Sầu riêng đông lạnh - động lực mới cho xuất khẩu trái cây thời gian tới

Sầu riêng đông lạnh - động lực mới cho xuất khẩu trái cây thời gian tới
3 giờ trướcBài gốc
Kỳ vọng xuất khẩu sầu riêng thu về 3,2 tỉ USD trong năm nay
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 9 năm nay, sản lượng sầu riêng của nước ta đã đạt 984.800 tấn, tăng mạnh 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sầu riêng đông lạnh - động lực mới cho trái cây xuất khẩu
Trong khi đó, tháng 10 mới vào vụ thu hoạch loại “trái cây vua” này ở những vùng trồng có sản lượng lớn như Gia Lai và Lâm Đồng. Sầu nghịch vụ ở các tỉnh miền Tây cũng sẽ cho thu hoạch vào các tháng cuối năm nay. Ước tính, sản lượng sầu riêng của nước ta có thể đạt trên 1,2 triệu tấn trong năm nay.
Theo đó, ngoài phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa, lượng rất lớn sầu riêng còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan và các thị trường khác. Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta ước đạt 2,5 tỷ USD - mức kỷ lục lịch sử. Trong đó, riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước khoảng 2,3 tỷ USD.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự kiến, hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ mang về trên 3 tỉ USD. Trong tổng kim ngạch toàn ngành rau, quả hết năm nay, dự kiến mang về 6,4 tỉ USD; riêng sầu riêng chiếm 50%, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả năm 2024 đặt nhiều kỳ vọng với con số 3,2 tỉ USD.
Sầu riêng đông lạnh - động lực mới cho xuất khẩu trái cây
Cùng với sầu riêng tươi, ngày 19/8/2024, Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc đã mở thêm cánh cửa mới đối với trái sầu riêng Việt Nam.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khi kết thúc đàm phán, nước nhập khẩu sẽ có những yêu cầu, quy định có thể rất khác với cách thức mà nông dân, doanh nghiệp vẫn sản xuất để phục vụ tiêu thụ trong nước.
Trung Quốc xếp sầu riêng đông lạnh và sầu riêng tươi vào 2 nhóm sản phẩm khác nhau. Sầu riêng tươi được quản lý theo cách thức hoa quả tươi, thực hiện quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và thực hiện theo Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng tươi. Do đó, phía Trung Quốc quan tâm cả khâu giám sát sinh vật gây hại từ vùng trồng cho đến các biện pháp kỹ thuật để loại bỏ sinh vật gây hại trong cơ sở đóng gói.
Còn sầu riêng đông lạnh được xem là thực phẩm, phía nước nhập khẩu có cách quản lý khác là theo quy định của Lệnh 248 về quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và Lệnh 249 về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Cục Hải quan Trung Quốc và thực hiện đăng ký cơ sở đóng gói, cơ sở sản xuất thực phẩm tại nước ngoài. Đây là một hình thức quản lý khác hoàn toàn so với quản lý sầu riêng tươi.
Để sầu riêng đông lạnh xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật lưu ý, quy định chung, sầu riêng đông lạnh phải được cấp đông ở nhiệt độ -35 độ C, trong thời gian tối thiểu 1 giờ và sau đó phải được bảo quản lạnh trong suốt quá trình lưu kho, vận chuyển, xuất khẩu ở nhiệt độ -18 độ C. Đây là những điều kiện kỹ thuật mà doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm được và khả thi; đồng thời, khuyến khích các đơn vị đầu tư vào công nghệ mới để chất lượng sản phẩm tốt hơn.
Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng khi vừa gia nhập thị trường xuất khẩu (năm 2022); trong đó, sầu riêng tươi đã đóng góp 40% giá trị xuất khẩu của toàn ngành rau quả tươi. Trong năm 2024, ngành nông nghiệp nhận định sầu riêng tươi xuất khẩu sẽ vượt con số 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, các mặt hàng quả tươi bao giờ cũng có sản phẩm không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu tươi. Do đó, phải chuyển sang bóc múi hoặc cấp đông để xuất khẩu đông lạnh hoặc các dạng chế biến khác. Sầu riêng đông lạnh sẽ là sản phẩm phụ trợ rất quan trọng trong ngành sầu riêng của Việt Nam. Vì thế, Việt Nam đã đàm phán xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc.
Về thế mạnh của sầu riêng đông lạnh, ông Nguyễn Quang Hiếu cho biết, sầu riêng tươi chỉ có 30% là cơm, 70% là hạt, vỏ phải loại bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Người tiêu dùng ở Trung Quốc sẽ sớm chuyển sang sản phẩm đông lạnh, vì nó phù hợp hơn. Sầu riêng đông lạnh có thời gian bảo quản dài, có thể sử dụng luôn hoặc dùng làm nguyên liệu cho sản phẩm khác.
Nhận định sầu riêng đông lạnh xuất khẩu là động lực mới cho xuất khẩu trái cây thời gian tới, theo ông Nguyễn Quang Hiếu, để duy trì phát triển thị trường nhập khẩu trái cây đông lạnh thì các cơ sở đóng gói, vùng trồng, doanh nghiệp cần nắm rõ và tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu. Các nước nhập khẩu cũng có quy định riêng biệt đối với các sản phẩm khác nhau.
"Việc không tuân thủ quy định do chưa nắm bắt được hết những quy định có thể khiến các nước nhập khẩu gửi thông báo không tuân thủ. Sau đó, dẫn đến việc áp dụng các biện pháp cao hơn sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Trong trường hợp bị vi phạm do không đáp ứng được quy định, các doanh nghiệp, vùng trồng, cơ sở đóng gói sẽ bị áp dụng các biện pháp bổ sung. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam", ông Nguyễn Quang Hiếu nhấn mạnh.
Nguyễn Hạnh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/sau-rieng-dong-lanh-dong-luc-moi-cho-xuat-khau-trai-cay-thoi-gian-toi-354321.html