Nhiều hệ lụy từ ùn tắc
Tình trạng ùn tắc đang là vấn đề nghiêm trọng tại các thành phố lớn của Saudi Arabia. Tại thủ đô Riyadh, người dân mất trung bình 52 tiếng/năm vì ùn tắc.
Ùn tắc giao thông là vấn đề nghiêm trọng của nhiều đô thị Ả Rập Xê Út. Ảnh: Arab News.
Dù hệ thống tàu điện ngầm Riyadh Metro đã hoàn thành, song dự báo dân số sẽ tăng từ 8 triệu hiện nay lên 9,6 triệu vào năm 2030, đặt ra nhiều thách thức với hệ thống giao thông.
Bên cạnh đó, theo báo Al-Riyadh, nguyên nhân hàng đầu gây tắc nghẽn giao thông tại Riyadh chủ yếu là do kỹ thuật hạ tầng đường bộ. Nhiều tuyến đường hiện phải gồng gánh lượng phương tiện gấp nhiều lần công suất thiết kế, do không theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện, dân số.
Tình hình nghiêm trọng tới mức theo nghiên cứu của Đại học King Saud, tài xế trên 60 tuổi lái xe 2 tiếng/ngày có thể bị suy giảm tới 5 năm tuổi thọ do ảnh hưởng từ ùn tắc giao thông tới sức khỏe thể chất và tinh thần.
Trí tuệ nhân tạo giúp điều tiết giao thông
Trước thực trạng đó, cơ quan Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo Saudi Arabia (SDAIA), phối hợp với các cơ quan chức năng đã triển khai loạt hệ thống phân tích dữ liệu giao thông thông minh. Hệ thống gồm lượng dữ liệu giao thông khổng lồ ở nhiều cấp độ, từ quy mô trên toàn thành phố đến từng tuyến phố cụ thể.
Hệ thống giao thông thông minh của Ả rập Xê út có khả năng phát hiện những vi phạm nhỏ nhất như không giữ đủ khoảng cách an toàn. Ảnh: Arab News.
Nổi bật trong số đó là hệ thống Sawaher, sử dụng AI và thị giác máy tính để phân tích hình ảnh và video thời gian thực, hỗ trợ điều phối giao thông. Bên cạnh đó, nền tảng Smart C cho phép theo dõi, phân tích và dự báo các chỉ số vận hành đô thị, giúp ra quyết định trong quản lý thành phố thông minh.
Các hệ thống này có khả năng xác định điểm đen tai nạn, đánh giá hiệu quả biển báo giao thông và cơ sở hạ tầng, đồng thời có khả năng đánh giá, điều tiết giao thông tùy theo thời điểm đặc biệt như tháng lễ Ramadan. Những khu vực có tỷ lệ tai nạn chết người cao sẽ được cảnh báo để cải thiện hệ thống biển báo hoặc hạ tầng đường bộ.
Trong các sự kiện đông người, SDAIA cũng chủ động triển khai công cụ điều tiết giao thông cục bộ, tránh ảnh hưởng đến các tuyến đường chính.
Không dừng lại ở đó, SDAIA còn đào tạo nhân lực AI với các ý tưởng đột phá như robot phát hiện ổ gà, vết nứt mặt đường, hay hệ thống phản ứng tai nạn tự động, mở ra hướng tiếp cận mới trong duy trì an toàn giao thông.
Giảm 54% tỷ lệ tử vong vì tai nạn giao thông
Không chỉ tập trung vào phân tích và dự báo, Saudi Arabia đã sớm triển khai hệ thống tự động hóa xử phạt vi phạm từ năm 2010 với Saher - mạng lưới camera và radar do Bộ Nội vụ vận hành.
Theo đó, Saher tự động phát hiện vi phạm như vượt quá tốc độ, không thắt dây an toàn, sử dụng điện thoại khi lái xe, sau đó truy xuất thông tin người sở hữu phương tiện và gửi thông báo phạt qua tin nhắn. Hệ thống hoạt động liên tục, không phụ thuộc nhân sự trực tiếp.
Ngoài khả năng theo dõi, Saher còn phân tích hành vi lái xe theo thời gian, xác định người vi phạm nhiều lần. Dữ liệu này sẽ là căn cứ xử lý những trường hợp tái phạm nhiều lần với mức phạt nghiêm khắc hơn và được đưa vào trong các chiến dịch tuyên truyền an toàn giao thông.
Theo PGS Hasan Al-Ahmadi, chuyên gia kỹ thuật xây dựng, hệ thống Saher là minh chứng cho thấy trí tuệ nhân tạo và tự động hóa có thể tạo ra cuộc cách mạng trong thực thi pháp luật giao thông và cải thiện an toàn đường bộ.
Ông Hasan Al-Ahmadi nói thêm, hệ thống tự động hóa thông minh đã góp phần giảm tới 30% các hành vi vượt đèn đỏ và vi phạm tốc độ.
Số vụ tai nạn ở TP Dammam giảm 20%, ùn tắc ở Dammam và Jeddah giảm khoảng 20%. Thời gian ứng cứu trong các tình huống khẩn cấp cũng được cải thiện 20-30%.
Năm 2016, tai nạn giao thông từng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại quốc gia này, với 21 người thiệt mạng mỗi ngày. Đến năm 2023, tỷ lệ tử vong đã giảm 54%, phần lớn nhờ vào việc tăng cường công nghệ và phân tích dữ liệu, cùng với việc nâng số lượng camera giao thông thêm 320% chỉ trong vòng 5 năm.
PGS Hasan Al-Ahmadi dự báo, tương lai Saudi Arabia có thể triển khai thêm máy bay không người lái giám sát thời gian thực, tích hợp đèn giao thông với xe tự lái và theo dõi biểu cảm tài xế để phát hiện nguy cơ mệt mỏi.
Công nghệ mới cũng có thể theo dõi khí thải phương tiện và xử phạt tại các khu vực ô nhiễm cao, từ đó góp phần xây dựng môi trường giao thông bền vững.
Lưu Gia Huy