Sau sáp nhập, những tiền đề thuận lợi cho Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh Tạ Việt Hùng

Sau sáp nhập, những tiền đề thuận lợi cho Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh Tạ Việt Hùng
8 giờ trướcBài gốc
Theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, sau khi sắp xếp tỉnh Bắc Ninh có diện tích tự nhiên là 4.718,60 km2, quy mô dân số là 3.619.433 người.
Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Bắc Ninh (mới) là thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang (cũ). Tỉnh Bắc Ninh giáp các tỉnh Hưng Yên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, thành phố Hải Phòng và thành phố Hà Nội.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức hội nghị công bố các quyết định bổ nhiệm Giám đốc, Trưởng các sở, ngành. Theo đó, ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang (trước khi hợp nhất hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh) giữ chức vụ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh. [1]
Ông Tạ Việt Hùng (sinh năm 1971) quê ở xã Thanh Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (cũ); trình độ chuyên môn Thạc sĩ quản lý giáo dục, cao cấp lý luận chính trị.
Ông được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang (cũ) từ năm 2021.
Trước đó, ông Tạ Việt Hùng từng trải qua các cương vị công tác như Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua, khen thưởng huyện, Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy, Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hiệp Hòa. [2]
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh, sau sắp xếp có 9 phòng, giảm 8 phòng; có 80 đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngoài Giám đốc Sở, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh có 7 Phó Giam đốc gồm ông/bà: Đào Thị Hường, Bạch Đăng Khoa, Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang (cũ); và các cán bộ: Nguyễn Hữu Bình, Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Vinh Thanh, Đoàn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh (cũ) giữ chức Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh.
Ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh (thứ hai từ bên phải sang). Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh.
Những thành tích ấn tượng về giáo dục và đào tạo của 2 tỉnh trước khi sáp nhập
Những năm gần đây cả 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang (trước khi sáp nhập) đều có bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, công nghiệp, dịch vụ thương mại, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Ngành giáo dục của 2 tỉnh cũng có nhiều thành tích đáng ghi nhận, tạo tiền để tiếp tục nâng cao chất lượng sau sáp nhập.
Đối với tỉnh Bắc Ninh (cũ), nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngành giáo dục Bắc Ninh đã thực hiện đạt và vượt 6/6 chỉ tiêu và là một trong những Đảng bộ về đích sớm trong triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ 20.
Trong đó, bốn chỉ tiêu vượt so với nghị quyết đã đề ra gồm: Tỷ lệ trẻ mầm non được học bán trú (đạt 99,7%); Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông bình quân hằng năm (đạt 99,5%); Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng được chăm sóc, nuôi dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non (đạt dưới 3,0%); Trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (đạt 87,2%).
2 chỉ tiêu thực hiện đạt so với nghị quyết gồm: 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; 100% học sinh phổ thông học môn Ngoại ngữ bắt buộc, (riêng đối với lớp 1, lớp 2 học tiếng Anh là môn học tự chọn đạt 83,8%).
Bắc Ninh là địa phương có phong trào giáo dục phát triển mạnh cả về quy mô, chất lượng và cơ cấu giáo dục. Các chỉ số tiếp cận và phổ cập giáo dục của tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, tỉnh đã triển khai đồng bộ mục tiêu và chuẩn đầu ra cho các bậc học.
Công tác bồi dưỡng đội ngũ cho cán bộ quản lý, giáo viên được chú trọng, tăng về số lượng, bảo đảm về chất lượng và ngày càng đồng bộ về cơ cấu. Bắc Ninh hiện có hơn 19.000 biên chế cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên trường học với tỷ lệ cán bộ giáo viên đạt chuẩn trình độ là 97,7%.
Đáng chú ý, từ năm học 2022-2023, tỉnh đã hỗ trợ miễn học phí cho 100% học sinh mầm non và phổ thông.
Song song với đầu tư cơ sở vật chất, việc nâng cao chất lượng dạy và học được đặc biệt chú trọng. Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện linh hoạt, sáng tạo theo kế hoạch và lộ trình của Bộ. Công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong quản lý và dạy học được tăng cường đáp ứng yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Kết quả, ngành đạt nhiều kết quả tích cực với chất lượng giáo dục năm sau cao hơn năm trước ở cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Điểm bình quân các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông xếp từ thứ 26 năm 2020, lên thứ 19 trong năm 2021 và đã có sự chuyển biến, giữ ổn định top 5 toàn quốc trong hai năm học 2023, 2024. Tỷ lệ thí sinh được công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông hằng năm bình quân đạt 99,51%.
Giai đoạn 2020-2025, học sinh Bắc Ninh đạt 427 giải học sinh giỏi quốc gia. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 23 lượt học sinh tham gia các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, trong đó có 18 học sinh đạt giải. [3]
Ảnh minh họa: sgd.bacgiang.gov.vn
Về phía tỉnh Bắc Giang (cũ), trong năm học 2024-2025 chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn đạt thành tích xuất sắc. Việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho các lớp cuối cấp 5, 9, 12 được thực hiện bài bản, hiệu quả.
Đặc biệt, tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tỉnh Bắc Giang đã giành 99 giải, xếp thứ 4 toàn quốc. Thành tích này đã xác lập kỷ lục mới cho tỉnh cả về số lượng và chất lượng giải, với 3 kỷ lục: tổng số giải nhiều nhất, số giải Nhất nhiều nhất và vị trí thứ hạng cao nhất từ trước tới nay. Toàn tỉnh cũng có 4 học sinh được chọn vào vòng 2 thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế.
Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Công tác tuyển dụng, bồi dưỡng, quy hoạch được thực hiện công khai, minh bạch.
Tỉ lệ giáo viên trên lớp ở các cấp học (Mầm non: 1,92; Tiểu học: 1,46; Trung học cơ sở: 1,87; Trung học phổ thông: 2,24) cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ưu tiên cho các môn học mới. Công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ quản lý được thực hiện nghiêm túc, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị nhà trường.
Công tác đầu tư cơ sở vật chất, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục là điểm sáng. Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp toàn tỉnh đạt 97,6%, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 95,7%, nằm trong tốp dẫn đầu toàn quốc.
Hạ tầng số được đầu tư mạnh mẽ với trên 10.618 phòng học được trang bị Smart TV, 100% cơ sở giáo dục có mạng wifi. Việc triển khai học bạ số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý, dạy học được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn ngành.
Công tác tham mưu, quản lý nhà nước tiếp tục được đổi mới, chủ động, hiệu quả. Các chỉ số quan trọng của ngành được duy trì ở mức cao. Kết quả công tác cải cách hành chính năm 2024 xếp thứ 1/20; mức độ chuyển đổi số xếp thứ 2/20; hệ thống ISO xếp thứ 2/28 đơn vị toàn tỉnh.
Đặc biệt, ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang 2 năm liên tục vinh dự được Chính phủ tặng Cờ thi đua (2023, 2024). [4]
Những nhiệm vụ giáo dục cần ưu tiên
Bên cạnh những thuận lợi và thành tích nổi bật mà ngành giáo dục của tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang đã đạt được, còn có một số khó khăn cần Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh (mới) tập trung giải quyết.
Bắc Ninh là tỉnh có tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, đứng thứ 2 cả nước và tăng quy mô dân số hộ gia đình tạo áp lực lớn cho hệ thống cơ sở vật chất trường lớp. Sĩ số, tỷ lệ học sinh/lớp ở một số cơ sở giáo dục tại một số địa phương còn cao, tình trạng thiếu giáo viên ở một số cấp học.
Cùng với đó, tình trạng cũ hóa trường lớp do đã xây dựng nhiều năm trước, là vấn đề đặt ra đang đặt ra cho ngành giáo dục. Đặc biệt, tỷ lệ trường ngoài công lập còn thấp (chỉ chiếm 7,9%); công tác xã hội hóa nhằm phát triển mô hình trường ngoài công lập chất lượng cao còn hạn chế… [5]
Về phía tỉnh Bắc Giang (cũ), ngành giáo dục vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục như tỷ lệ giáo viên ở một số cấp học, môn học còn thiếu; tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ở một số địa phương còn chậm; việc đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục kỹ năng sống chưa thực sự đồng đều; tình trạng bạo lực học đường tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn còn xảy ra phức tạp.
Trong Hội nghị tổng kết năm học 2024-2025 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2025-2026 của tỉnh Bắc Giang (cũ), 7 nhiệm vụ trọng tâm đã được đặt ra khi năm học 2025-2026 diễn ra trong bối cảnh có ý nghĩa lịch sử đặc biệt - năm học đầu tiên ngành giáo dục tỉnh Bắc Ninh mới (sau sáp nhập) đi vào hoạt động.
Một là, ưu tiên hàng đầu cho công tác sáp nhập, ổn định tổ chức, bộ máy và hoạt động của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh mới. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất. Ngành sẽ tập trung rà soát, tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách mới sau hợp nhất, đặc biệt là các chính sách vượt trội để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho học sinh, giáo viên.
Đồng thời, chủ động rà soát, xây dựng, thống nhất các đề án, kế hoạch, quy chế chung để áp dụng trên toàn tỉnh mới ngay từ đầu năm học, đảm bảo không có sự xáo trộn, gián đoạn. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương để rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, đội ngũ một cách khoa học, hợp lý, đảm bảo ổn định và tối ưu hóa nguồn lực.
Hai là, tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Nâng cao chất lượng dạy và học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chú trọng công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng sau trung học cơ sở và trung học phổ thông, gắn giáo dục nhà trường với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh công nghiệp. Triển khai dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Ba là, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số làm động lực, tạo đột phá. Triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy. Tăng cường đổi mới hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, đổi mới sinh hoạt chuyên môn, triển khai sâu rộng giáo dục STEM. Xây dựng, hoàn thiện Đề án từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Bốn là, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý của tỉnh Bắc Ninh mới đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn về trình độ và tâm huyết với nghề. Tiếp tục thực hiện lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo, đồng thời phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ đặc thù nhằm thu hút và giữ chân giáo viên giỏi.
Năm là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đẩy mạnh chuyển đổi số. Ưu tiên nguồn lực để xóa bỏ sự chênh lệch về điều kiện cơ sở vật chất giữa các vùng miền. Hoàn thiện hệ sinh thái giáo dục số dùng chung cho toàn tỉnh mới, từ hệ thống quản lý, cơ sở dữ liệu đến kho học liệu số.
Sáu là, đổi mới công tác khảo thí, kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục. Giữ vững và nâng cao thành tích trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi học sinh giỏi quốc gia, phấn đấu nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Bảy là, tăng cường kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong trường học. Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, quyết tâm đẩy lùi bạo lực học đường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho các cơ sở giáo dục [4].
Việc sáp nhập tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang mở ra nhiều cơ hội phát triển giáo dục, phát huy tiềm lực của 2 đơn vị vốn có nhiều thành tích xuất sắc. Mặc dù vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn cần giải quyết nhưng phía lãnh đạo đã có những chỉ đạo để nhanh chóng ổn định và vận hành bộ máy mới.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://bacninh.gov.vn/news/-/details/37632/ubnd-tinh-cong-bo-cac-quyet-inh-bo-nhiem-giam-oc-truong-cac-so-nganh-672441
[2] https://sgd.bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/ygLgruflAjDS/content/-ong-chi-ta-viet-hung-lam-giam-oc-so-giao-duc-va-ao-tao-bac-giang-tu-ngay-01-12-2021
[3] https://bacninh.edu.vn/tin-tuc-su-kien/giao-duc-bac-ninh-nhiem-ky-an-tuong.html
[4] https://sgd.bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/ygLgruflAjDS/content/nganh-giao-duc-va-ao-tao-bac-giang-tong-ket-nam-hoc-2024-2025-voi-nhieu-thanh-tuu-ruc-ro-san-sang-cho-nam-hoc-2025-2026-lich-su
[5] https://nhandan.vn/bac-ninh-doi-moi-sang-tao-tiep-tuc-nang-cao-chat-luong-giao-duc-va-dao-tao-post827144.html
Gia Hân
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/sau-sap-nhap-nhung-tien-de-thuan-loi-cho-giam-doc-so-gddt-bac-ninh-ta-viet-hung-post252533.gd