Sầu riêng nhiễm chất cấm: 'Nếu đất không sạch, trái cũng khó lành'

Sầu riêng nhiễm chất cấm: 'Nếu đất không sạch, trái cũng khó lành'
5 giờ trướcBài gốc
Ngày 22/5, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ NN&MT - thông tin với báo chí về hoạt động cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và những thông tin mới về tồn dư kim loại nặng trong sầu riêng xuất khẩu.
Tìm ra nguyên nhân sầu riêng nhiễm chất cấm
Liên quan đến những thông tin về tồn dư kim loại nặng trong sầu riêng xuất khẩu, ông Huỳnh Tấn Đạt cho biết, ngay khi có cảnh báo từ phía nước nhập khẩu, ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật đã lập tức cử nhiều đoàn kiểm tra tại các vùng trồng trọng điểm. Kết quả ban đầu cho thấy, nguy cơ cao nhất tập trung ở một số địa phương vùng Tây Nam bộ.
Theo phân tích sơ bộ, có 2 nguyên nhân chính dẫn tới tồn dư Cadimi trên sầu riêng vượt ngưỡng.
Thứ nhất, một số vùng có đặc điểm thổ nhưỡng chứa sẵn Cadimi ở mức cao hơn trung bình, đi kèm với độ PH đất thấp làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng lành mạnh, khiến cây hút theo kim loại nặng.
Thứ hai, nhiều vùng trồng mới, nơi người dân còn thiếu kinh nghiệm, đang lạm dụng phân bón hóa học với liều lượng cao gấp nhiều lần khuyến cáo, vô tình làm gia tăng nguy cơ tồn dư.
“Chúng tôi đã khuyến cáo rất rõ: Tuyệt đối không sử dụng phân bón chứa Cadimi. Cần thay đổi cách nghĩ đất là ‘lá phổi’ của cây, nếu đất không sạch, trái cũng khó lành”, ông Đạt nhấn mạnh.
Đoàn kiểm tra Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk thực hiện kế hoạch kiểm tra các cơ sở kinh doanh, đóng gói sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh này. Ảnh: Huỳnh Thủy.
Với chất Vàng O, một loại phẩm màu công nghiệp bị cấm sử dụng trong thực phẩm, ông Đạt khẳng định, sau khi nhận thông báo cảnh báo, các đoàn kiểm tra của ngành đã rà soát tại các vùng trồng sầu riêng bị nghi ngờ và không ghi nhận việc sử dụng chất này trong quy trình canh tác.
Do đó, nếu có tồn dư, khả năng cao là phát sinh ở các khâu trung gian, ngoài phạm vi quản lý của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.
Để làm rõ, đơn vị đã chủ động gửi công văn đề nghị phối hợp với các cơ quan chức năng khác nhằm điều tra toàn diện, từ đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như uy tín sầu riêng Việt trên thị trường quốc tế.
“Nếu không minh bạch và xử lý đến cùng, một lô hàng sai có thể làm mất đi cả thị trường”, ông Đạt nói.
Về năng lực kiểm nghiệm, ông Đạt cho biết hiện cả nước có 12 phòng thử nghiệm Cadimi và 8 phòng thử nghiệm Vàng O, đủ năng lực kiểm tra trên diện rộng.
Tuy nhiên, việc phòng thử nghiệm đặt ở đâu không quan trọng bằng việc tổ chức ra sao để phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp. “Một mùa vụ trái cây có thể lên tới hàng triệu tấn. Câu hỏi không phải là ‘kiểm ở đâu’ mà là ‘kiểm thế nào để nhanh, chuẩn và không làm doanh nghiệp lỡ chuyến thị trường”, ông Đạt bày tỏ.
Ông cũng lưu ý rằng để xây dựng một phòng thử nghiệm đạt chuẩn quốc tế không chỉ cần chi phí, mà còn đòi hỏi năng lực con người và thời gian tích lũy. Chính vì vậy, giải pháp hiện tại là vận hành hiệu quả các phòng đang có, đồng thời tính toán phân bố hợp lý dựa trên nhu cầu sản xuất và xuất khẩu tại từng vùng.
Các biện pháp xử lý tận gốc
Từ đầu năm nay, việc kiểm tra sầu riêng tại các cửa khẩu Trung Quốc được tăng cường. Không ít lô hàng bị kiểm tra bổ sung, thậm chí có lô bị trả lại. Theo ông Đạt, điều này không bất thường mà hoàn toàn nằm trong quy trình kiểm soát chất lượng theo Nghị định thư giữa hai nước.
Điều này bắt buộc Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Ông Đạt nhấn mạnh: "Không thể một ngành, một địa phương hay một doanh nghiệp đơn lẻ đảm đương sứ mệnh nâng cao chất lượng sầu riêng Việt. Tất cả các bên, từ người trồng, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp xuất khẩu, đều phải cùng “đứng chung một chuỗi giá trị”.
Nếu làm tốt, đạt chuẩn, nước nhập khẩu sẽ có cơ sở để giảm tần suất kiểm tra. Khi đó, không chỉ tiết kiệm chi phí mà doanh nghiệp còn gia tăng sức cạnh tranh, tăng tốc độ vào thị trường, tránh dồn ứ, tắc nghẽn ở cửa khẩu.
Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt. Ảnh: Bảo Thắng/NNMT.
Nhằm kiểm soát chất lượng đầu vào và hạn chế tồn dư kim loại nặng trong nông sản, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã triển khai lộ trình kiểm tra chặt chẽ gồm bốn bước. Trước hết, 100% vật tư nông nghiệp phải được kiểm nghiệm theo đúng chỉ tiêu kỹ thuật đã đăng ký. Doanh nghiệp sản xuất, phân phối phân bón phải đảm bảo nhãn mác, hàm lượng và chất lượng đúng thực tế, ngăn ngừa gian lận. Phân bón sau kiểm nghiệm cần được công bố hợp quy, minh bạch cho người dùng. Đồng thời, lực lượng thanh tra địa phương phải tham gia giám sát từ đầu, không đợi đến khi xảy ra sự cố mới kiểm tra.
Tất cả các bước này phải liên kết chặt chẽ, tạo thành một “vành đai kiểm soát” bao quanh cây trồng ngay từ khâu cải tạo đất.
Song song với kiểm soát vật tư, cơ quan có trách nhiệm đang triển khai nhiều mô hình cải tạo đất theo đặc thù từng vùng, hướng tới xử lý tận gốc kim loại nặng trong đất và cây. Ba nhóm giải pháp đang được thử nghiệm gồm: Dùng phân bón chứa biochar để giữ kim loại nặng trong đất; cải tạo độ PH đất giúp cây hấp thu dưỡng chất lành mạnh; luân canh hoặc trồng xen cây có khả năng hấp thu kim loại nặng, sau đó ủ thành phân hữu cơ.
Đây không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà còn là thay đổi tư duy sản xuất. Muốn xuất khẩu bền vững, không thể chỉ chờ “một mùa được giá”.
Nhấn mạnh vai trò của mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, ông Đạt cho biết mỗi mã số là một tài sản, nếu không coi trọng và gìn giữ, nguy cơ mất cả thị trường và thương hiệu là rất rõ ràng.
Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói, toàn bộ đều là mã mới. Như vậy, tính đến hiện tại, Việt Nam đã có 1.396 mã vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói được GACC phê duyệt.
Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đây là kết quả của quá trình phối hợp chặt chẽ giữa Việt Nam và phía Trung Quốc trong việc nâng cao năng lực giám sát, truy xuất nguồn gốc và đảm bảo an toàn thực phẩm trong toàn chuỗi giá trị xuất khẩu sầu riêng.
Thanh Huyền
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/sau-rieng-nhiem-chat-cam-neu-dat-khong-sach-trai-cung-kho-lanh-post1744621.tpo