Ảnh minh họa.
Nói về độ tuổi tham dự SEA Games đối với các cầu thủ tham dự môn bóng đá nam thì suốt một thời gian dài không hề có giới hạn nào. Đương nhiên lúc đó, SEA Games là sân chơi của các đội tuyển quốc gia. Chỉ đến khi ASEAN Cup ra đời cuối thế kỷ trước (tiền thân là Tiger Cup, rồi AFF Cup) được tổ chức định kỳ vào các năm chẵn, người ta mới đặt ra vấn đề nên ưu tiên sân chơi này cho các cầu thủ TRẺ.
Thế nhưng, cách hiểu về cầu thủ TRẺ không phải lúc nào cũng đồng nhất. Thông thường, cầu thủ TRẺ được hiểu là những người chơi bóng từ tuổi 23 trở xuống (U23) như trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2015 song do sự thực dụng của một số nước chủ nhà (xuất phát từ chất lượng các cầu thủ TRẺ họ có trong tay) mà khái niệm này lắm khi áp dụng cho lứa tuổi dưới 22 (U22) như các năm 2017, 2023. Có lúc, lại lấy chuẩn của các kỳ Olympic là 23+3, tức đội hình U23 nhưng mỗi đội được tăng cường thêm 3 cầu thủ quá tuổi. Chẳng hạn nội dung môn bóng đá nam SEA Games 2019 và 2021 (SEA Games 2021 được tổ chức tại Việt Nam năm 2022 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19) quy định các đội tham dự được tăng cường 2 và 3 cầu thủ quá tuổi nên tại SEA Games 2019, chúng ta có hai cầu thủ lớn hơn tuổi quy định là Đỗ Hùng Dũng và Nguyễn Trọng Hoàng. Còn tại SEA Games 2021, chúng ta có 3 cầu thủ lớn tuổi: ngoài Đỗ Hùng Dũng là Nguyễn Tiến Linh, Nguyễn Hoàng Đức. 3 người đều góp công lớn vào chức vô địch SEA Games 2019 của đội tuyển Việt Nam. Đến kỳ SEA Games 2023, do nước chủ nhà Campuchia quy định các đội bóng tham dự chỉ được sử dụng cầu thủ U22 thi đấu môn bóng đá nam, đội Việt Nam đã không bảo vệ được tấm Huy chương Vàng do bị Indonesia loại ở bán kết. Sau đó, Indonesia lên ngôi vô địch khi thắng Thái Lan trong trận chung kết.
Những quy định về cầu thủ đối với môn bóng đá nam ở SEA Games 2025 không khác SEA Games 2023. Đương nhiên, chúng ta vẫn có các cầu thủ trong diện U22 thuộc hàng tài năng như Khuất Văn Khang, Nguyễn Thái Sơn, Bùi Vĩ Hào, Nguyễn Đình Bắc... nhưng xét toàn diện cả một đội bóng, hai đội Indonesia, Thái Lan còn có nhiều cầu thủ trội hơn lực lượng trong tay huấn luyện viên (HLV) Kim Sang Sik.
Chúng ta đều biết, vài ba năm trở lại đây, người Indonesia đã theo đuổi chiến lược nhập tịch hóa quyết liệt như thế nào. Họ không ngại khi bị mang tiếng là đội “Hà Lan 2.0”, kiên định ưu tiên các cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài, mang huyết thống Indonesia và nhất là có gốc gác Hà Lan (Indonesia từng là thuộc địa của Hà Lan hàng trăm năm; Hà Lan lại là nền bóng đá thuộc top 10 thế giới, có đến 3 lần giành Huy chương Bạc ở các kỳ World Cup: 1974, 1978, 2010). Không phải ngẫu nhiên, ngay sau khi sa thải HLV Shin Tae Yong, Liên đoàn Bóng đá Indonesia đã công bố HLV mới của đội tuyển xứ Vạn Đảo là tiền đạo lừng danh một thuở của đội tuyển Hà Lan: Patrick Kluivert, 49 tuổi. Còn dẫn dắt đội U22 Indonesia bảo vệ Huy chương Vàng tại SEA Games 2025 cũng là một cầu thủ Hà Lan khác: Gerald Vanenburg, 60 tuổi. Người Indonesia nói rõ luôn mục tiêu: HLV Kluivert đưa đội tuyển Indonesia đoạt vé dự vòng chung kết World Cup 2026; HLV Vanenburg giúp họ lần thứ hai liên tiếp vô địch SEA Games.
Ngoài Indonesia thì Thái Lan chính là đội bóng giàu thành tích nhất ở sân chơi SEA Games. Trong 16 kỳ SEA Games được tổ chức gần đây nhất, có đến 11 lần người Thái bước lên ngôi vị cao nhất, trong đó có 8 lần liên tiếp từ năm 1993 đến năm 2007. Người Thái cũng chưa từng về nhì nếu tham dự SEA Games trong tư cách chủ nhà (các năm 1995, 2007). Cho nên những thử thách với các cầu thủ U22 Việt Nam và HLV Kim Sang Sik ở SEA Games 33-2025 là vô cùng lớn.
THANH HÀ (CTV)