Theo các nguồn tin, đây là lần đầu tiên Tổng thống Joe Biden cấp phép cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công Nga, nhưng sẽ chỉ giới hạn ở khu vực Kursk.
Theo báo Le Figaro của Pháp, ngay sau “đèn xanh” Mỹ, Anh và Pháp cũng có động thái tương tự. Điều này đồng nghĩa với việc Lực lượng vũ trang Ukraine hiện có thể tiến hành các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga không chỉ bằng tên lửa ATACMS của Mỹ mà còn bằng SCALP và Storm Shadow. Trong nhiều tháng, Ukraine đã yêu cầu Mỹ cho phép sử dụng những loại vũ khí này nhưng Mỹ luôn giữ lập trường thận trọng.
Tên lửa Storm Shadow ban đầu được Anh gửi cho Ukraine để giúp Kiev đẩy lực lượng Nga khỏi bán đảo Crimea. Ảnh: Bloomberg
Nhà Trắng vẫn chưa có bình luận công khai nào về thông tin. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngầm xác nhận thông tin khi tuyên bố “Hãy để tên lửa lên tiếng”.
“Hôm nay, có rất nhiều thông tin trên phương tiện truyền thông về việc chúng tôi nhận được sự cho phép đối với các hành động tương ứng. Nhưng các cuộc tấn công không được thực hiện bằng lời nói. Những điều như vậy không được công bố. Tên lửa sẽ tự nói lên điều đó. Chắc chắn sẽ là như vậy”, ông Zelensky cho biết.
Tên lửa ATACMS, có tầm bắn hơn 300km đối với các phiên bản mới nhất. Chúng được đưa vào sử dụng năm 1991 trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất và năm 2003 trong cuộc chiến tranh Iraq. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, nguồn cung tên lửa mà Ukraine có là hạn chế và khó có thể tạo ra sự thay đổi một sớm một chiều trên chiến trường. Hơn nữa việc sử dụng những loại vũ khí này “chắc chắn phải cần đến các nhà khai thác phương Tây”. Đó là một tình huống mà các đồng minh của Ukraine không mong muốn và khiến cộng đồng thế giới lo ngại.
Trong một phát biểu ngày hôm qua, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi tránh các bước đi làm leo thang liên tục cuộc xung đột tại Ukraine.
“Lập trường của Liên hợp quốc là rất rõ ràng. Đó là cần tránh leo thang liên tục cuộc chiến tranh Ukraine. Chúng ta muốn có hòa bình, nhưng đó là nền hòa bình dựa trên công lý, phù hợp với các nghị quyết của Đại hội đồng, Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế”, ông Guterres nhấn mạnh.
Chính phủ Nga hôm qua đã có những phản ứng đầu tiên. Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban các vấn đề quốc tế thuộc Thượng viện Nga, ông Vladimir Dzhabarov chỉ trích đây là động thái nguy hiểm có thể khơi mào cho một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 3. Quan chức này đồng thời cảnh báo, phản ứng của Nga sẽ là ngay lập tức. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nhấn mạnh, Tổng thống Vladimir Putin đã nêu ý kiến của mình về vấn đề này.
Hồi tháng 9, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng lực lượng Ukraine không đủ khả năng thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp nếu không có hỗ trợ từ bên ngoài. Theo Nhà lãnh đạo Nga, vấn đề không phải là có cho phép Ukraine tấn công Nga bằng những vũ khí này hay không. Mà vấn đề này sẽ quyết định liệu các quốc gia NATO có trực tiếp tham gia vào xung đột quân sự hay không.
Thu Hoài/VOV1 Tổng hợp