Sau tín hiệu tích cực từ đàm phán thương mại, Maybank và UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam

Sau tín hiệu tích cực từ đàm phán thương mại, Maybank và UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam
8 giờ trướcBài gốc
Theo các tính toán mới nhất, nhiều tổ chức tài chính quốc tế như Maybank Research và UOB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 theo chiều hướng tích cực.
Cụ thể, Maybank điều chỉnh tăng dự báo GDP năm nay từ mức 6,2% lên 7,3%. Tương tự, ngân hàng UOB cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 thêm 0,93 điểm phần trăm lên mức 6,93%, cao hơn so với dự báo trước đó là 6,0%. Tăng trưởng GDP quý 3 và quý 4/2025 dự kiến ở mức khoảng 6,4%.
Trong điều kiện này, dòng vốn FDI thực hiện dự kiến sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD trong năm nay.
Tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam dự kiến đạt 6,93%, tăng 0,93 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, theo UOB
Các dự báo lạc quan này được củng cố sau khi Tổng cục Thống kê công bố dữ liệu GDP quý 2/2025 vào ngày 5/7, cho thấy kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,96% so với cùng kỳ, vượt xa dự báo 6,85% của Bloomberg và cả dự báo nội bộ 6,1%. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 7,52%, mức cao nhất kể từ năm 2011.
Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ việc doanh nghiệp đẩy mạnh đơn hàng trong giai đoạn 90 ngày hoãn thuế đối ứng của Mỹ. Xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 14,4% đạt 219 tỷ USD, nhập khẩu tăng 17,9% đạt 212 tỷ USD. Các mặt hàng dẫn đầu là máy tính và linh kiện (tăng 42% đạt 47,7 tỷ USD), điện thoại (giảm 1,1% đạt 26,9 tỷ USD) và máy móc thiết bị (tăng 16,3% đạt 27 tỷ USD). Ba nhóm ngành này chiếm khoảng 46% tổng kim ngạch xuất khẩu nửa đầu năm.
Tuy vậy, dữ liệu PMI ngành sản xuất vẫn chưa cho thấy sự phục hồi rõ rệt. Chỉ số PMI tháng 6 đạt 48,9 điểm, vẫn dưới ngưỡng 50 điểm. Trong 7 tháng gần nhất, chỉ một lần PMI vượt 50 điểm là vào tháng 3/2025, cho thấy hoạt động sản xuất vẫn chịu áp lực lớn từ thực trạng đơn hàng mới suy giảm.
FDI giải ngân trong nửa đầu năm đạt 11,7 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ 2021. Trong đó, ngành chế biến chế tạo chiếm 81,6%, đạt 9,56 tỷ USD; bất động sản đứng thứ hai với 932,2 triệu USD. Chính phủ đặt mục tiêu thu hút 27–28 tỷ USD FDI giải ngân và 38–40 tỷ USD FDI đăng ký trong năm 2025. Tuy nhiên, với bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu và các mức thuế mới từ Mỹ, mục tiêu này sẽ cần sự linh hoạt và điều chỉnh chiến lược từ cả Chính phủ lẫn cộng đồng doanh nghiệp để duy trì đà tăng trưởng bền vững.
Về khía cạnh thương mại, trong thông báo mới nhất được Tổng thống Donald Trump tuyên bố vào ngày 2/7, Mỹ và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận sơ bộ, trong đó hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ sẽ chịu mức thuế 20%, còn hàng hóa trung chuyển sẽ bị áp 40% - thấp hơn đáng kể so với mức 46% công bố ban đầu. Đổi lại, Việt Nam cam kết gỡ bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Mỹ.
Đây được xem là một tín hiệu tích cực cho quan hệ thương mại song phương, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là đối với thị trường Mỹ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những điểm chưa rõ ràng, đặc biệt liên quan đến khái niệm “hàng trung chuyển”. Chi tiết đầy đủ về thỏa thuận vẫn chưa được công bố và chưa có thông báo chính thức từ phía chính phủ hai nước.
Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Mỹ
Một trong những nội dung mấu chốt trong quá trình đàm phán tiếp theo sẽ là cách xác định cụ thể thế nào là hàng hóa trung chuyển, cũng như tỷ lệ giá trị nội địa hóa để được công nhận là “sản xuất tại Việt Nam”. Nếu mức yêu cầu nội địa hóa cao (40–50% trở lên), điều này có thể gây khó khăn cho ngành sản xuất còn non trẻ của Việt Nam vốn dựa vào lực lượng lao động dồi dào với chi phí thấp, thay vì công nghệ sản xuất tiên tiến. Ngược lại, nếu yêu cầu ở mức vừa phải (20–30% hoặc thấp hơn), doanh nghiệp Việt có thể thích ứng tốt hơn.
Về dài hạn, xu hướng siết chặt giám sát hàng hóa trung chuyển của Mỹ được cho là sẽ thúc đẩy các nhà cung ứng đầu chuỗi và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất tại Việt Nam, qua đó xây dựng chuỗi cung ứng bền vững hơn. Song song với đó, việc gỡ bỏ thuế nhập khẩu của Việt Nam đối với hàng hóa Mỹ có thể tạo áp lực cạnh tranh lớn hơn lên các nhà sản xuất nông nghiệp trong nước, dù ảnh hưởng đến các ngành như ô tô có thể sẽ hạn chế do đặc điểm thị trường.
Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, với tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ lên tới 83% GDP. đứng thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Singapore. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 406 tỷ USD năm 2024, vượt xa Trung Quốc (15%) và Hàn Quốc (6%). Các mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Mỹ gồm sản phẩm điện (41,7 tỷ USD), điện thoại và linh kiện (28,8 tỷ USD), đồ nội thất (13,2 tỷ USD), giày dép (8,8 tỷ USD), hàng dệt may (tổng 14,8 tỷ USD). Nhóm ngành này chiếm gần 80% tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ.
Mỹ Hân
Nguồn Thương Gia : https://thuonggiaonline.vn/sau-tin-hieu-tich-cuc-tu-dam-phan-thuong-mai-maybank-va-uob-nang-du-bao-tang-truong-gdp-viet-nam-post561514.html