Sau vụ Mr Pips, một phụ nữ bị lừa mất 9,4 tỉ đồng vì đầu tư tiền ảo

Sau vụ Mr Pips, một phụ nữ bị lừa mất 9,4 tỉ đồng vì đầu tư tiền ảo
7 giờ trướcBài gốc
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), trong tuần qua ( từ 9-12 – 15-12) ở nước ta xuất hiện các vụ lừa đảo trực tuyến mà người dân cần biết để tránh.
Mất 9,4 tỷ vì đầu tư tiền ảo
Vụ việc Phó Đức Nam (còn gọi TikToker Mr Pips) dụ dỗ tham gia hoạt động đầu tư trực tuyến, lừa đảo hơn 5.200 tỉ đồng cho thấy những mối nguy hiểm hiện hữu khi nhiều người bị sập bẫy trước hình thức lừa đảo này.
Ngoài sự việc gây chấn động của Mr Pips, mới đây, ngày 12-12, người phụ nữ đến từ Hà Nội cũng đã trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo đầu tư tiền ảo sau khi bị chiếm đoạt số tiền 9,4 tỉ đồng.
Một người phụ nữ đến từ Hà Nội đã trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo đầu tư tiền ảo sau khi bị chiếm đoạt số tiền 9,4 tỷ đồng. Ảnh: Cục ATTT.
Theo đó, thông qua mạng xã hội Facebook, bà T. đã kết bạn, trò chuyện với tài khoản "Nguyễn Thị Thùy Dung". Sau một thời gian, người này mời bà T. tham gia đầu tư tiền ảo thông qua website: mcprimetrusted.com.
Với lời quảng cáo hấp dẫn, bà T. làm theo hướng dẫn, tạo tài khoản và chuyển tiền để đầu tư và đã nạp 5 tỉ đồng để nhận 350.000 USD (tương đương 9 tỉ đồng).
Khi bà T. muốn rút số tiền lãi trên, đối tượng lừa đảo yêu cầu trong vòng 5 tiếng phải đóng tiếp 20% tổng số dư tài khoản tương ứng 1,8 tỉ đồng. Đồng thời yêu cầu bà đóng 15% tiền mua bảo hiểm tiền gửi tương ứng 1,6 tỉ đồng và nộp tiếp 3% tương ứng 360 triệu đồng tiền phí để chuyển nhanh tiền về tài khoản cá nhân. Tin tưởng, bà T. tiếp tục nộp 1,2 tỉ đồng nhưng vẫn không rút được ra.
Mạo doanh nghiệp nhằm lừa đảo
Gần đây, các thương hiệu của tập đoàn VinGroup như VinFast, Xanh SM, Vinhomes đồng loạt đưa ra cảnh báo cho người dân về tình trạng giả mạo doanh nghiệp nhằm lừa đảo, yêu cầu khách hàng cần phải cẩn thận khi cung cấp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng.
Cụ thể, Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast cho biết, gần đây xuất hiện một số cá nhân giả danh là người của VinFast và trang web giả mạo sử dụng tên, thương hiệu và hình ảnh của VinFast nhằm đánh lừa khách hàng nhằm thu thập thông tin cá nhân và trục lợi tài chính.
Các thương hiệu của tập đoàn VinGroup như VinFast, Xanh SM, Vinhomes đồng loạt đưa ra cảnh báo cho người dân về tình trạng giả mạo doanh nghiệp. Ảnh: Cục ATTT.
Tương tự, gần đây xuất hiện một số cá nhân giả danh là người của Vinhomes, Xanh SM và trang web giả mạo sử dụng tên, thương hiệu và hình ảnh nhằm đánh lừa khách hàng nhằm thu thập thông tin cá nhân, trục lợi tài chính...
Các thủ đoạn thường là giả mạo là người lao động hoặc người nắm giữ các chức vụ quản lý cấp cao hoặc cổ đông hoặc đại lý của Vinfast, Vinhomes, Xanh SM kêu gọi góp vốn đầu tư vào quỹ đầu tư, quỹ huy động vốn, quỹ phúc lợi .
Các đối tượng cũng lừa đảo về khả năng giới thiệu tuyển dụng vào 3 công ty trên, giới thiệu mua sản phẩm, yêu cầu nộp một số tiền ban đầu thông qua các trang web giả mạo hoặc theo hình thức khác.
Cảnh báo lừa đảo khi mua bán trực tuyến cuối năm
Lợi dụng thời điểm cuối năm có nhiều dịp lễ như Giáng Sinh, năm mới cùng với hàng loạt các sự kiện sale lớn cuối năm, các đối tượng lừa đảo đã tung ra những chiêu trò khiến nhiều người dân sập bẫy.
Lợi dụng tâm lý “săn sale” (săn mã giảm giá, ưu đãi), các đối tượng xấu sẽ chủ động tiếp cận nạn nhân qua các email, tin nhắn khuyến mãi giả mạo từ các sàn thương mại điện tử quen thuộc như Shopee, Lazada, Tiki.
Ngoài ra, lợi dụng tính năng phân tích thói quen người dùng của các nền tảng mạng xã hội, đối tượng tạo các trang Fanpage giả mạo hoặc website giả mạo giống hệt với trang chính thống của các thương hiệu lớn để tiếp cận nạn nhân qua quảng cáo về những sản phẩm mà nạn nhân đang quan tâm, từ đó dẫn dụ nạn nhân đặt mua với mức chiết khấu cao nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Cuối năm, các đối tượng lừa đảo đã tung ra những chiêu trò khiến nhiều người dân sập bẫy. Ảnh: Cục ATTT.
Ngoài ra, tập đoàn Meta cũng đã đưa ra cảnh báo đối với chiêu trò lừa đảo mua sắm trực tuyến trên các mạng xã hội như Threads, X, Facebook và các diễn đàn trực tuyến như Quora.
Cụ thể, đối tượng thường đưa ra các chương trình ưu đãi bằng cách sử dụng trái phép các video trên internet với lồng tiếng AI mô tả sản phẩm và khuyến cáo số lượng có hạn.
Khi phản hồi, người dùng được dẫn đến các trang web (gồm cả những trang tạo bằng dịch vụ Shopify) để mua hàng và thanh toán, nhưng sẽ không bao giờ nhận được sản phẩm.
Các chương trình khuyến mãi và giảm giá cũng được đối tượng lừa đảo đăng trên nhiều nền tảng như Telegram, Facebook và Pinterest, dẫn người dùng đến các trang web giả mạo mạng xã hội và yêu cầu thực hiện khảo sát về giới tính, tuổi, thu nhập, tình trạng công việc và mức độ quan tâm đến tiền mã hóa để tham gia rút thăm trúng thưởng.
Những trang này còn hiển thị các bình luận giả của người dùng trước đó, khẳng định đã thắng giải “mặc dù nghĩ rằng đó là lừa đảo”.
VIẾT THỊNH
Nguồn PLO : https://plo.vn/sau-vu-mr-pips-mot-phu-nu-bi-lua-mat-94-ti-dong-vi-dau-tu-tien-ao-post825155.html