Sau khi sắp xếp, dự kiến các cơ quan của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban

Sau khi sắp xếp, dự kiến các cơ quan của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban
9 giờ trướcBài gốc
Chiều 6/2, tiếp tục phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và ba dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức, số thành viên nhiệm vụ, quyền hạn... của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.
Báo cáo tại phiên họp, về số lượng, cơ cấu tổ chức và cách thức quy định các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến tán thành việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.
Theo đó, sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng các cơ quan chuyên môn của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định rõ trong Luật Tổ chức Quốc hội về số lượng, tên gọi các Ủy ban của Quốc hội để bảo đảm địa vị pháp lý của các cơ quan. Đồng thời, nên sử dụng cụm từ “cơ quan của Quốc hội” thay vì cụm từ “cơ quan chuyên môn của Quốc hội”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Quốc hội
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ban soạn thảo thấy rằng trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước và yêu cầu đổi mới tư duy lập pháp, việc không quy định cứng số lượng, tên gọi các cơ quan của Quốc hội trong luật là phù hợp và thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện sắp xếp, điều chỉnh, bảo đảm hài hòa về cơ cấu tổ chức với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan. Đồng thời, vấn đề này cũng đã được Bộ Chính trị tán thành khi cho ý kiến về các dự án luật về tổ chức bộ máy.
Ban soạn thảo cũng cho rằng việc sử dụng cụm từ “cơ quan chuyên môn của Quốc hội” là phù hợp với chức năng, tính chất hoạt động của các cơ quan này.
Về việc phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước, Ban soạn thảo cho biết, các nội dung về thẩm quyền của Quốc hội trong Luật Tổ chức Quốc hội đang bám sát với quy định tại Điều 70 của Hiến pháp.
Đối với nhiệm vụ, quyền hạn để thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao hiện đang được quy định khá cụ thể trong các luật, nghị quyết điều chỉnh về từng lĩnh vực nên cơ bản không có sự giao thoa, chồng lấn.
Hiện chỉ còn vấn đề chưa thực sự rành mạch là phân định giữa phạm vi thẩm quyền lập pháp của Quốc hội với lập quy của Chính phủ và các cơ quan khác.
Để khắc phục bất cập này, Ban soạn thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng: Xác định cụ thể hơn những nội dung cần được quy định bằng luật, nghị quyết của Quốc hội; quy định có tính nguyên tắc, định hướng về mức độ chi tiết cần được quy định trong luật, theo đó, luật chỉ quy định các vấn đề mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; quy định cụ thể các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của công dân, các vấn đề có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.
Đối với các nội dung quản lý Nhà nước, các vấn đề, lĩnh vực có tính kiến tạo, phát triển, luật chỉ quy định các nội dung chính sách có tính nguyên tắc, định hướng, chiến lược, để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng.
Đồng thời, đẩy mạnh phân quyền cho Chính phủ, các cơ quan trong bộ máy nhà nước trong việc tiếp tục cụ thể hóa các quy định của luật và tạo điều kiện cho việc thực hiện phân cấp phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện của từng cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp. Không quy định các nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ, về quy trình, quy chuẩn chuyên môn, kỹ thuật và các nội dung có tính biến động cao.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội
Cách thức quy định này cũng thống nhất với cách thức quy định hiện nay tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội quy định, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội là các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, do Quốc hội quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội thực hiện chức năng hoạt động và chịu trách nhiệm, báo cáo công tác trước Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian Quốc hội không họp.
Hội đồng Dân tộc gồm: Chủ tịch, các phó chủ tịch và ủy viên. Ủy ban của Quốc hội gồm: Chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm và ủy viên. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội do Quốc hội bầu. Các phó chủ tịch và ủy viên của Hội đồng Dân tộc; các phó chủ nhiệm và ủy viên của Ủy ban do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, tham mưu tổng hợp, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội; phối hợp phục vụ các hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là người đứng đầu Văn phòng Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động của Văn phòng Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hiện tại, các cơ quan của Quốc hội có Hội đồng Dân tộc và 9 ủy ban (gồm Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Tư pháp; Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Tài chính Ngân sách; Ủy ban Quốc phòng An ninh; Ủy ban Văn hóa Giáo dục; Ủy ban Xã hội; Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Đối ngoại).
Phương Thảo
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/sau-khi-sap-xep-du-kien-cac-co-quan-cua-quoc-hoi-gom-hoi-dong-dan-toc-va-7-uy-ban-184297.html