Phát biểu tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Dự kiến, sẽ hoàn thành toàn bộ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 30/6, hoàn thiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh hoàn thành trước 30/8. [1]
Việc hoàn thành sáp nhập đơn vị hành chính đặt ra yêu cầu về kế hoạch bố trí, tuyển dụng và đảm bảo quyền lợi cho sinh viên sư phạm theo diện đặt hàng, căn cứ theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm (nay được sửa đổi bởi Nghị định 60/2025/NĐ-CP).
Sáp nhập tỉnh mở ra cơ hội mới cho sinh viên sư phạm
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Phiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa chia sẻ: "Theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, việc đào tạo giáo viên có thể thực hiện theo các phương thức: giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đào tạo theo nhu cầu xã hội. Sinh viên được hưởng hỗ trợ theo Nghị định này sẽ được cấp kinh phí để đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu sau khi tốt nghiệp không làm việc theo cam kết ban đầu, các em sẽ phải hoàn trả toàn bộ khoản hỗ trợ đã nhận.
Hiện nay, việc tuyển dụng giáo viên được thực hiện theo quy định của Bộ Nội vụ. Do đó, dù có cơ chế đặt hàng hay giao nhiệm vụ trong đào tạo, khi tham gia tuyển dụng, thí sinh vẫn phải trải qua quy trình tuyển dụng công khai, không có cơ chế ưu tiên riêng.
Sau 4 năm thực hiện, khoảng tháng 5-6/2025, khóa sinh viên trình độ đại học đầu tiên được tuyển sinh đào tạo theo Nghị định 116 sẽ tốt nghiệp. Trong bối cảnh sáp nhập tỉnh sẽ có những điều chỉnh về địa giới hành chính, nhưng các em sinh viên không cần quá lo lắng. Sự thay đổi này có thể tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, mở rộng khả năng bố trí và tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.
Khi quy mô địa phương mở rộng, quá trình sáp nhập còn tạo điều kiện phân bổ lại nhân lực, giảm tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa cục bộ. Vì vậy, sinh viên sư phạm sẽ có thêm lựa chọn về việc làm.
Ngoài ra, các chính sách phát triển giáo dục có thể được đầu tư mạnh hơn, cải thiện cơ hội nghề nghiệp và điều kiện làm việc. Việc thống nhất quy trình tuyển dụng cũng giúp sinh viên tiếp cận cơ hội dễ dàng hơn, đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả trong việc tìm kiếm việc làm".
Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa cho biết thêm, hiện tại, nhà trường đang triển khai việc khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Đây sẽ là một trong những kênh thông tin quan trọng để nhà trường giới thiệu việc làm phù hợp cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp.
Trường Đại học Khánh Hòa sẽ luôn đồng hành cùng sinh viên trong suốt quá trình học tập cũng như sau khi tốt nghiệp, nhằm đảm bảo các em có cơ hội việc làm phù hợp, tránh việc phải hoàn trả kinh phí đào tạo. Nhà trường không chỉ hỗ trợ các em trong việc tiếp cận các chính sách, chế độ đãi ngộ mà còn cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tìm kiếm việc làm.
Tiến sĩ Phan Phiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa. (Ảnh: NVCC).
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Quách Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Việc sắp xếp bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương là một chính sách vô cùng đúng đắn, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giảm chi phí và cải thiện chất lượng phục vụ. Trong bối cảnh đó, việc tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là xu hướng tất yếu, và ngành giáo dục cũng không ngoại lệ. Điều đó đồng nghĩa với việc tuyển dụng giảng viên, cán bộ, viên chức tại các cơ sở giáo dục sẽ có sự điều chỉnh và ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của các sinh viên sư phạm được hỗ trợ học phí theo Nghị định 116.
Hiện tại, mỗi năm Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh dành khoảng 60 tỷ đồng cho quỹ học bổng nhằm giảm bớt áp lực tài chính cho sinh viên, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, nhà trường còn hợp tác với một số doanh nghiệp trong và ngoài nước để xây dựng thêm quỹ học bổng, quỹ này cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ sinh viên sư phạm thuộc diện hưởng chính sách theo Nghị định 116 nhằm tạo điều kiện cho các em hoàn thành chương trình học và thực hiện nghĩa vụ công tác trong ngành giáo dục theo cam kết.
Đối với sinh viên sắp tốt nghiệp, đơn vị đặt hàng đào tạo và cấp kinh phí chủ yếu đến từ tỉnh Long An. Nhà trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với tỉnh để đảm bảo hỗ trợ tối đa cho sinh viên theo diện này”.
Tiến sĩ Quách Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC).
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Trương Đình Thăng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị cho rằng, dù việc sáp nhập tỉnh dù có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, địa giới hành chính, sinh viên vẫn cần tuân thủ đầy đủ các quy định của Nghị định 116. Điều này giúp duy trì sự ổn định và hiệu quả trong quá trình thực hiện chính sách, đồng thời đảm bảo quyền lợi của sinh viên trong mọi tình huống. Không chỉ vậy, còn góp phần đảm bảo nguồn nhân lực cho ngành, đặc biệt ở các địa phương đang thiếu giáo viên.
Đảm bảo quyền lợi của người học
Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, những thay đổi sắp tới sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nghĩa vụ và trách nhiệm của sinh viên đối với các quy định đã được đề ra. Việc sáp nhập tỉnh có thể mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, khi phạm vi tuyển dụng mở rộng, nhu cầu nhân lực có khả năng gia tăng. Đây là cơ hội để các đơn vị tuyển dụng tiếp cận nguồn nhân lực đa dạng hơn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tìm kiếm công việc phù hợp với chuyên môn và định hướng nghề nghiệp.
Ở thời điểm hiện tại, sinh viên không cần quá lo lắng, các em nên tập trung hoàn thành chương trình học cũng như trau dồi thêm nhiều kỹ năng khác để sẵn sàng thích nghi với những điều chỉnh có thể xảy ra trong tương lai.
Tiến sĩ Trương Đình Thăng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. (Ảnh website nhà trường).
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, khi sáp nhập có thể dẫn đến việc giảm chỉ tiêu tuyển dụng và vị trí việc làm, nhà trường sẽ có những phương án hỗ trợ sinh viên tìm cơ hội ở các tỉnh khác đang thiếu giáo viên. Thực tế cho thấy, tình trạng cung – cầu giáo viên giữa các địa phương vẫn chưa cân đối, có nơi thừa giáo viên nhưng cũng có khu vực thiếu hụt nhân lực ở một số bộ môn. Vì vậy, nhà trường hoàn toàn có thể hỗ trợ để sinh viên tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp trong ngành giáo dục.
Nhà trường sẽ phối hợp với các địa phương đặt hàng để hỗ trợ sinh viên, tạo điều kiện cho các em sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận các nhiệm vụ liên quan đến ngành giáo dục tại địa phương. Đồng thời, thông qua việc hợp tác với một số tỉnh khác, nhà trường cũng sẽ hỗ trợ sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp trong lĩnh vực giáo dục.
Theo Tiến sĩ Quách Thanh Hải, để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên ngành sư phạm theo đúng cam kết về bố trí việc làm sau khi sáp nhập tỉnh, cần có những giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, các địa phương cần rà soát lại tình trạng thừa, thiếu giáo viên một cách một cách chính xác và công khai số liệu cụ thể. Với số lượng tuyển sinh hàng năm theo đơn đặt hàng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số sinh viên tốt nghiệp hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu thực tế.
Thứ hai, nếu địa phương đặt hàng ban đầu không còn vị trí tuyển dụng, cần có cơ chế cho phép sinh viên được tuyển dụng tại các địa phương khác đang thiếu giáo viên. Dù không đặt hàng từ đầu, nhưng nếu có nhu cầu, địa phương vẫn có thể tiếp nhận sinh viên đã được đào tạo. Điều này đảm bảo rằng nguồn nhân lực đã được đầu tư bởi ngân sách nhà nước được sử dụng hiệu quả, đồng thời mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên.
Thứ ba, cần có chính sách đào tạo bổ sung cho sinh viên sư phạm để đáp ứng nhu cầu thực tế của ngành giáo dục. Ví dụ, nếu số lượng giáo viên Sư phạm tiếng Anh đang thiếu hụt, trong khi một số ngành khác thừa, nhà trường có thể triển khai chương trình đào tạo bổ sung một số học phần chuyên môn để sinh viên có thể giảng dạy những môn học đang có nhu cầu cao. Điều này giúp tận dụng nguồn nhân lực hiện có và đáp ứng tốt hơn sự phân bổ giáo viên giữa các địa phương.
Trong trường hợp tất cả các giải pháp trên đều không khả thi và sinh viên vẫn không có được vị trí việc làm phù hợp, khi đó, cần xem xét đến phương án thu hồi khoản kinh phí nhà nước đã hỗ trợ, bao gồm học phí và chi phí sinh hoạt.
Tuy nhiên, trên tinh thần tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, cần ưu tiên tối đa việc sử dụng những sinh viên đã được đào tạo. Việc đào tạo giáo viên không chỉ cần chi phí lớn mà còn được thực hiện với quy trình tuyển chọn khắt khe nhằm đảm bảo đầu ra chất lượng. Thay vì để lãng phí nguồn lực, cần có chính sách phù hợp để tận dụng đội ngũ này một cách hiệu quả nhất.
Sinh viên Trường Đại học Khánh Hòa trong một buổi sinh hoạt chung. (Ảnh: website nhà trường).
Để chính sách đào tạo sư phạm phù hợp với tình hình thực tế sau khi các tỉnh sáp nhập và đảm bảo sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng theo đúng cam kết ban đầu, Tiến sĩ Quách Thanh Hải đề xuất các địa phương thực hiện khảo sát, đánh giá kỹ lượng về nhu cầu thực tế. Việc đặt hàng cần chính xác, bám sát tình hình nhân lực giáo dục tại địa phương, tránh tình trạng đào tạo không đúng nhu cầu, gây lãng phí nguồn lực.
Ngoài ra, cần tăng cường kết nối giữa nhu cầu tuyển dụng của địa phương và khả năng đào tạo của các trường sư phạm. Việc này giúp công tác đào tạo trở nên linh hoạt, sát với thực tế hơn, đồng thời nâng cao cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm của các bên trong việc bố trí việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp. Nếu sinh viên đã hoàn thành chương trình đào tạo nhưng không được bố trí vị trí việc làm theo cam kết ban đầu, cần có cơ chế xử lý cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho họ. Trách nhiệm này cần được xác định rõ ràng giữa các bên liên quan, tránh tình trạng đùn đẩy.
Tài liệu tham khảo:
1. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tap-trung-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-tinh-to-chuc-lai-cap-xa-119250318153756609.htm
Khánh Hòa