáo sư Trần Ngọc Anh - Đại học Indiana (Mỹ), Nhà sáng lập Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam cũng đã phân tích rằng, với cách tiếp cận linh hoạt nhưng thiếu ổn định, Tổng thống Trump có thể sử dụng Việt Nam như một “hình mẫu” để tạo áp lực lên các đối tác khác.
Giáo sư Trần Ngọc Anh - Nhà sáng lập Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam chia sẻ trong buổi Webinar
Bên cạnh đó, ông Ngọc Anh cũng cảnh báo rằng 5 trong số 11 tiêu chí đánh giá thương mại của Mỹ, bao gồm thao túng tiền tệ, gian lận xuất xứ, và mất cân đối thương mại đều là các “điểm yếu” mà Mỹ có thể tận dụng để gây sức ép lên Việt Nam. Ông thậm chí nhận định rằng Trump có thể đưa ra một mức thuế rất cao cho quốc gia này chỉ để làm bàn đạp đàm phán với các nước khác.
Mỹ có nhượng bộ Trung Quốc bằng cách “nương tay” với Việt Nam?
Một trong những ẩn số lớn trong chiến lược thuế đối ứng của Mỹ chính là mối quan hệ với Trung Quốc. Chuyên gia Phạm Sỹ Thành cảnh báo rằng kết quả đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cách Mỹ xử lý mối quan hệ với Việt Nam.
Nếu Mỹ đạt được một số nhượng bộ từ Trung Quốc về công nghệ, sở hữu trí tuệ hoặc thị trường tài chính, rất có thể họ sẽ “siết chặt” các đối tác khác như Việt Nam để tránh hiện tượng lách luật hoặc trung chuyển hàng hóa. Trong kịch bản này, Việt Nam có thể bị xem là “điểm yếu trong chuỗi”, khiến Mỹ áp dụng mức thuế cao nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng Mỹ sẽ giảm nhẹ thuế cho Việt Nam để sử dụng như một “điểm sáng ngoại giao”, vừa gây sức ép được với Trung Quốc, vừa duy trì hình ảnh mềm dẻo với các nước đang phát triển. Đây là kịch bản lạc quan nhất, nhưng không nên được xem là mặc định.
Từ phòng thủ đến chủ động tái lập trật tự
Trong giai đoạn căng thẳng thương mại toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thời hạn 90 ngày tạm hoãn thuế được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho các bên liên quan tái cấu trúc chiến lược thương mại. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, đây không đơn thuần là khoảng lặng để tìm phương án hòa giải, mà là thời điểm then chốt để chuyển mình từ thế bị động sang chủ động về địa chính trị, đồng thời định hình lại ảnh hưởng toàn cầu của mình trong trật tự thương mại thế giới.
Theo Chuyên gia kinh tế Lê Phụng Hào - Chủ tịch Global AAA Consulting nhận định, trước những biện pháp thuế đối ứng cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc đã từng bị đẩy vào tình trạng lúng túng trong giai đoạn đầu của cuộc thương chiến. Tuy nhiên, phân tích cho thấy Bắc Kinh đã nhanh chóng thích nghi. Giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đã tiên lượng được khả năng Trump tiếp tục giữ vị trí quyền lực trong nhiệm kỳ kế tiếp, và nhờ vậy, họ chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để đối đầu với chiến lược áp thuế dài hạn của Washington.
Chuyên gia kinh tế Lê Phụng Hào - Chủ tịch Global AAA Consulting
Điểm đáng chú ý là Trung Quốc không còn đặt ưu tiên tối thượng vào các yếu tố kinh tế, mà chuyển sang mục tiêu địa chính trị. Thay vì chỉ tập trung vào các gói hỗ trợ doanh nghiệp hay kích thích xuất khẩu, Bắc Kinh đang nỗ lực tạo dựng liên minh toàn cầu nhằm chống lại ảnh hưởng của Mỹ. Những chuyến công du liên tiếp của Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây, cùng với các phát biểu cứng rắn từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thể hiện rõ xu hướng này.
Trung Quốc cũng phát đi thông điệp mạnh mẽ: bất kỳ quốc gia nào đàm phán với Mỹ về thương mại theo hướng gây bất lợi cho Trung Quốc sẽ phải đối mặt với việc Bắc Kinh xem xét lại các thỏa thuận hiện hành. Động thái này không chỉ mang tính răn đe, mà còn phản ánh mục tiêu lâu dài của Trung Quốc: định hình lại các liên kết thương mại khu vực và toàn cầu, đồng thời làm suy yếu vai trò dẫn dắt của Mỹ trong hệ thống thương mại đa phương.
Từ tận dụng khoảng trống đến sự thận trọng trong chiến lược
Trong khi Bắc Kinh theo đuổi chiến lược địa chính trị, một số nền kinh tế mới nổi lại nhanh chóng tận dụng khoảng trống mà thương chiến để lại. Tiêu biểu là Ấn Độ, quốc gia đã có những bước đi đáng chú ý trong việc tái thiết lập quan hệ thương mại song phương với Mỹ.
Sau chuyến thăm cấp cao của Phó Tổng thống Mỹ James David Vance, người có quan hệ cá nhân mật thiết với Ấn Độ – hai quốc gia đã công bố một thỏa thuận thương mại mới. Thỏa thuận này mở đường cho Ấn Độ tăng cường xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong các ngành có tiềm năng cạnh tranh cao. Sự kiện này cho thấy Ấn Độ không chỉ đóng vai trò là người hưởng lợi thụ động từ thương chiến Mỹ - Trung, mà còn chủ động định vị mình như một đối tác thương mại thay thế đáng tin cậy của Washington.
Khác với Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU) đang áp dụng một chiến lược thận trọng hơn. Là khối kinh tế lớn thứ hai thế giới, EU nhận thức rõ mức độ nhạy cảm trong việc đối đầu trực tiếp với cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Tuy nhiên, các quốc gia chủ chốt như Đức và Pháp vẫn đang âm thầm thúc đẩy những sáng kiến thương mại độc lập với Mỹ, đặc biệt là thông qua các hiệp định với Nhật Bản, Canada và nhiều nền kinh tế Đông Nam Á.
Ngoài ra, các quốc gia châu Á khác như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Bangladesh cũng đang theo dõi sát sao tình hình. Họ nhận thức rõ rằng nếu thương chiến kéo dài, cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu có thể thay đổi sâu sắc. Điều này đặt ra cả cơ hội lẫn rủi ro - cơ hội để thu hút đầu tư thay thế từ các tập đoàn đa quốc gia đang tìm cách rời Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn khi cạnh tranh về chi phí lao động, hạ tầng và chính sách trở nên khốc liệt hơn.
Tuấn Kiệt
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/sau-90-ngay-tam-hoan-thue-quan-the-gioi-dang-chuan-bi-nhung-gi-317500.html