Sau miễn phép xây dựng, TPHCM bỏ thủ tục hoàn công nhà ở được không?

Sau miễn phép xây dựng, TPHCM bỏ thủ tục hoàn công nhà ở được không?
7 giờ trướcBài gốc
Luật đã có nhưng thực hiện chưa đồng bộ
Sở Xây dựng TPHCM vừa công bố 112 dự án được miễn giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ. Đây là các dự án đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500, phương án kiến trúc công trình được phê duyệt.
Người dân có đất tại các dự án này phải có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, với mục đích sử dụng là đất ở. Việc xây dựng không được phép nếu đất đang có tranh chấp.
Sau khi thiết kế nhà ở theo đúng các chỉ tiêu kiến trúc và quy hoạch, người dân chỉ cần gửi thông báo kèm hồ sơ thiết kế đến cơ quan quản lý địa phương ít nhất 3 ngày trước thời điểm khởi công.
Dự kiến ngày 15/7 tới, Sở Xây dựng TPHCM sẽ công bố đợt 2 các dự án đủ điều kiện miễn giấy phép xây dựng. Sau đó, đơn vị này sẽ tiếp tục rà soát và mở rộng danh sách các khu vực được miễn cấp phép, bao gồm cả đặc khu Côn Đảo.
TPHCM sẽ rà soát và công bố thêm các dự án được miễn giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ. Ảnh: Anh Phương
Việc TPHCM mở rộng khu vực được miễn giấy phép xây dựng được xem là một bước tiến tích cực trong quá trình cải cách hành chính, tiếp cận mô hình “đăng ký - hậu kiểm”. Người dân sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí trong quá trình xây dựng nhà ở.
Tuy nhiên, theo TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TPHCM, từ trước đến nay, TPHCM cấp phép xây nhà ở riêng lẻ chủ yếu căn cứ vào quản lý kiến trúc đô thị, chứ không phải dựa vào quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hay 1/2000 đã được duyệt.
Đối với khu dân cư đã có quy hoạch 1/500, theo TS Thuận, Luật Xây dựng đã cho phép miễn giấy phép xây dựng. Quy định đã có từ lâu, song nhiều năm qua việc thực hiện chưa đồng bộ, khiến người dân không được hưởng đầy đủ quyền lợi từ chính sách.
Ông cho rằng việc miễn giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại khu vực đã có quy hoạch 1/500 là điều nên làm, nhưng không thể gọi đó là “tư duy đổi mới sáng tạo” vì luật đã quy định từ trước.
Có nên bỏ thủ tục hoàn công?
Ngoài việc ủng hộ miễn giấy phép xây dựng, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý địa phương cũng nên bỏ hẳn thủ tục hoàn công công trình để tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân.
Trao đổi với PV VietNamNet, một cán bộ đang công tác tại Sở Xây dựng TPHCM cho biết: Theo quy định hiện hành, hoàn công là thủ tục hành chính bắt buộc đối với nhà ở riêng lẻ sau khi xây dựng. Đây là cơ sở để cơ quan quản lý ghi nhận quyền sở hữu nhà ở của người dân về mặt pháp lý.
Về cơ bản, một bộ hồ sơ hoàn công nhà ở sẽ bao gồm 8 loại giấy tờ. Tùy trường hợp cụ thể, cơ quan quản lý có thể yêu cầu bổ sung các loại giấy tờ khác nhau. Thời gian giải quyết hồ sơ kéo dài từ 3 tuần đến 1 tháng. Chi phí cho mỗi hồ sơ hoàn công rơi vào khoảng vài chục triệu đồng, tùy theo diện tích và kết cấu công trình.
Đối với cơ quan quản lý, hoàn công là thủ tục ghi nhận thực trạng công trình so với giấy phép xây dựng đã cấp. Nếu bỏ thủ tục này, với những trường hợp công trình sau khi hoàn tất xây dựng có sự sai khác với chỉ tiêu quy hoạch, không chỉ gây khó khăn trong việc quản lý trật tự xây dựng mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy cho cơ quan cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở.
Dưới góc độ chuyên môn, kỹ sư Nguyễn Bảo Vinh cho rằng: Quá trình thi công nhà ở ngoài thực tế thường có những sai khác so với thiết kế ban đầu. Bên cạnh những thay đổi chưa đến mức vi phạm chỉ tiêu quy hoạch, không ít trường hợp, nhà thầu phải xây dựng cơi nới công trình theo ý muốn chủ nhà.
Tuy nhiên, rủi ro là công trình đó có thể không được cơ quan quản lý xác nhận hoàn công, dẫn đến việc không được ghi nhận trong giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Theo ông Vinh, nếu giấy phép xây dựng là “đầu vào” thì hoàn công chính là “đầu ra” thể hiện tính hợp pháp của công trình. Vì vậy, nếu miễn giấy phép xây dựng nhưng không kiểm soát thủ tục hoàn công thì sẽ khiến công tác quản lý trật tự xây dựng trở nên bị động, như "thả gà ra đuổi".
Anh Phương
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/sau-mien-phep-xay-dung-tphcm-bo-thu-tuc-hoan-cong-nha-o-duoc-khong-2418964.html