Ngày 14-5, phát biểu thảo luận về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề xuất tăng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh.
Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu thảo luận sáng 14-5. Ảnh: Phạm Thắng
Lý giải về đề xuất này, ông Hòa cho biết sắp tới thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính, có 2-3 tỉnh sẽ sáp nhập với nhau, tăng về cả diện tích và dân số. Khối lượng công việc phải điều hành, giải quyết ở quy mô cấp tỉnh sẽ tăng lên. Do đó, đại biểu Hòa kiến nghị tăng số lượng Phó Chủ tịch cả HĐND và UBND để đảm bảo yêu cầu công việc.
Về việc cho phép UBND cấp xã thành lập Trung tâm hành chính công, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cân nhắc, nên thành Trung tâm hành chính công liên khu vực trực thuộc UBND tỉnh. Đại biểu nêu ví dụ mô hình tại Hà Nội đang triển khai rất tốt, nếu mỗi xã đều thành lập một trung tâm hành chính công là không cần thiết, bởi có xã không sáp nhập, quy mô nhỏ sẽ gây lãng phí.
Góp ý vào dự thảo luật về nội dung phân cấp, phân quyền, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng dự thảo luật đã thể hiện rõ tinh thần này và đề cao trách nhiệm của UBND, đặc biệt là trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, cấp phường. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần thiết phải làm rõ thêm các cơ chế kiểm soát và trách nhiệm giải trình của UBND các cấp.
Ông kiến nghị bổ sung quy định bắt buộc về công khai, minh bạch các quyết định của chính quyền địa phương, đặc biệt là những quyết định liên quan đến ngân sách, đất đai, đầu tư. Đặc biệt, cần tăng cường số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, cũng như tăng cường hoạt động giám sát của HĐND, nhất là cấp địa phương.
Bởi theo đại biểu Trịnh Xuân An, khối lượng nhiệm vụ của UBND cấp xã là rất lớn, nếu không tăng cường cơ chế giám sát của HĐND, nhất là tăng cường đại biểu chuyên trách thì sẽ khó phát huy quyền và nghĩa vụ của cơ quan dân cử ở địa phương.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng tham gia thảo luận về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: Phạm Thắng
Theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định), tại điểm G khoản 2 điều 11 dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương: Những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 2 đơn vị hành chính cấp cơ sở trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp tỉnh, những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước ở trung ương, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội có quy định khác.
Ông Dũng cho biết trên thực tế có 2 xã giáp nhau, thuộc địa giới của 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh, có những vấn đề liên quan đến nhau như khói bụi bay từ xã này sang xã kia, kè sông xã này gây sạt lở bờ sông xã kia, nếu những vụ việc như thế phải đưa lên các cơ quan trên trung ương giải quyết theo quy định của dự thảo luật, sẽ rất phức tạp, tốn kém về thời gian, phải huy động nhiều cơ quan tổ chức tham gia, trong khi những việc này thì chính quyền hai xã, hai tỉnh có thể giải quyết được.
Ở góc độ khác, theo đại biểu Dũng, quy định như dự thảo luật sẽ tạo ra việc chính quyền cấp xã đẩy việc lên chính quyền cấp tỉnh, cấp tỉnh lại đẩy lên trung ương, mà không chịu giải quyết ngay từ đầu, không phát huy được tính chủ động trong phục vụ nhân dân, không thể hiện mục tiêu của luật là xây dựng chính quyền gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân.
Do đó, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị biện pháp giải quyết đơn giản hơn với trường hợp này theo phương châm địa phương quyết, địa phương thực hiện, địa phương chịu trách nhiệm.
Minh Chiến - Văn Duẩn