Lo ngại rủi ro bị trả hàng
Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2024, Việt Nam là thị trường cung cấp sầu riêng lớn thứ hai cho Trung Quốc với 736,72 nghìn tấn, chiếm khoảng 47,2% tổng lượng nhập khẩu. Đây là thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất, với lượng xuất khẩu tăng 49,4% so với năm 2023. Giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong năm 2024 cũng đạt gần 2,94 tỷ USD, tăng 37,5%. Tuy nhiên, giá trung bình giảm 8% xuống còn 3.991 USD/tấn.
Sầu riêng cấp đông của Malaysia bày bán tại Trung Quốc. Ảnh: Phan Mến
Đáng chú ý, dù gia tăng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc, nhưng sầu riêng đông lạnh của Việt Nam vẫn chưa ‘chạm chân’ đến thị trường Trung Quốc sau 6 tháng thị trường này được mở cửa.
Sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu bao gồm sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ). Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết, hiện nay đã có những doanh nghiệp của Việt Nam được Trung Quốc công nhận để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp được phê duyệt vẫn còn e dè, chưa xuất khẩu sầu riêng đông lạnh bởi thiếu những hướng dẫn cụ thể quy trình giao hàng, thông quan tại biên giới.
Mỗi lô hàng trị giá 7-8 tỷ đồng (giá trị gấp 3-4 lần sầu riêng tươi), nếu việc xuất khẩu không thuận lợi, không đáp ứng được yêu cầu, quy định của Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm, nếu hàng bị trả về thì doanh nghiệp sẽ thiệt hại rất lớn, cùng với đó là nguy cơ bị tạm dừng xuất khẩu, thu hồi mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
“Hiện sầu riêng đông lạnh Việt Nam đã xuất khẩu đến các thị trường Mỹ, Canada, Australia nhưng chưa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc”, ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ.
Trong khi đó, theo một doanh nghiệp, nhu cầu nhập khẩu sầu riêng đông lạnh của Trung Quốc cũng rất lớn. Khó khăn lớn nhất hiện nay là phải kiểm nghiệm một số chỉ tiêu dư lượng hóa chất theo yêu cầu của Trung Quốc. Trong khi đó, vấn đề dư lượng trong sầu riêng của Việt Nam có khi không đảm bảo. Đây là vấn đề mà doanh nghiệp lo ngại. Một vướng mắc khác đó là việc thương thảo, ngã ngũ hợp đồng và điều kiện giao nhận hàng với đối tác, do mỗi container sầu riêng đông lạnh có giá trị rất lớn.
Sầu riêng đông lạnh Malaysia 'chiếm sóng'
Trao đổi với Báo Công Thương, bà Phan Thị Mến - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn khoa học và công nghệ SUTECH - cho biết, tiêu chuẩn của sầu riêng cấp đông khắt khe hơn nhiều so với sầu riêng tươi, đòi hỏi nhà sản xuất phải tuân thủ tiêu chuẩn HACCP hoặc tương đương như ISO 22000:2018, BRC, FSSC 22000…
Cơ sở chế biến sầu riêng đông lạnh phải đảm bảo phòng, tránh được các mối nguy về vi sinh vật, nấm men, nấm mốc có trong nguyên liệu khi thu hoạch. Quá trình vận chuyển phải tuyệt đối an toàn, không gây úng, thối cho sản phẩm. Đặc biệt, những mối nguy về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng kim loại nặng... tồn dư trong quá trình canh tác phải được kiểm soát, phòng ngừa.
Quá trình tách múi, tách hạt, xay nhuyễn cấp đông cũng yêu cầu cao về việc quản lý, phòng ngừa mối nguy sinh học, hóa học và vật lý để sản phẩm không bị nhiễm vi khuẩn E.Coli, Salmonella…
Về nhà xưởng, nguyên tắc bố trí nhà xưởng phải đảm bảo một chiều, theo đó đường vào của nguyên liệu và đường ra của thành phẩm không cùng một đường để đảm bảo không bị lây nhiễm chéo.
Đối với cơ sở đóng gói sầu riêng cấp đông thì phải đảm bảo quy trình khép kín, chuẩn hóa từ nhân sự tham gia vào quá trình đến quá trình xử lý sản phẩm, ra thành phẩm.
Sầu riêng đông lạnh phải được xử lý ở nhiệt độ -35°C hoặc thấp hơn trong ít nhất 1 giờ cho đến khi nhiệt độ lõi đạt ít nhất -18°C hoặc thấp hơn, và mức nhiệt độ này phải được duy trì trong suốt quá trình bảo quản và vận chuyển.
Trung Quốc là thị trường lớn mà hầu hết tất cả các nước xuất khẩu đều hướng đến. Tuy nhiên để chinh phục thị trường này hoàn toàn không dễ dàng. Bà Phan Thị Mến cho hay, trong trung tâm thương mại, đối với sầu riêng tươi, chủ yếu là sầu riêng Dona của Thái Lan, còn sầu riêng cấp đông chủ yếu là sầu Musangking cấp đông nguyên quả của Malaysia.
Về sầu riêng cấp đông, tại Trung Quốc, người dân cực kỳ ưa chuộng sầu riêng cấp đông nguyên của của Malaysia. Chiến lược của Malaysia là gì để sầu riêng cấp đông của họ được thị trường Trung Quốc tin tưởng như vậy?
Thứ nhất, quốc gia này đặc biệt chú trọng về đầu tư chất lượng, hình thức. Sầu riêng cấp đông nguyên quả của nước này chủ yếu là sầu Musangking tròn đều. Mùi của trái sầu này không bị xộc, hắc như Ri6. Đồng thời trái có hình thức đẹp, bắt mắt. Thứ hai, Malaysia tập trung đẩy mạnh thương hiệu và độ tiếp cận. Malaysia thường xuyên tổ chức lễ hội trái cây tại Trung Quốc. Có thể thấy, sầu riêng của họ đã quá quen thuộc với người dân Trung Quốc.
Việc sầu riêng đông lạnh - mặt hàng chế biến của Việt Nam được kí Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc - đây là cơ hội mới cho sản phẩm chế biến của Việt Nam. Không chỉ sầu riêng mà các mặt hàng nông sản chế biến có nhiều lợi thế. Thời gian bảo quản lâu, giữ được giá trị dinh dưỡng và hương vị… Từ đó giúp tăng giá trị nông sản khi xuất khẩu.
Người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm thời gian, nên các sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến sẽ ngày càng được chú ý. Do đó, việc không ngừng tiếp cận xu thế và thị hiếu của người tiêu dùng; cũng như của thị trường để có những sản phẩm mới đáp ứng kịp thời nhu cầu là điều cần thiết.
Đồng thời, cần thay đổi lối thương mại thuần túy, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, đi sâu vào khoa học chế biến sâu, đẩy mạnh công nghệ… Bởi đây là chiến lược mấu chốt để Việt Nam không chỉ gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn tăng năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững hơn trên thị trường thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.
Về phía Hiệp hội, ông Đặng Phúc Nguyên kiến nghị, cần kiểm soát chặt chất lượng sầu riêng từ gốc. Theo đó, tất cả sầu riêng trước khi cắt bán ra ngoài thị trường đều phải có xét nghiệm Cadimin, vàng O,… đạt tiêu chuẩn mới cho cắt bán. Thay đổi cách làm, minh bạch thông tin, sẽ là cách đi bền vững của ngành hàng này.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có 7 doanh nghiệp của Việt Nam được Trung Quốc công nhận để xuất khẩu. Ngoài ra, có 25 doanh nghiệp khác đã nộp hồ sơ đang chờ phía bạn phê duyệt. Bộ cũng đang tạo mọi điều kiện để thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng đông lạnh trong năm 2025. Về mặt kỹ thuật, tiêu chuẩn xuất khẩu sầu riêng đông lạnh Bộ đã tập huấn, hướng dẫn.
Việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh chỉ còn phụ thuộc vào việc ký kết hợp đồng giữa các doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc. Bộ đã đề nghị với các doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu nếu gặp khó khăn, vướng mắc thì báo cáo để bộ cùng với Tổng cục Hải quan Trung Quốc tháo gỡ.
Nguyễn Hạnh