Sau khoảng lặng, Nga chuẩn bị tung đòn quyết định vào Ukraine

Sau khoảng lặng, Nga chuẩn bị tung đòn quyết định vào Ukraine
28 phút trướcBài gốc
Dấu hiệu Nga chuẩn bị đánh lớn sau khi tích lũy lợi thế
Khi tiền tuyến Ukraine tạm thời rơi vào thế giằng co, dư luận hướng sự chú ý vào những gì mà Điện Kremlin có thể đang lên kế hoạch thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Hiện chưa có cuộc tiến công lớn nào; tất cả các dấu hiệu đều hướng tới một chiến dịch xuân - hè 2025 với mức độ sôi sục có thể vượt xa thế trận của năm 2024.
Lực lượng vũ trang Nga trong xung đột với Ukraine. Ảnh, đồ họa: RT.
Đáng chú ý là đối với cả quân đội Nga và Ukraine, việc nắm giữ lãnh thổ không phải là mục tiêu cuối cùng. Trong chiến tranh tiêu hao, mục tiêu chính là làm hao mòn đối phương, gây ra mức tổn thất lớn hơn mức mà đối phương chịu được. Tuy nhiên, Ukraine không phải lúc nào cũng tuân thủ logic này.
Trong 3 năm qua, có rất nhiều trường hợp quân đội Ukraine phải hành động dựa trên mệnh lệnh chính trị từ bên ngoài hơn là những đòi hỏi của chính bản thân họ. Chẳng hạn lực lượng vũ trang Ukraine đã lưỡng lự rút khỏi một số vị tri khiến họ hứng chịu tổn thất lớn. Tình trạng này của quân đội Ukraine xảy ra cả ở Bakhmut (Artemovsk), Avdiivaka, Ugledar và Velikaya Novoselka, tại các đầu cầu Krynki và Kurakhovo, và gần đây nhất là ở thị trấn Sudzha (tỉnh Kursk).
Cách tiếp cận này của quân đội Ukraine vô tình làm lợi cho Nga. Quân đội Nga đã trau dồi chiến thuật bao vây một đô thị bằng những đòn tấn công sườn, dùng hỏa lực chế áp tuyến tiếp tế và nghiền nát dần lực lượng đồn trú của đối phương trong nhiều tuần, thậm chí trong nhiều tháng. Thế nhưng quân Ukraine thay vì rút lui để bảo toàn lực lượng khi có thể, lại cố bám trụ cho đến khi tình hình xấu hẳn đi và rồi phải rút lui trong hỗn loạn. Truyền thông Ukraine thường phủ nhận những tổn thất này bằng việc tuyên bố một thành phố, thị xã hoặc thị trấn nào đó là không có giá trị chiến lược, nên họ không cần phải cố thủ tại đó.
Phía Ukraine thường coi cách tiếp cận “cố giữ bằng mọi giá” này là một thành công. Họ lập luận rằng ngay trong trường hợp mất một vị trí nào đó thì chí ít họ cũng đã gây ra thương vong lớn cho quân Nga.
Tuy nhiên, sau khi cuộc phản công Azov thất bại vào mùa thu năm 2023, quân đội Ukraine đã buộc phải chuyển sang phòng ngự chiến lược. Ban đầu Ukraine coi đây là sự thay đổi tạm thời. Kế hoạch của Ukraine là xây dựng lại sức mạnh, làm hao mòn lực lượng Nga và mở cuộc phản công quyết định vào năm 2025. Nhưng rồi nỗ lực của Ukraine nhằm làm kiệt sức lực lượng Nga trong năm 2023 đã bị hụt hơi.
Về phần mình, quân đội Nga không công khai đặt mục tiêu ra đòn quyết định hạ gục đối phương trong năm 2024. Như vậy việc quân Nga chưa chiếm được thị trấn Pokrovsk là nằm trong dự liệu của họ.
Vào ngày 28/3/2025, trong cuộc họp với lực lượng tàu ngầm ở Murmansk, Tổng thống Nga Putin lần đầu tiên công khai tuyên bố rằng mục tiêu của Nga là “ép chặt và đè bẹp” Ukraine, nghĩa là Nga đặt mục tiêu giành chiến thắng quân sự quyết định.
Lợi thế và bất lợi của phía Ukraine
Thứ nhất, phía Ukraine ít nhiều đã giữ được phòng tuyến của họ. Dù bị thiếu nhân lực, quân đội Ukraine đã ngăn chặn được các cuộc đột phá chính của Nga. Thường thì Nga sẽ phải tập trung lực lượng với tỷ lệ 2:1 hoặc thậm chí 3:1 trước quân Ukraine thì mới giành được thành quả thực sự. Và ngay cả khi ấy, tiến triển của Nga vẫn thường chậm.
Quân Ukraine sử dụng máy bay không người lái (UAV) rất hiệu quả để cản bước quân Nga. Kết hợp với trinh sát thường xuyên, UAV đem lại lợi thế đáng kể cho bên phòng ngự. Tình hình này gợi nhớ lại tác chiến chiến hào trong Thế chiến I, nơi súng máy và trọng pháo đã khiến việc băng qua khoảng đất trống (trước hỏa lực đối phương) phải trả giá đắt. Tác chiến UAV hiện là tài sản quan trọng hàng đầu của Ukraine.
Thứ hai, quân Nga phải chiến đấu nơi xa, trong khi Ukraine chiến đấu tại chỗ. Ukraine huy động tổng lực cả về mặt quân sự, kinh tế và chính trị cho cuộc chiến. Trong khi đó, Nga chủ yếu sử dụng lực lượng tình nguyện. Nga chưa tổng động viên và nền kinh tế vẫn chưa định hướng đầy đủ theo kiểu thời chiến. Mặc dù chi tiêu quốc phòng của Nga tăng gấp đôi (xét về tỷ lệ trong GDP) nhưng tác động tài chính của điều này đã cơ bản được bù lại bằng mức thu nhập cao hơn từ xuất khẩu dầu mỏ và đồng rúp yếu hơn.
Tuy nhiên, viện trợ của phương Tây cho Ukraine giảm dần từ giữa tháng 4. Nhân lực thiếu cũng là một vấn đề cấp bách đối với Ukraine. Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Alexander Syrsky cho biết, Ukraine cần 30.000 tân binh mỗi tháng chỉ để duy trì mức quân số hiện thời, thường bị hao hụt do một số nguyên nhân.
Toàn bộ chiến lược phòng ngự của Ukraine cũng được xây dựng xung quanh một trụ cột duy nhất, đó là UAV, khiến chiến lược này tất yếu trở nên mong manh. Nếu Nga chế áp được hoạt động tác chiến UAV của Ukraine (đặc biệt là với số lượng UAV Nga nhiều hơn áp đảo) thì thế trận của Ukraine dễ sụp đổ.
Thực tế, UAV hiện nay cũng là lợi thế quan trọng của Nga. Quân đội Nga tung vào trận số lượng UAV áp đảo đối phương. Những UAV này định vị và chế áp lực lượng trắc thủ UAV của Ukraine, dọn đường cho một cuộc tấn công của lục quân Nga sau đó.
Những mũi tiến công dự kiến của Nga trong năm 2025
Nga có thể tiếp tục chiến lược của năm ngoái (2024), đó là gây áp lực lên toàn bộ mặt trận để căng mỏng lực lượng Ukraine, tìm ra điểm yếu và khai thác các lỗ hổng của đối phương.
Chiến tuyến Nga - Ukraine có thể chia thành 4 khu vực chính, từ Bắc xuống Nam như sau:
1-Sumy: Với việc quân Ukraine bị đánh bật khỏi tỉnh Kursk, Nga có thể mở rộng cuộc tấn công của mình ở đây. Ở mức độ thấp, Nga có thể đặt mục tiêu tạo ra một vùng đệm dọc theo biên giới 2 nước. Hiện có tin đồn là quân Nga sẽ tiến về thành phố Sumy.
2- Volchansk-Kupiansk: Khu vực này bị sông Seversky Donets làm cho cách biệt về mặt địa lý. Mục tiêu của Nga có thể bao gồm dọn sạch bờ Đông của sông Oskol, tái chiếm Liman và bao vây Kupiansk. Họ cũng có thể thọc sâu từ phía Bắc xuống Kharkov qua ngả Volchansk.
3- Donetsk: Đây là chiến trường chính của năm 2024. Vector tấn công chính là Konstantinovka và Pokrovsk. Mục tiêu Pokrovsk có vẻ hứa hẹn nhiều hơn với Nga vì tại đây họ có hậu cần chắc chắn, chiến thuật vu hồi hiệu quả và khu vực bàn đạp có từ các chiến dịch trước đây. Trong khi đó, Konstantinovka bị bao vây một phần nhưng việc tiếp cận từ phía Bắc là khá phức tạp do con kênh Seversky Donets–Donbass - yếu tố cản trợ việc tiếp tế.
4- Mặt trận phía Nam: Hồi tháng 3, sau khi các trận chiến mùa đông đã hạ nhiệt, đụng độ bùng phát gần sông Dnipro. Đây có thể là nỗ lực giành đầu cầu chuẩn bị cho một cuộc tiến công vào Zaporizhzhia - thành phố chủ chốt mà Nga chính thức coi là thủ phủ của tỉnh Zaporizhzhia. Ukraine đã phòng thủ chặt chẽ nơi này vào mùa thu năm 2024.
Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: RT
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/ho-so/sau-khoang-lang-nga-chuan-bi-tung-don-quyet-dinh-vao-ukraine-post1193334.vov