Sau nhiều năm thất bại với chip AI, Intel lên kế hoạch mới thách thức Nvidia

Sau nhiều năm thất bại với chip AI, Intel lên kế hoạch mới thách thức Nvidia
7 giờ trướcBài gốc
Trong cuộc họp báo cáo tài chính đầu tiên với các nhà phân tích trên cương vị tân Giám đốc điều hành Intel, ông Lip-Bu Tan đã phác thảo cách mà hãng chip Mỹ hy vọng sẽ thay đổi điều nêu trên, nhưng cũng cảnh báo rằng: "Đây không phải là giải pháp nhanh chóng".
Lip-Bu Tan cho biết sẽ rà soát lại các sản phẩm hiện có của Intel để tinh chỉnh chúng nhằm phù hợp hơn với các xu hướng mới nổi trong thị trường AI, như robot và các tác tử có thể thực hiện nhiệm vụ thay con người.
Tác tử AI là hệ thống hoặc chương trình máy tính được thiết kế để thực hiện các tác vụ tự động bằng cách sử dụng AI. Các tác tử AI có khả năng tương tác với môi trường, thu thập thông tin, xử lý dữ liệu, ra quyết định và thực hiện các hành động dựa trên mục tiêu được đặt ra.
Việc này sẽ đầy thách thức vì hiện Nvidia không chỉ bán chip mà còn cung cấp trọn gói trung tâm dữ liệu, từ chip đến cáp và trình biên dịch phần mềm. Lip-Bu Tan cho biết Intel cũng sẽ áp dụng cách tiếp cận tương tự.
Trình biên dịch phần mềm là chương trình máy tính có chức năng đọc mã nguồn được viết bằng một ngôn ngữ lập trình cấp cao (mà con người dễ đọc và viết) và dịch toàn bộ nó sang ngôn ngữ cấp thấp hơn, thường là mã máy hoặc mã đối tượng, để máy tính có thể hiểu và thực thi trực tiếp.
Quá trình biên dịch thường gồm nhiều giai đoạn, trong đó có các bước chính như:
Phân tích từ vựng: Chia mã nguồn thành các đơn vị nhỏ nhất có ý nghĩa gọi là token.
Phân tích cú pháp: Kiểm tra xem chuỗi các token có tuân theo các quy tắc ngữ pháp (cú pháp) của ngôn ngữ lập trình hay không và xây dựng cây cú pháp biểu diễn cấu trúc của chương trình.
Phân tích ngữ nghĩa: Kiểm tra tính hợp lệ về mặt ý nghĩa của chương trình, chẳng hạn kiểm tra kiểu dữ liệu, khai báo biến,…
Tạo mã trung gian: Tạo ra một biểu diễn trung gian của chương trình, độc lập với kiến trúc máy cụ thể.
Tối ưu hóa mã: Cải thiện mã trung gian để chương trình đích chạy nhanh hơn, sử dụng ít bộ nhớ hơn hoặc có kích thước nhỏ hơn.
Tạo mã đích: Chuyển đổi mã trung gian đã tối ưu hóa thành mã máy hoặc mã đối tượng cho một kiến trúc máy cụ thể.
Kết quả của quá trình biên dịch là một file thực thi hoặc file mã đối tượng có thể liên kết với các file khác để tạo thành chương trình hoàn chỉnh chạy trên máy tính.
Trong ngắn hạn, Intel sẽ không thực hiện thêm nhiều thương vụ mua lại, theo giám đốc tài chính David Zinsner. "Ưu tiên hiện tại của chúng tôi là cải thiện tình hình tài chính", ông David Zinsner nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.
Điều này ngụ ý rằng những nỗ lực của Lip-Bu Tan nhằm cuối cùng xây dựng một chiến lược AI rõ ràng sẽ chủ yếu dựa vào nguồn lực nội bộ.
"Chúng tôi đang áp dụng cách tiếp cận toàn diện để tái định hình danh mục sản phẩm, tối ưu hóa chúng cho các khối lượng công việc AI mới và đang nổi. Mục tiêu của chúng tôi là trở thành nền tảng được khách hàng lựa chọn. Điều đó đòi hỏi chúng tôi phải thay đổi tư duy thiết kế và kỹ thuật một cách triệt để, dự đoán nhu cầu của khách hàng từ rất sớm", tân giám đốc điều hành Intel nói.
Trong quá khứ, cách tiếp cận của Intel là để các công ty khởi nghiệp AI phát triển chip mới, sau đó mua lại họ. Từ năm 2016 đến 2019, Intel đã mua lại một số hãng chip, gồm Movidius, Mobileye, Nervana và Habana Labs, với hy vọng những thương vụ này sẽ giúp họ chiếm lĩnh thị trường AI.
Dù Mobileye vẫn giữ được vị trí vững chắc ở lĩnh vực xe tự hành và Intel vẫn còn cổ phần trong công ty này sau khi tách ra, các thương vụ còn lại đều không giúp Intel tạo được bước tiến đáng kể trước Nvidia.
"Intel có lịch sử lâu dài trong việc phát triển những đột phá quan trọng về chip ngay trong nội bộ, vì vậy tôi không ngạc nhiên khi thấy họ tập trung vào phát triển AI. Nếu có thể xây dựng được hệ sinh thái phần mềm hỗ trợ phù hợp để triển khai dễ dàng các chip mới này, Intel sẽ có cơ hội, nhưng đó là một chữ 'nếu' rất lớn", Bob O'Donnell, nhà phân tích chính tại hãng Technalysis Research, chia sẻ với Reuters.
Tuy nhiên, các nhà phân tích khác cho rằng vị thế thống trị của Nvidia, cùng việc các hãng điện toán đám mây lớn như Amazon và Google tự phát triển chip AI, sẽ khiến Intel khó có chỗ chen chân vào thị trường.
Intel đã hé lộ phần nào chiến lược tổng thể về AI, với trọng tâm là các chip và hệ thống vận hành ứng dụng AI cũng như thiết bị biên, theo Hendi Susanto - nhà quản lý danh mục đầu tư tại Gabelli Funds (công ty đang nắm giữ cổ phiếu Intel).
"Dù các lĩnh vực này đầy tiềm năng, nhưng quy mô và tốc độ tăng trưởng của chúng vẫn còn chưa chắc chắn", Hendi Susanto nhận định.
Thiết bị biên là các thiết bị vật lý hoặc hệ thống máy tính nằm ở "biên" của mạng, tức là gần với nguồn tạo ra hoặc tiêu thụ dữ liệu nhất, thay vì ở trung tâm dữ liệu truyền thống hoặc đám mây. Thiết bị biên đóng vai trò quan trọng trong mô hình điện toán biên.
Các thiết bị biên có khả năng thu thập, xử lý, lưu trữ dữ liệu và chạy các ứng dụng ngay tại chỗ, giúp giảm độ trễ, tiết kiệm băng thông và tăng tốc độ phản hồi. Thay vì gửi toàn bộ dữ liệu thô về đám mây để xử lý, thiết bị biên có thể xử lý sơ bộ, lọc bỏ dữ liệu không cần thiết hoặc đưa ra phản hồi ngay lập tức cho các tác vụ cần thời gian thực.
Ví dụ về thiết bị biên
Các thiết bị IoT (internet vạn vật): Cảm biến, camera an ninh thông minh, thiết bị đeo tay, máy móc công nghiệp kết nối mạng.
Smartphone, máy tính bảng.
Máy tính nhúng trong ô tô, robot.
Các máy chủ nhỏ đặt tại chi nhánh, nhà máy, cửa hàng bán lẻ.
Thiết bị mạng như bộ định tuyến (router) hoặc cổng biên có khả năng xử lý.
Thiết bị biên thường có tài nguyên tính toán và lưu trữ hạn chế hơn so với trung tâm dữ liệu đám mây, nhưng đủ mạnh để thực hiện các tác vụ xử lý dữ liệu ban đầu và đưa ra quyết định nhanh chóng tại điểm phát sinh dữ liệu. Chúng là một phần không thể thiếu trong việc triển khai các ứng dụng yêu cầu độ trễ thấp, như ô tô tự hành, nhà máy thông minh, y tế từ xa và thực tế ảo/tăng cường.
Lip-Bu Tan (65 tuổi) từng điều hành công ty phần mềm thiết kế chip Cadence Design Systems rất thành công và là nhà đầu tư công nghệ nổi tiếng. Ông từng là thành viên hội đồng quản trị Intel nhưng từ chức vào tháng 8.2024 do bất đồng về định hướng của nhà sản xuất chip này sau nhiều năm hoạt động kém hiệu quả trên thị trường.
Việc Lip-Bu Tan quay lại Intel hồi tháng 3 với tư cách giám đốc điều hành đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, khi ông tiếp quản công ty sau một thập kỷ với hàng loạt quyết định sai lầm của ba CEO đời trước đó.
Ông Lip-Bu Tan sẽ xây dựng một chiến lược AI rõ ràng chủ yếu dựa vào nguồn lực nội bộ của Intel - Ảnh: Digitimes
Thỏa thuận liên doanh với TSMC
Gần đây, TSMC và Intel đã đạt được thỏa thuận sơ bộ để thành lập một liên doanh vận hành các nhà máy của hãng sản xuất chip Mỹ, trang The Information đưa tin, dẫn lời hai người tham gia thảo luận.
Khi thảo luận về liên doanh, TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có trụ sở ở Đài Loan) đã thảo luận về việc chia sẻ một số kỹ thuật sản xuất của mình với Intel để đổi lấy 20% cổ phần trong công ty mới, theo The Information.
Intel và các nhà sản xuất chip Mỹ khác sẽ nắm giữ phần lớn cổ phần trong liên doanh với TSMC, gồm cả một số nhà máy của Intel, The Information cho biết, dẫn lời các nguồn tin ẩn danh quen thuộc với tình hình.
Tuy nhiên, một số giám đốc Intel lo ngại rằng thỏa thuận này có thể dẫn đến việc sa thải nhân viên và làm lu mờ công nghệ sản xuất chip hiện tại của công ty.
Các quan chức Nhà Trắng và Bộ Thương mại Mỹ đã thúc đẩy để TSMC - Intel đạt được thỏa thuận nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài tại Intel.
Hồi tháng 3, Reuters đưa tin TSMC đã đề xuất Nvidia, AMD và Broadcom tham gia nắm giữ cổ phần trong một liên doanh vận hành các nhà máy của Intel, sau khi chính quyền Mỹ yêu cầu tập đoàn chip Đài Loan giúp vực dậy thương hiệu công nghệ Mỹ đang gặp khó khăn.
Cũng trong tháng 3, Intel đã bổ nhiệm ông Lip-Bu Tan làm giám đốc điều hành để hồi sinh công ty sau khi bỏ lỡ làn sóng bùng nổ chip do AI thúc đẩy, trong khi vẫn rót hàng tỉ USD vào việc mở rộng sản xuất chip.
Nếu kế hoạch thành lập liên doanh vận hành được tiến hành, đây sẽ là một bước đi quan trọng ban đầu với Lip-Bu Tan.
Tại hội nghị Intel Vision ở thành phố Las Vegas (Mỹ) cuối tháng 3, Lip-Bu Tan cho biết Intel sẽ tách bớt các tài sản không thuộc trọng tâm chiến lược của công ty.
Những nỗ lực của Intel nhằm sản xuất chip cho khách hàng bên ngoài đã gặp nhiều thách thức do công ty không thể cung cấp mức độ dịch vụ khách hàng và hỗ trợ kỹ thuật như TSMC, dẫn đến các chậm trễ và thất bại trong thử nghiệm, một cựu giám đốc Intel nói với Reuters.
Intel đã báo cáo khoản lỗ ròng 18,8 tỉ USD trong năm 2024, lần đầu tiên kể từ năm 1986, chủ yếu do các khoản do suy giảm giá trị lớn.
Cổ phiếu Intel mất 60% giá trị trong năm 2024, song đã phục hồi một phần và tăng khoảng 7,18% kể từ đầu năm nay.
Sơn Vân
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/sau-nhieu-nam-that-bai-voi-chip-ai-intel-len-ke-hoach-moi-thach-thuc-nvidia-231924.html