Sau một tuần dẫn dắt VN-Index vượt 1.300 điểm, cổ phiếu ngân hàng đã 'kiệt sức'?

Sau một tuần dẫn dắt VN-Index vượt 1.300 điểm, cổ phiếu ngân hàng đã 'kiệt sức'?
11 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Cổ phiếu nhóm ngân hàng thay thế bất động sản dẫn dắt Vn-Index vượt mốc 1.300 điểm trong những phiên vừa qua. Hàng loạt cổ phiếu có mức tăng khá tốt LPB tăng 12% trong vòng một tuần qua, TCB tăng 9,12%; VIB tăng 6,1%; SHB tăng 6,2% nhiều cổ khác cũng tăng tốt như MBB, ACB, CTG...
Theo thống kê của Chứng khoán KIS, tổng lợi nhuận trước thuế quý 1/2025 của 27 ngân hàng niêm yết tăng 14,5% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường từ SSB bán 100% vốn tại Công ty Tài chính Bưu điện, lợi nhuận trước thuế quý 1/2025 của ngành ngân hàng chỉ tăng 10,9%. Kết quả này đến từ tăng trưởng tín dụng mạnh, thu nhập khác tăng, kiểm soát chi phí hoạt động và chi phí dự phòng giảm nhẹ – nhóm ngân hàng TMCP tư nhân có kết quả kinh doanh vượt trội hơn.
Các ngân hàng tư nhân ghi nhận kết quả ấn tượng trong quý 1/2025 gồm: nhóm tư nhân lớn như MBB (+44,7%), STB (+38,4%), VPB (+19,9%); nhóm tư nhân vừa HDB (+33%), SSB (+188,8%), EIB (+25,8%), NAB (+22,5%); cùng với một số tư nhân nhỏ khác.
Tổng giải ngân tín dụng trong quý 1/2025 tăng 3,93% so với đầu năm (tương đương tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 1,42% so với đầu năm trong quý 1/2024, động lực đến từ cho vay doanh nghiệp.
Một số ngân hàng dẫn đầu trong quý 1/2025: CTG tăng 4,5% so với đầu năm ở nhóm ngân hàng quốc doanh; SHB tăng 7,8%, VPB tăng 5% ở nhóm ngân hàng tư nhân lớn; EIB (+9,2%), MSB (+8,9%), LPB (+6,2%), NAB (+6%) ở nhóm ngân hàng tư nhân trung bình; NVB (+10,6%), KLB (+10,6%), PGB (+10%) trong nhóm ngân hàng tư nhân nhỏ.
NIM (tổng 27 ngân hàng) giảm 45 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 3,1% trong quý 1/2025, chủ yếu do lợi suất tài sản giảm. Phần lớn ngân hàng ghi nhận NIM giảm trong quý 1/2025.
Nợ xấu tăng trở lại trong quý 1/2025. NPL nhóm 3–5 và nhóm 2–5 của tổng 27 ngân hàng tăng lần lượt từ 9% và 3,5% trong quý 4/2024 lên 2,1%/3,8% trong quý 1/2025.
Một số ngân hàng có tỷ lệ NPL (nhóm 3–5) thấp thay đổi từ quý 4/2024 xuống quý 1/2025 như VAB giảm từ 1,3% còn 0,6%), VCB duy trì ở mức 1%, TCB tăng từ 1,1% lên 1,2%, BAB tăng từ 1,2% lên 1,3% và ACB duy trì ở mức 1%.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) giảm từ 91% trong quý 4/2024 xuống 80% trong quý 1/2025. Các ngân hàng có tỷ lệ LLCR cao gồm: VCB (223% trong quý 4/2024 xuống 216% trong quý 1/2025), CTG (175% trong 4Q24 xuống 137% trong 1Q25), và TCB (từ 114% trong 4Q24 xuống 112% trong 1Q25).
Theo nhận định của Chứng khoán KIS, tăng trưởng tín dụng trong quý 2/2025 có thể tiếp tục tăng cao hơn so với cùng kỳ. Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đầy tham vọng ở mức 16% cho toàn hệ thống ngân hàng trong năm 2025 – cao nhất trong 7 năm qua.
Tuy nhiên, tỷ suất sinh lợi trên tài sản suy giảm ngăn chặn đà phục hồi NIM trong quý 2/2025. NIM năm 2025 có thể duy trì ổn định trong kịch bản cơ sở và giảm nhẹ trong kịch bản tiêu cực. Chi phí dự phòng rủi ro có thể tăng do bổ sung trích lập dự phòng nợ và tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao.
Về mặt định giá, định giá ngành ngân hàng hiện đang hấp dẫn cho đầu tư dài hạn với P/B hiện tại 1.37x, thấp hơn mức trung bình 5 năm 1.73x.
Ông Trần Hoàng Sơn, chuyên gia chứng khoán cũng cho rằng nếu nhìn về trung và dài hạn, ngân hàng vẫn đang được định giá hấp dẫn. Trong năm nay, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ cho thị trường thì tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì ở mức cao. Cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt nhóm dẫn đầu sẽ có nhiều động lực để tăng trưởng tín dụng, từ đó mở rộng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận.
Trong giai đoạn vừa qua, NIM của một số ngân hàng đã bắt đầu thu hẹp, đặc biệt trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2025. Xu hướng này là hợp lý vì các ngân hàng phải chia sẻ lợi nhuận, trách nhiệm đối với nền kinh tế, thị trường thông qua việc cung ứng các gói vay lãi suất hợp lý, hỗ trợ tăng trưởng. Khi kinh tế phục hồi, thường cổ phiếu ngân hàng vẫn được ưu tiên, ghi nhận mức tăng trưởng tốt.
"Tôi vẫn duy trì kỳ vọng rằng trong năm nay, nếu đàm phán thương mại suôn sẻ, nền kinh tế Việt Nam vượt qua sóng gió thì cổ phiếu ngân hàng vẫn là điểm đến của dòng tiền", ông Sơn nhấn mạnh.
Thu Minh
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/sau-mot-tuan-dan-dat-vn-index-vuot-1-300-diem-co-phieu-ngan-hang-da-kiet-suc.htm