Sau sáp nhập, một tỉnh Tây Bắc trở thành 'thiên đường của dân leo núi'

Sau sáp nhập, một tỉnh Tây Bắc trở thành 'thiên đường của dân leo núi'
5 giờ trướcBài gốc
Fansipan cao 3.143m - "Nóc nhà của Đông Dương"
Fansipan cao 3.143m, nằm ở trung tâm dãy Hoàng Liên Sơn dài 280km. Đây là ngọn núi cao nhất Việt Nam và được mệnh danh là "nóc nhà Đông Dương”.
Fansipan cách Sa Pa khoảng 9km về phía Tây Nam. Nếu tới đây vào mùa xuân, đầu hè, du khách có cơ hội ngắm nhìn những rừng hoa đỗ quyên rực rỡ. Mùa đông, đây là nơi hiếm hoi ở Việt Nam mà du khách có thể ngắm băng tuyết.
Hiện nay, để lên đỉnh Fansipan, du khách có thể lựa chọn leo bộ từ phía Vườn quốc gia Hoàng Liên hoặc đi cáp treo từ ga cáp treo Fansipan.
Hoa đỗ quyên nở rực rỡ trên đỉnh Fansipan, thu hút du khách. Ảnh: Bảo Long
Khu du lịch Fansipan tại Sa Pa (Lào Cai) được World Travel Awards vinh danh là điểm du lịch có thắng cảnh thiên nhiên hàng đầu thế giới 2024.
Nhìu Cồ San cao 2.965m
Nhìu Cồ San trong tiếng H'Mông có nghĩa là "sừng trâu", bởi ngọn núi có hai đỉnh chĩa giữa trời, uốn cong như chiếc sừng khổng lồ. Nhìu Cồ San nằm ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, Lào Cai, cách Sa Pa khoảng 60km.
Nằm ở độ cao 2.965m so với mực nước biển, vài năm gần đây, Nhìu Cồ San là điểm đến thu hút du khách nhờ vẻ đẹp hoang sơ cùng hệ thực vật phong phú.
Mỗi mùa, Nhìu Cồ San có vẻ đẹp riêng. Đầu năm, du khách có thể bắt gặp băng tuyết phủ đỉnh núi. Sang xuân, sắc hoa đỗ quyên rực rỡ trong nắng. Cuối năm, trên đường tới đỉnh núi, lá phong vàng, đỏ đan xen giữa khu rừng nguyên sinh.
Nhìu Cồ San thu hút du khách bởi cảnh quan ấn tượng. Ảnh: Hoàng Thùy Dương
Ngũ Chỉ Sơn cao 2.858m
Ngũ Chỉ Sơn, hay còn gọi là "núi bàn tay", thuộc khu vực đèo Hoàng Liên Sơn, giáp ranh giữa Tam Đường (Lai Châu) và Sa Pa (Lào Cai).
Các dãy núi đá đẹp hùng vĩ, vách đá dựng đứng đầy thách thức, thảm thực vật phong phú và biển mây "vô thực" thường xuất hiện trên đỉnh núi khiến nơi đây được mệnh danh là đệ nhất hùng sơn Tây Bắc.
Nằm ở độ cao 2.858m so với mặt nước biển, Ngũ Chỉ Sơn là đỉnh núi cao thứ 15 của Việt Nam nhưng được đánh giá là cung trekking rất khó.
Khu rừng rêu ma mị trên hành trình chinh phục cung Tà Xùa. Ảnh: NAG Hải Lê Cao
Tà Xùa cao 2.865m
Tà Xùa (Trạm Tấu, Yên Bái) là một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam, có độ cao 2.865m so với mực nước biển.
Vài năm gần đây, Tà Xùa trở thành điểm đến hấp dẫn du khách bởi khung cảnh biển mây ấn tượng, mùa hoa đỗ quyên và khu rừng cổ thụ phủ rêu mang vẻ đẹp ma mị, "có một không hai" ở Việt Nam.
Khu rừng rêu ma mị trên hành trình chinh phục cung Tà Xùa. Ảnh: NAG Hải Lê Cao
Tà Chì Nhù cao 2.979m
Tà Chì Nhù là đỉnh núi cao nhất của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái và là đỉnh núi cao thứ 6 ở Việt Nam, nằm trong khối Pú Luông thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn.
Đỉnh núi này còn được ví là "nóc nhà" của tỉnh Yên Bái, hàng năm thu hút lượng lớn du khách đam mê leo núi tới trekking, săn mây hay chiêm ngưỡng mùa hoa chi pâu (tên gọi khác là cỏ mật rồng).
Thời điểm thích hợp để chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù là khoảng từ tháng 9 đến tháng 4 dương lịch năm sau.
Biển mây bồng bềnh ở "nóc nhà Yên Bái". Ảnh: Thừa Hòa
Lùng Cúng cao 2.913m
Đỉnh Lùng Cúng thuộc bản Lùng Cúng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, nằm trong top 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, hút khách leo núi do cảnh đẹp, địa hình dễ leo với độ dài 20km.
Đây cũng là nơi lý tưởng để ngắm hoàng hôn, bình minh giữa biển mây với tầm nhìn 360 độ.
Linh Trang
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/sau-sap-nhap-mot-tinh-tay-bac-tro-thanh-thien-duong-cua-dan-leo-nui-2393139.html