Ông Ngô Thanh Phong (sinh năm 1949, trú tại khóm Bình Thới 2, phường Bình Khánh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang), nguyên Tổng biên tập Báo An Giang vẫn thường xuyên cập nhật tin tức, các vấn đề thời sự trong nước và thế giới qua các phương tiện truyền thông, báo chí. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Theo dõi thông tin Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII qua truyền thông, đông đảo cán bộ, đảng viên tỉnh An Giang xem đây là kỳ Hội nghị có tính “bước ngoặt then chốt” đưa ra những quyết sách quan trọng về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính theo mô hình hai cấp, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và phục vụ người dân tốt hơn.
Phục vụ nhân dân tốt hơn
Đồng tình và đánh giá cao những nội dung mà Hội nghị Trung ương thảo luận và quyết định là những vấn đề rất hệ trọng, có tính lịch sử, ông Ngô Thanh Phong, nguyên Tổng biên tập Báo An Giang cho rằng, việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp nhằm hướng đến mục tiêu tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước, tiết kiệm ngân sách và tăng cường khả năng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả, tối ưu nhất.
Theo ông Phong, việc sáp nhập các địa phương thành một đơn vị hành chính lớn mang lại nhiều lợi thế chiến lược. "Sau khi sáp nhập, An Giang sẽ có thêm không gian và dư địa để phát triển."
Bên cạnh lợi thế về địa lý và kinh tế, việc chuyển đổi sang mô hình chính quyền hai cấp (tỉnh và xã) cũng được ông Phong đánh giá cao. "Người dân sẽ không còn phải qua trung gian là cấp huyện, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí."
Tuy nhiên, ông Phong cũng cho rằng, việc điều chỉnh cơ cấu, tổ chức, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức cần phải có chính sách đủ mạnh, đặc thù để “giữ chân” được những người thật sự có tài, có năng lực ở lại trong bộ máy hành chính để phục vụ và phụng sự nhân dân; loại bỏ được những cán bộ công chức không có năng lực, tham quyền, cố vị, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp.
Đối với việc sắp xếp các cơ quan của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ vào trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để phối hợp hành động thống nhất, hướng mạnh về cơ sở, hướng đến quần chúng nhân dân, ông Ngô Thanh Phong hoàn toàn đồng tình và khẳng định đây là một giải pháp hợp lý nhằm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Anh Ngô Ngọc Chuẩn (Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh An Giang) cho biết, việc sắp xếp các đơn vị hành chính tỉnh, bỏ cấp huyện và tăng cường phân cấp cho cấp xã nhận được sự đồng thuận cao từ cán bộ, đảng viên và nhân dân tại tỉnh An Giang.
Tuy nhiên, để cấp xã thực sự “gần dân, sát dân,” cần đảm bảo phân bổ nguồn lực đầy đủ, đặc biệt là ngân sách, nhân lực và hạ tầng công nghệ. Đơn cử như tỉnh An Giang - một tỉnh nông nghiệp, với nhiều xã vùng sâu, vùng biên giới, bên cạnh việc phân quyền mạnh cho cấp xã, cần đi đôi với công tác đào tạo, nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ cấp xã.
Liên quan đến yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm về triển khai đồng bộ, thống nhất trong thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, anh Ngô Ngọc Chuẩn cho rằng đây là thách thức lớn nhưng hoàn toàn khả thi nếu có lộ trình rõ ràng; cần đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích rõ lợi ích để người dân đồng thuận, đồng thời ứng dụng công nghệ số để đảm bảo thông suốt trong quản lý.
Riêng công tác chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng và bầu cử Quốc hội khóa XVI, Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, anh Ngô Ngọc Chuẩn nhận định, công tác chuẩn bị đang được triển khai nghiêm túc, với nhiều điểm mới, mang tính đột phá.
Người dân rất kỳ vọng vào các quyết sách mới, đặc biệt trong phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển đổi số và nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc tổ chức bầu cử sớm hơn và cải cách, đổi mới hoạt động của các cơ quan dân cử trong Đề án về “Phương hướng Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031” do Bộ Chính trị trình Trung ương là rất phù hợp.
Điều này không chỉ góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIV sớm đi vào thực tiễn mà còn phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, nâng cao chất lượng giám sát, phản biện và giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương của từng đại biểu của cơ quan quan dân cử, góp phần phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân đối với công việc của đất nước./.
(TTXVN/Vietnam+)