Trong thời đại mà mỗi dòng trạng thái, video của người nổi tiếng có thể lan truyền chỉ sau một cái chạm màn hình, thì niềm tin công chúng đang trở thành món hàng mong manh nhất. Đặc biệt, sau ồn ào liên quan đến sản phẩm sữa được quảng bá bởi nghệ sĩ, câu hỏi lớn được đặt ra không còn là “Sản phẩm đó có tốt hay không?” mà là: "Nghệ sĩ có đang quên mất vai trò và trách nhiệm xã hội của chính mình?".
Nhiều câu hỏi được đặt ra sau ồn ào liên quan đến nghệ sĩ quảng cáo sữa, trong đó có trường hợp của Vân Hugo và BTV Quang Minh.
Niềm tin – thứ tài sản không nằm trong hợp đồng quảng cáo
Với sức ảnh hưởng vượt xa giới giải trí, nghệ sĩ không đơn thuần là người biểu diễn trên sân khấu hay xuất hiện lộng lẫy trước ống kính. Họ là hình mẫu, niềm tin, người đồng hành vô hình trong suy nghĩ và lựa chọn của hàng triệu khán giả – những người sẵn sàng mua một sản phẩm chỉ vì “thần tượng đã dùng”.
Nhưng cũng chính vì vậy, khi niềm tin ấy bị đặt nhầm chỗ, hậu quả không chỉ là vài dòng xin lỗi hay hợp đồng bị hủy. Đó là sự vỡ vụn trong lòng khán giả. Là cảm giác bị phản bội khi niềm tin bị đánh đổi lấy danh tiếng và con số thù lao hậu hĩnh. Và quan trọng hơn cả là sự mất mát của uy tín – thứ không thể mua lại bằng bất kỳ giá nào.
Sự nổi tiếng đi kèm với một “quyền lực mềm” vô hình. Một lời khen của nghệ sĩ có thể khiến một thương hiệu vụt sáng chỉ sau vài ngày. Một clip quảng bá có thể khiến hàng nghìn bà mẹ đổ xô tìm mua một sản phẩm được gắn mác “tốt cho sức khỏe”. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi sự nổi tiếng đó không đi kèm hiểu biết? Khi nghệ sĩ đồng ý quảng cáo một sản phẩm không kiểm chứng kỹ càng, chỉ vì lợi ích tài chính?
Một clip quảng bá có thể khiến hàng ngàn bà mẹ đổ xô tìm mua một sản phẩm được gắn mác “tốt cho sức khỏe”. (Ảnh minh họa)
Câu trả lời chính là sự vỡ trận trong niềm tin – không chỉ trong phạm vi cá nhân nghệ sĩ, mà còn là cái nhìn ngờ vực lan rộng với toàn bộ giới giải trí.
Khi sự tha thứ không còn là vô hạn
Làm người của công chúng không chỉ là sống với ánh đèn sân khấu, mà còn là chấp nhận gánh vác trách nhiệm trước xã hội. Trách nhiệm ấy không chỉ thể hiện trong những lần quyên góp từ thiện, phát ngôn cộng đồng, mà còn nằm ở sự thận trọng trong từng lựa chọn hợp tác, từng sản phẩm xuất hiện cùng hình ảnh bản thân.
Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nghệ sĩ khi đằng sau họ là một hệ sinh thái gồm quản lý, nhãn hàng, luật sư, ekip truyền thông. Nhưng sự tỉnh táo, sự hiểu biết và lương tâm nghề nghiệp – những điều không ai có thể thay thế vẫn là điều mỗi người nổi tiếng phải tự mình nuôi dưỡng.
Chúng ta đã chứng kiến không ít lần nghệ sĩ “trượt chân” trên con đường quảng cáo. Nhưng nếu trước đây, khán giả còn dễ dàng tha thứ, thì giờ xã hội đã trở nên tỉnh táo hơn – cũng giống như họ từng thần tượng một cách vô điều kiện, song hiện tại họ cũng đòi hỏi nghệ sĩ phải sống có trách nhiệm.
Quang Linh Vlogs là một trong những ví dụ điển hình cho chuyện người nổi tiếng "trượt chân".
Sự tha thứ không còn là vô hạn. Mỗi lần khán giả cảm thấy bị lợi dụng là một lần họ rút bớt niềm tin. Và một khi đã mất đi lòng tin ấy, nghệ sĩ dù tài năng đến đâu, hào quang đến mấy, cũng khó có thể lấy lại được vị trí vốn có trong lòng công chúng.
Những ồn ào vừa qua không chỉ là một bài học cá nhân, mà là hồi chuông cảnh tỉnh cho cả giới nghệ sĩ, rằng đừng đánh đổi hình ảnh và danh dự của mình để làm phương tiện truyền thông cho những giá trị thiếu kiểm chứng. Nghệ sĩ có thể không biết hết mọi thứ, nhưng không thể vô trách nhiệm với lựa chọn của chính mình, với xã hội, cộng đồng.
Đã đến lúc người nổi tiếng cần xác lập lại mối quan hệ giữa quyền lực ảnh hưởng và bổn phận đạo đức. Đã đến lúc nghệ sĩ không chỉ “sạch” trong đời tư, mà còn cần “sáng” trong lựa chọn – vì một nền nghệ thuật tử tế, và vì niềm tin đang dần hao mòn nơi khán giả.
Nhật Minh