Sau năm đông khách chưa từng có tại Nhật Bản

Sau năm đông khách chưa từng có tại Nhật Bản
3 ngày trướcBài gốc
Khép lại năm 2024, Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu đà phục hồi du lịch quốc tế (inbound) tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương kể từ sau đại dịch Covid-19.
Thống kê từ Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO) cuối tháng 12/2024, tổng lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản trong 11 tháng trước đó đạt 33,3 triệu lượt, phá kỷ lục trước 31,8 triệu lượt được thiết lập vào năm 2019.
Những con số "biết nói"
Lượng khách quốc tế đến Nhật Bản năm 2024 tăng 131,3% so với 2023, đồng thời đánh dấu mức tăng tốc ngoạn mục về lượng khách quốc tế tại Nhật Bản qua các năm.
Trước đó, vào tháng 10/2022, thời điểm dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, Nhật Bản bắt đầu nới lỏng việc xuất nhập cảnh, lượng khách nước ngoài đến du lịch đạt 499.000 lượt, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Tháng 10/2023, du lịch mở cửa rộng rãi hơn, Nhật Bản ghi nhận 2,5 triệu lượt khách ồ ạt kéo đến, tăng 108% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng khách Hàn Quốc chiếm phần lớn, tiếp theo là khách Đài Loan và Trung Quốc đại lục.
Trên thực tế, từ tháng 7/2023 đến 6/2024, Nhật Bản thu hút 31 triệu lượt khách, trở thành thị trường có hiệu suất tốt nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương xét về lượng du khách, theo Viện Nghiên cứu Châu Á Trung Âu (CEIAS).
Chỉ riêng mỗi tháng trong năm 2024, Nhật Bản cũng đều ghi nhận mức tăng trưởng ít nhất 30% so với cùng kỳ năm 2023.
Minh chứng cụ thể là vào tháng 11/2024, lượng khách nước ngoài ghé thăm Nhật Bản tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2023, đạt mức 3,18 triệu người. Riêng lượng khách Hàn Quốc đến Nhật Bản đạt 749.500 lượt, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2023. Con số này cho thấy Hàn Quốc tiếp tục là quốc gia dẫn đầu lượt khách đến Nhật cao nhất trong năm 2024.
Tiếp theo, Trung Quốc là thị trường gửi khách lớn thứ 2 đến Nhật Bản với số lượng du khách tăng gấp đôi so với năm 2023, đạt mức 546.300 lượt. Ngoài ra, số lượng du khách từ Đài Loan (Trung Quốc) đạt 488.400 lượt, tăng 21%; du khách Mỹ đạt 247.500 lượt, tăng 34%.
Du khách đến Kyoto đi bộ dọc theo con phố gần đền Kiyomizu vào tháng 4. Ảnh: Bloomberg.
Tính trung bình trong 11 tháng đầu năm, lượng du khách đến Nhật Bản từ các thị trường Hàn Quốc, Indonesia, Việt Nam và Pháp cũng đều ghi nhận mức kỷ lục mới.
Với những mốc kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" và lượng khách quốc tế vẫn đang trên đà tăng "phi mã", chính phủ kỳ vọng Nhật Bản sẽ chạm ngưỡng 60 triệu lượt du khách quốc tế vào năm 2030. Tuy nhiên, cột mốc này được nhiều chuyên gia đánh giá "quá tầm với" trong vòng 5 năm tới.
Lý do nào cho sự bùng nổ?
Song, sự kỳ vọng của chính phủ không phải không có căn cứ khi những chính sách phát triển du lịch của Nhật Bản đang cho thấy kết quả tích cực.
Tháng 4/2023, mọi hạn chế nhập cảnh đã được dỡ bỏ. Đặc biệt, quy định về thị thực nới lỏng đáng kể đối với du khách nước ngoài đến Nhật Bản từ Đông Á và Đông Nam Á giúp việc đến thăm đất nước Mặt Trời mọc trở nên dễ dàng hơn. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến số lượng khách nước ngoài đến Nhật Bản tăng lên.
Cơ quan Du lịch Nhật Bản cho hay sự gia tăng tổng thể về số lượng khách nước ngoài đi kèm với nhu cầu đến thăm Nhật Bản ngày càng tăng khiến số lượng du khách lưu trú tại Nhật Bản ngày càng tăng cao.
Hơn nữa, việc đồng yen suy yếu khiến kinh tế Nhật Bản thăng trầm, nhưng lại trở thành "lối thoát hiểm" quan trọng đối với ngành du lịch của đất nước. Đồng yen yếu khiến giá cả phải chăng hơn càng kích thích du lịch bùng nổ.
Nhật Bản sở hữu cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, cùng với việc đồng yen suy yếu là những nguyên nhân quan trọng hút khách quốc tế. Ảnh: @japan.explores, @nomadict, @t_yaosheng, @pillter.
Julia Simpson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, nhận định: "Đồng yen suy giảm là yếu tố quan trọng giúp Nhật Bản hút khách quốc tế. Bên cạnh đó, nhu cầu 'du lịch trả thù' của du khách tăng cao sau khi các hạn chế do Covid-19 được dỡ bỏ trên toàn thế giới cũng như chính sách nới lỏng thị thực của chính phủ khiến Nhật Bản là điểm đến lý tưởng trên bản đồ du lịch châu Á - Thái Bình Dương", theo The Japan Times.
Ngoài ra, nhu cầu du lịch mùa thu với xu hướng đi "săn mùa lá đỏ" tại quốc gia này bất ngờ tăng mạnh những năm gần đây cũng là nguyên nhân thúc đẩy du lịch.
Không chỉ vậy, Nhật Bản cũng được đánh giá là điểm đến hấp dẫn trong tất cả các mùa với nhiều hành trình thú vị. Tom O'Malley, một trong những phóng viên của cẩm nang du lịch nổi tiếng Lonely Planet (Australia), từng chia sẻ trong bài viết có tiêu đề Nhật Bản với Hàn Quốc: Điểm đến Đông Á ấn tượng nào bạn nên ghé thăm?: "Tôi đã du lịch ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc, cả 2 đều rất tuyệt nhưng Nhật Bản là đất nước tôi trở lại nhiều lần".
Ngoài "săn lá đỏ", điểm ấn tượng hút khách của Nhật Bản là những thị trấn suối nước nóng (Onsen), đem đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời về văn hóa Ryokan (lữ quán, nhà trọ truyền thống) và Onsen thư giãn.
Mặt trái
Tốc độ tăng trưởng vượt trội đồng thời khiến ngành du lịch Nhật Bản đối mặt với tình trạng quá tải du lịch.
Theo một nghiên cứu trong năm 2024 của Trung tâm nghiên cứu Jalan chuyên về du lịch, "đám đông", "tắc nghẽn giao đông" và "rác thải" là những lời phàn nàn phổ biến của người dân về việc có quá nhiều khách du lịch tại địa phương.
Người dân thường dùng từ "kankō kōgai" (観光公害 nghĩa là ô nhiễm du lịch) để diễn tả việc du lịch quá mức ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Tại Kyoto, địa điểm du lịch nổi tiếng ở Nhật Bản, tình trạng tắc nghẽn xảy ra liên tục trên các con đừng xung quanh đền chùa, rác thải cũng tăng, gây gánh nặng cho môi trường.
Cửa hàng tiện lợi Lawson có view núi Phú Sĩ phía sau là điểm đến "hot" với du khách. Ảnh: @fai_i.
Hay Okinawa được biết đến là nơi có những bãi biển tuyệt đẹp, thích hợp để khách du lịch lặn biển và lặn bằng ống thở. Tuy nhiên, du lịch quá mức đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng như phá hủy các rạn san hô và gia tăng rác thải.
Núi Phú Sĩ (Fujisan), biểu tượng văn hóa nổi tiếng của đất nước Mặt Trời mọc cũng gặp phải tình trạng quá tải tương tự. Để khắc phục tình trạng du khách đổ xô đến Phú Sĩ, mùa hè năm nay, chính quyền địa phương đã giới hạn chỉ cho phép 4.000 người đăng ký leo núi mỗi ngày. Ngoài ra, áp dụng mức phí leo núi là 2.000 yen/người.
Tuy nhiên, sau đó du khách lại đổ xô đến cửa hàng tiện lợi Lawson có tầm nhìn ra núi Phú Sĩ ở tỉnh Yamanashi. Tình trạng này gây nguy cơ mất an toàn giao thông cao khiến chính quyền phải che tấm lưới đen.
Chưa hết, các di sản thế giới được UNESCO công nhận cũng bị khách du lịch phá hoại bằng những bức vẽ bậy. Nhiều chủ nhà hàng và quán trà bày tỏ sự thất vọng với những du khách làm gián đoạn công việc kinh doanh của họ.
Các điểm du lịch đang xuất hiện nhan nhản các hoạt động kinh doanh Airbnb (thuê căn hộ ngắn ngày) bất hợp pháp. An toàn cộng đồng tại Nhật đang suy giảm do xuất hiện các vấn đề như uống rượu, cờ bạc và tội phạm gia tăng... cùng rất nhiều vấn đề nan giải khách do tình trạng quá tải du lịch gây ra đang khiến chính phủ đau đầu giải quyết.
Quỳnh Trang
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/sau-nam-dong-khach-chua-tung-co-tai-nhat-ban-post1521207.html