Thông tin trên được Thiếu tướng, TS-BS Trần Quốc Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), cho biết tại Hội nghị tổng kết chương trình chuyển giao kỹ thuật lấy, ghép thận và triển khai kế hoạch chuyển giao kỹ thuật lấy, ghép gan từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Thiếu tướng, TS-BS Trần Quốc Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), thông tin tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, BS Việt cho biết trước đó tháng 7-2023, dưới sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ca ghép thận đầu tiên được thực hiện thành công tại Bệnh viện Quân y 175. Cho đến nay, hơn 15 tháng bệnh viện đã ghép thận thành công cho 22 ca, đem lại cơ hội sống mới cho các bệnh nhân trong và ngoài quân đội.
“Bộ Y tế đã công nhận Bệnh viện Quân y 175 là cơ sở thứ 25 được thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người hiến sống và từ người hiến chết não. Để có được kết quả ghép thành công cho 22 cặp ghép thận là sự nỗ lực của các y bác sĩ, sự hỗ trợ từ các bệnh viện, Bộ Y tế, BHXH TP HCM…” - BS Việt nói.
Chỉ trong 15 tháng, Bệnh viện Quân y 175 đã thực hiện thành công 22 ca ghép thận
Theo BS Việt, sự thành công của kết quả chuyển giao thành công kỹ thuật ghép thận đã đẩy các chuyên khoa của bệnh viện đến một tầm vóc mới. Bên cạnh đó, kết quả khám chữa bệnh tại bệnh viện ngoại trú và nội trú đều tăng, cụ thể tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023. Sự thành công này còn góp phần chia sẻ kinh nghiệm cho các cơ sở y tế khác cho các bệnh viện trong và ngoài quân đội.
Sau thành công ghép thận, tháng 3-2024, hai bệnh viện Bệnh viện Quân Y 175 và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã bắt đầu chuyển giao kỹ thuật ghép gan đến tháng 12-2024. Hiện tại, đến nay đã hơn 60 học viên tại Bệnh viện Quân Y 175 tham gia ghép gan thành công 24 ca. Các phẫu thuật viên chính đã xác định đủ khả năng tiếp nhận triển khai kỹ thuật chuyển giao, nắm chắc kỹ thuật và thực hiện cơ bản được các phân đoạn mổ.
“Điểm đặc biệt của hành trình một năm qua không chỉ đơn giản là việc chuyển giao kỹ thuật chuyên môn mà đó là sự chuyển giao vượt khoảng cách địa lý giữa hai miền Bắc - Nam và sự tiếp nối thành công, thành tựu của thế hệ đi trước trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ và nhân dân của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Quân y 175” - BS Việt chia sẻ.
Trao đổi bên lề hội nghị, thiếu tướng, BS Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho biết thêm sau một thời gian không quá dài, Bệnh viện Quân y 175 đã tiếp nhận thành công kỹ thuật từ Bệnh viện Quan đội 108. Bên cạnh kỹ thuật khó, các điều kiện các bác sĩ tại đây đã vượt qua và áp dụng thành công khi triển khai tại bệnh viện. Ghép tạng là quá trình duy trì bền vững, bởi thực tế, một số trung tâm sau khi triển khai ca ghép đầu tiên đã dừng lại vì nhiều khó khăn.
Ghép thận, ghép gan được sẽ nâng tầm tất cả các chuyên khoa của bệnh viện. Khi đó thể hiện là bệnh viện phát triển bền vững, đồng bộ không mang tính chất thời vụ.
Theo BS Song, ghép tạng hiện nay, chủ yếu là ghép thận, gan, tim, tụy, giác mạc, tế bào gốc. Tuy nhiên, tùy tính chất tạng khác nhau nên việc ghép khác nhau về tốc độ, số lượng. Khi đã ghép được thận, gan thì ghép những bộ phận khác không có khó khăn. Đây là cơ sở rất tốt vì cái khó của ghép tạng thì các tạng khác không thành vấn đề. Cái khó hiện nay là không có nguồn tạng hiến. Trong năm 2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chỉ có 2 ca là người hiến chết não.
“Tôi cho rằng chúng ta nên hiểu sâu sắc một quan điểm cho đi là còn mãi. Điều này đúng với tất cả mọi vấn đề. Dù mất đi nhưng quả tim của mình còn sống trong một cơ thể khác. Không chỉ mang lại sự sống cho người khác mà còn mang lại hạnh phúc cho cả gia đình người bệnh chờ được hiến tạng” - BS Song nói
Đến nay cả nước có 26 cơ sở hoạt động ghép tạng, tại 8 TP HCM gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Nhân dân Gia định, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á.
Tin, ảnh: Hải Yến