Sau sáp nhập, 6 thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô lớn thế nào?

Sau sáp nhập, 6 thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô lớn thế nào?
2 ngày trướcBài gốc
Tại Nghị quyết 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Trung ương đã đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương).
Trong đó, 6 thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thành phố Hà Nội; Thành phố Hải Phòng (hợp nhất TP Hải Phòng, tỉnh Hải Dương); Thành phố Huế; Thành phố Đà Nẵng (hợp nhất TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam); Thành phố Hồ Chí Minh (hợp nhất TPHCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); Thành phố Cần Thơ (hợp nhất TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang).
Theo số liệu sơ bộ từ Cục Thống kê, quy mô GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) theo giá hiện hành năm 2023 của TPHCM (gộp cả GRDP của Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu) ước đạt 2.500.589 tỷ đồng, đứng top đầu cả nước và gấp gần 2 lần GRDP của Hà Nội, đồng thời chiếm khoảng 24% GDP cả nước.
Đứng thứ hai là Hà Nội khi GRDP đạt 1.290.576 tỷ đồng. Kế tiếp là Hải Phòng (gộp cả GRDP của Hải Dương) là 582.976 tỷ đồng.
Xếp thứ 4 là Thành phố Cần Thơ (gộp cả GRDP của Sóc Trăng và Hậu Giang), đạt 251.658 tỷ đồng; Thành phố Đà Nẵng (gộp cả GRDP của Quảng Nam) xếp thứ 5 với 250.657 tỷ đồng và xếp cuối trong nhóm này là Thành phố Huế với GRDP đạt 72.771 tỷ đồng.
Theo đó, 6 thành phố này có quy mô GRDP gần 5 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 50% GDP của cả nước trong năm 2023.
Tương tự, tổng thu ngân sách nội địa của 6 thành phố này theo thống kê sơ bộ năm 2023 đạt 911.417,4 tỷ đồng, đóng góp khoảng 62% vào ngân sách quốc gia.
TPHCM tiếp tục dẫn đầu về thu ngân sách nội địa năm 2023, đạt 395.110 tỷ đồng, cao hơn con số 381.449 tỷ đồng của Hà Nội.
Các thành phố còn lại đều có mức thu ngân sách dưới 100.000 tỷ đồng. Cụ thể, Hải Phòng đạt 63.164 tỷ đồng; Đà Nẵng: 39.862,1 tỷ đồng; Cần Thơ: 21.232,4 tỷ đồng; Huế: 10.599,9 tỷ đồng.
Xét về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), theo số liệu sơ bộ năm 2023, vốn FDI đăng ký đầu tư vào TPHCM lên tới hơn 8 tỷ USD, cao nhất trong nhóm 6 thành phố này.
Đứng thứ hai là Hải Phòng với số vốn FDI đăng ký đầu tư năm 2023 đạt hơn 4,93 tỷ USD.
Số vốn FDI đăng ký đầu tư trong năm 2023 tại các thành phố còn lại ghi nhận mức khá khiêm tốn, như: Hà Nội có 643 triệu USD; Đà Nẵng 261,4 triệu USD; Cần Thơ 178,4 triệu USD và Huế chỉ 100 triệu USD.
Về xuất khẩu hàng hóa năm 2023, thống kê sơ bộ từ Cục Hải quan cho thấy, TPHCM tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 79,12 tỷ USD, cao hơn tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội (gần 16,66 tỷ USD), Hải Phòng (trên 36,25 tỷ USD), Đà Nẵng (gần 3,68 tỷ USD), Cần Thơ (gần 3,7 tỷ USD) và Huế (gần 1,12 tỷ USD) cộng lại.
Theo đó, ước tính kim ngạch xuất khẩu của 6 thành phố trực thuộc Trung ương đạt khoảng 140,52 tỷ USD, chiếm 39,61% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong năm 2023.
(Bài viết sử dụng dữ liệu từ Tư liệu kinh tế - xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 2019-2023; số liệu trong Niên giám thống kê năm 2023 của Cục Thống kê; Báo cáo thống kê sơ bộ xuất nhập khẩu của Cục Hải quan; Số liệu thu ngân sách của tỉnh Hải Dương cung cấp và Hải Phòng công bố).
* Trong bài viết, dữ liệu của 6 thành phố trực thuộc Trung ương (sau sáp nhập) được cộng gộp với các tỉnh theo sắp xếp sáp nhập tại Nghị quyết 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa 13.
Tâm An
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/sau-sap-nhap-6-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-co-quy-mo-lon-the-nao-2391923.html