Quốc dự kiến có 7 ủy bản và Hội đồng Dân tộc sau sắp xếp. Ảnh: quochoi.vn
Chiều 6-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn, số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, TTXVN đưa tin.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Quốc hội sẽ có 8 cơ quan, gồm Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban.
Cụ thể, một số ủy ban được sáp nhập, gồm Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp thành Ủy ban Pháp luật - Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách thành Ủy ban Kinh tế - Tài chính; Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thành Ủy ban Văn hóa - Xã hội.
Ủy ban Đối ngoại giải thể, nhiệm vụ chuyển về Ủy ban Quốc phòng - An ninh (đổi tên thành Ủy ban Quốc phòng, An ninh - Đối ngoại), Văn phòng Quốc hội và Bộ Ngoại giao. Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu trực thuộc Thường vụ Quốc hội được nâng cấp thành Ủy ban Dân nguyện và Giám sát, Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội.
Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội gồm chủ tịch/chủ nhiệm, phó chủ tịch/phó chủ nhiệm và ủy viên, với thành phần là đại biểu Quốc hội chuyên trách và kiêm nhiệm. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban do Quốc hội bầu, các phó chủ tịch, phó chủ nhiệm và ủy viên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng không quy định cứng số lượng, tên gọi cơ quan của Quốc hội trong luật giúp linh hoạt điều chỉnh, phù hợp với yêu cầu sắp xếp bộ máy và đổi mới lập pháp.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, ngoài việc kết thúc Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội, cơ cấu cơ quan Quốc hội cơ bản không thay đổi. Ông lưu ý luật chỉ nên quy định nguyên tắc chung còn chi tiết do luật chuyên ngành điều chỉnh.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết đa số ý kiến tán thành dự thảo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức các cơ quan của Quốc hội.
Theo ông, có ý kiến đề nghị giữ quy định rõ số lượng, tên gọi các Ủy ban trong Luật Tổ chức Quốc hội để đảm bảo địa vị pháp lý và thay thuật ngữ “cơ quan chuyên môn của Quốc hội” bằng “cơ quan của Quốc hội”.
Các đại biểu cơ bản đồng tình với phương án sắp xếp nhưng cho rằng “cơ quan chuyên môn của Quốc hội” chưa phù hợp, đề nghị không gọi là cơ quan chuyên môn của Quốc hội mà để là các cơ quan của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng ý dùng tên gọi “cơ quan của Quốc hội” và cho biết cần phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn giữa Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước trong xây dựng pháp luật.
Ông cũng lưu ý sự liên quan giữa Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, yêu cầu quy định rõ phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn để đảm bảo hiệu quả quản lý.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với nguyên tắc phân định thẩm quyền của Hội đồng và Ủy ban, đồng thời đề nghị tạm giữ ổn định một số lĩnh vực như tôn giáo, thẩm tra điều ước quốc tế để tránh xáo trộn. Hồ sơ dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và tài liệu kèm theo đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Gia Nghi