Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 10/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nêu, các vụ sữa giả, thực phẩm chức năng giả vừa bị phát hiện vừa qua cho thấy, các công ty này đều có các giấy tờ kiểm định, kiểm nghiệm, công bố sản phẩm.
Tuy nhiên thực tế, các sản phẩm được sản xuất, qua điều tra, kiểm định của cơ quan công an lại được xác định là hàng giả.
Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình). Ảnh: Như Ý
“Vậy, việc yêu cầu người quảng cáo, nhất là các ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên, KOL có trách nhiệm kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa có thực sự khả thi?”, bà Trần Khánh Thu nêu.
Đại biểu viện dẫn kinh nghiệm quản lý của một số quốc gia, như tại Mỹ, người nổi tiếng phải tiết lộ rõ ràng mối quan hệ tài chính với thương hiệu khi quảng cáo sản phẩm. Quảng cáo phải trung thực, không gây hiểu lầm về hiệu quả hoặc tính năng của sản phẩm.
Còn Hàn Quốc cấm các hoạt động quảng cáo trá hình trên mạng xã hội. Nếu vi phạm có thể bị phạt tối đa 2% doanh thu quảng cáo hoặc tối đa 500 triệu won (khoảng 8,7 tỷ đồng). Năm 2022, nước này yêu cầu bổ sung “cấm nghệ sĩ làm gương mặt đại diện cho các hãng rượu” để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho biết, trên thực tế, người có ảnh hưởng, người gây sự chú ý thường được lựa chọn để quảng cáo cho các sản phẩm. Những người này thường là ca sĩ, diễn viên, người mẫu, hoặc những người tạo ra scandal.
“Người gây ảnh hưởng có số lượng người theo dõi, quan tâm đông, họ thường làm mọi cách để tăng lượng người theo dõi. Chúng ta cần siết lại người quảng cáo với người có ảnh hưởng. Một diễn viên, hoa hậu không biết gì về sản phẩm nhưng lại quảng cáo sản phẩm bởi vì họ đẹp”, ông An cho hay và đề xuất, chỉ có những người có trình độ, năng lực liên quan mới được quảng cáo.
Môi trường mạng dễ bị lợi dụng
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng, môi trường mạng, bao gồm internet, mạng xã hội và nền tảng xuyên biên giới, đang thay thế dần các phương thức quảng cáo truyền thống.
Tuy nhiên, môi trường này dễ bị lợi dụng để truyền bá thông tin sai lệch và tiếp tay cho các sản phẩm kém chất lượng, như thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc và dịch vụ cờ bạc trá hình.
Vì vậy, đại biểu đề xuất kiểm soát nội dung quảng cáo trên môi trường mạng như một nội dung riêng biệt để nhấn mạnh tính cấp thiết.
Theo đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân (đoàn TPHCM), cần quy định cụ thể quy trình và trách nhiệm của các bên liên quan đối với việc kinh doanh, dịch vụ quảng cáo trên mạng, có trách nhiệm xác minh danh tính của người quảng cáo.
Qua đó, người quảng cáo phải cung cấp giấy phép kinh doanh hoặc tài liệu pháp lý hợp lệ. Nền tảng quảng cáo có trách nhiệm lưu trữ và cung cấp thông tin khi có cơ quan chức năng yêu cầu.
“Nền tảng quảng cáo trực tuyến phải có cơ chế kiểm soát và báo cáo tự động về các quảng cáo xuất hiện cạnh nội dung vi phạm pháp luật. Từ đó giúp người dân phân biệt được hàng hóa đảm bảo chất lượng”, đại biểu nhấn mạnh.
Luân Dũng