Ảnh minh họa.
Sau một thời gian dài ôm tiền mặt, quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng Ballad Việt Nam của SGI Capital đã mạnh tay xuống tiền giải ngân. Theo đó, báo cáo tháng 2/2025 của quỹ này cho thấy, tỷ trọng tiền và tương đương tiền của Quỹ ở mức 45,2%, giảm mạnh so với mức 69,4% trong tháng trước đó. Đến tháng 3, tỷ trọng tiền mặt của quỹ này tiếp tục xuống còn 36,3%.
Và bước sang tháng 4, quỹ đã giải ngân mạnh, đưa tỷ trọng tiền mặt về chỉ còn 7,1%. Đây là những lần hiếm hoi quỹ đầu tư này "full hàng".
Danh mục đầu tư của quỹ chủ yếu tập trung vào các ngành nghề bán lẻ với tỷ trọng lớn nhất 21,1%; tiếp theo là Hàng tiêu dùng 19,2%; Sản xuất thép 16,9%; Ngân hàng 15,7%; Bất động sản, hóa chất, dầu khí, vận tải, hàng không. Trong đó 17 cổ phiếu gồm HPG tỷ trọng lớn nhất 16,94%; MWG thứ hai 11,67%, PNJ thứ ba 9,44% còn lại là DGC, DXG, TCB, PVS, VIP, VPB, ACB, VNM, FMC, TLG, QNS, SAB, MBB, ACV.
SGI Capital nhận định, kể từ ngày 02/04/2025 khi Mỹ công bố thuế đối ứng làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu, các thị trường chứng khoán đã dần hồi phục: S&P chỉ còn giảm 1,8%, chỉ số DAX của Đức đã vượt 0,47%, chứng khoán Nhật vượt 2,03%, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc chỉ còn giảm 2,12%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc vượt 2.,03%, chỉ số VN-Index còn cách xa nhất ở mức 6,95%.
Việc tạm dừng áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày ngoại trừ Trung Quốc đã giúp thị trường tài chính ổn định lại và quá trình thúc đẩy đàm phán khiến thị trường dần lấy lại niềm tin về một mức thuế quan hợp lý hơn. Từ đó, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ điều chỉnh kế hoạch đầu tư, tiêu dùng và thích nghi với trật tự mới.
Thị trường tài chính cũng sẽ dần lượng hóa được ảnh hưởng của thuế tới các nhóm doanh nghiệp. SGI Capital tiếp tục duy trì kịch bản cơ sở với mức thuế quan trung bình thấp hơn nhiều so với mức được công bố ban đầu: những ngành nước Mỹ không ưu tiên (dệt may, da giầy,…): 10%- 15%; và các ngành Mỹ ưu tiên bảo hộ và thúc đẩy sản xuất: 20% - 25%.
Thông tin về triển vọng của các cuộc đàm phán với các đối tác thương mại chủ chốt được đăng liên tục trên mạng xã hội của Tổng thống và Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng cho thấy áp lực phải chốt deals sớm. Việt Nam hiện đang nằm trong số 6 nước được ưu tiên đàm phán và có thể hoàn thành sớm trong 1-2 tháng tới.
GDP Quý 1 của Mỹ giảm -0,3% tạo chút ngạc nhiên và lo ngại suy thoái đang tới gần. Tuy nhiên, đóng góp lớn kéo giảm GDP là do nhập khẩu tăng mạnh để tránh thuế quan. Những cấu phần quan trọng khác như tiêu dùng, đầu tư vẫn tăng. Phản ứng tiêu cực nhất của chứng khoán là khi sự sụt giảm GDP đi kèm thất nghiệp tăng cao tạo vòng xoáy giảm chi tiêu, giảm đầu tư và gia tăng vỡ nợ. Các chỉ tiêu quan trọng này vẫn đang ở vùng lành mạnh chưa cho thấy rủi ro suy thoái tới gần.
Tỷ trọng tiền mặt của quỹ chỉ còn 7,1%.
Tâm lý thị trường hiện vẫn lo ngại bất ổn và kỳ vọng lạm phát tăng khi thuế nhập khẩu cao. Điều này có thể sớm thay đổi khi các thỏa thuận thuế quan sắp tới cho thấy mức thuế cuối cùng không quá cao và ảnh hưởng một lần lên CPI cũng không nghiêm trọng. Giá dầu và một số hàng hóa, thực phẩm cũng đang giảm khiến các thước đo lạm phát đang giảm dần về gần mốc mục tiêu 2% của FED.
Tương quan tăng trưởng suy yếu và lạm phát giảm sẽ mở ra một chu kỳ nới lỏng mới trong nửa cuối 2025. FED có thể hạ lãi suất và dừng QT trong các kỳ họp tháng 6-7 tới. Các Ngân hàng Trung ương lớn như ECB và BPoC thậm chí đã đi trước khi bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ hỗ trợ kinh tế và thị trường tài chính.
Với kịch bản thuế quan hiện tại, các nhà phân tích bắt đầu hạ tăng trưởng EPS của doanh nghiệp niêm yết Mỹ về mốc 8% cho năm 2025. Nhưng việc FED có thể hạ lãi suất khoảng 1% tới cuối năm sẽ tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán Mỹ ổn định trở lại và duy trì trong một kênh giá ít biến động hơn trong phần còn lại của năm nay.
SGI Capital nhận thấy chỉ số USD index đã giảm 10% từ vùng đỉnh đầu 2025, kết thúc giai đoạn tăng giá kéo dài 4 năm từ đầu 2021. Đây chính là giai đoạn lạm phát bùng lên khiến FED thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì mặt bằng lãi suất cao.
FED kết thúc QT và bước vào giai đoạn hạ lãi suất có thể là sự khởi đầu cho một chu kỳ đồng USD yếu hơn và dòng chảy vốn toàn cầu không còn quá ưa chuộng tài sản tài chính Mỹ. Đây từng là lý do cốt yếu khiến nhiều thị trường chứng khoán mới nổi bị rút vốn trong đó Việt Nam chịu áp lực bán ròng kỷ lục 8 tỷ USD kể từ 2021.
FED hạ lãi suất và đồng USD yếu là một điều kiện quan trọng để Ngân hàng Trung ương các nước chủ động điều hành chính sách tiền tệ, đồng thời dòng vốn FII có thể quay trở lại các thị trường mới nổi mở ra giai đoạn tăng trưởng tốt hơn cho thị trường tài chính cũng như kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Đối với chứng khoán trong nước, sau ba năm, nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn tăng trưởng lợi nhuận và liên tục tích lũy giá trị nội tại nhưng giá cổ phiếu đang giao dịch chưa phản ánh những thay đổi này, vì thế định giá P/E và đặc biệt là P/B hiện giảm về quanh mức rẻ lịch sử.
Về bản chất, định giá thị trường đã rẻ đi rất nhiều so với các lần 1200 trong quá khứ. Trong đầu tư, định giá rẻ là điều kiện tiên quyết để đảm bảo rủi ro thấp và hiệu quả cao. "Mốc ám ảnh 1200 của VN-Index giờ đã trở thành ngưỡng hỗ trợ rất mạnh. So với nhiều kênh tài sản khác, chứng khoán đang trở lại thành kênh đầu tư có tương quan rủi ro/lợi nhuận hấp dẫn hơn", SGI Capital nhấn mạnh.
Tuệ Lâm