Cô giáo Huỳnh Sơn Ca dạy học bài thơ Tây Tiến lồng ghép bài hát Vầng trăng tri kỷ của soạn giả Minh Đăng.
Đam mê nghệ thuật từ nhỏ
“Ngắm trăng… ôn lại một thời. Nghe vọng lời nỉ non, hồn sông núi thiêng liêng. Nghe lòng đầy bâng khuâng. Nhớ năm xưa lăn lóc chốn sa trường, làm thơ bên suối mộng. Những lúc quân hành, phơi phới tuổi thanh xuân. Dưới đạn bom, vẫn mỉm cười cùng cây đàn ra trận, khi lúc bom ngừng, tiếng hát, cung đàn nhặt khoan. Truyền tay những lá thư tình, với cây đàn làm bạn tri âm. Phút giây lòng luôn chạnh lòng… tha thiết nhớ hậu phương” - Lời bài vọng cổ “Vầng trăng tri kỷ” của soạn giả Minh Đăng được cất lên ngọt lịm, da diết ngay đầu tiết học môn Văn học tại lớp 12X1, Trường THPT Võ Thị Hồng (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau).
Đấy là cách bắt đầu tiết giảng về bài thơ “Tây tiến” của cô giáo Huỳnh Sơn Ca (SN 1989) - giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT Võ Thị Hồng. Bởi theo cô, hình ảnh người lính trong bài thơ Tây tiến vừa lãng mạn vừa bi tráng, hào hùng, tuổi trẻ dâng hiến cho quê hương, đất nước như lời bài vọng cổ được cô thể hiện kể trên. Không chỉ với bài thơ Tây tiến, nhiều tiết giảng văn khác của cô Sơn Ca cũng được cô dẫn dắt bằng lời ca, giọng hát, để "làm mềm" môn học, tạo hào hứng cho học sinh.
Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật ở xã vùng sâu Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời), cô Huỳnh Sơn Ca có cha là nhạc công đàn tranh của Đoàn cải lương Hương Tràm. Nhờ vậy, từ nhỏ, cô sớm được làm quen và bộc lộ năng khiếu, tình yêu nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Khi ngồi trên giảng đường đại học, năng khiếu này càng được phát huy. Cô sinh viên Sơn Ca giành được nhiều giải thưởng như Huy chương vàng Tiếng hát Đại học Cần Thơ; giải B, C Liên hoan Đờn ca Tài tử ba tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng; và nhiều giải thưởng khác về ca hát của địa phương.
Cô Huỳnh Sơn Ca trổ tài hát cải lương ngay trên bục giảng.
Lấy bằng cử nhân sư phạm Văn, cô Huỳnh Sơn Ca trở về quê hương giảng dạy, với hy vọng góp sức mình xây dựng quê hương. Trong quá trình giảng dạy, cô nhận thấy tác phẩm văn học có mối liên kết chặt chẽ với loại hình nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử nên cô thử nghiệm vận dụng lồng ghép vào bài học và được nhiều học sinh yêu thích, phụ huynh ủng hộ.
“Xuất phát từ thực tế học sinh thường quan niệm môn Văn dễ chán, dễ buồn ngủ nên tôi đã nhiều lần trăn trở nghiên cứu, tìm kiếm nhiều phương pháp mới để thu hút học sinh. Tôi thấy học sinh ở Cà Mau gần gũi với nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử từ thuở nhỏ các em đã được nghe, thậm chí hát. Với khả năng sẵn có của mình, tôi thử nghiệm lồng ghép vào giảng dạy, được các em, nhà trường và phụ huynh đón nhận, thêm sự mới mẻ để các em yêu thích hơn ở môn học này”, cô Sơn Ca chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen
Hơn 12 năm giảng dạy tại trường, cô Huỳnh Sơn Ca thường xuyên lồng ghép vọng cổ vào các tiết dạy Văn ở nhiều khối lớp 10, 11 và 12. Thời gian đầu, nữ giáo viên thử nghiệm bằng những câu ca dao, tục ngữ gần gũi với đời thường. Khi dạy học sinh phân biệt ca dao và dân ca, thay vì đọc diễn cảm như cách làm thông thường, cô đã ngân nga câu ca dao một cách du dương, mùi mẫn: “Ai đem con sáo sang sông/ Để cho con sáo sổ lồng sáo bay”. Và kết quả, học sinh rất hào hứng, hưởng ứng nhiệt tình và nhìn cô giáo với ánh mắt ngưỡng mộ.
Hoặc khi dạy tác phẩm thơ của chương trình 12, đoạn trích “Đất nước”, trích trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm, đến những câu thơ: “Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu/ Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái”.
Các em học sinh thích thú, hào hứng nghe cô Sơn Ca hát cải lương.
Thay vì cho học sinh đứng lên đọc chú thích địa danh núi Vọng Phu có sẵn trong sách giáo khoa, cô Sơn Ca đã hát cho các em nghe bài hát Sự tích Hòn Vọng Phu theo điệu Nặng tình xưa (cải lương). Lời bài hát gần gũi, âm điệu da diết với thời lượng gần một phút, nhưng đã giúp học sinh nắm được cốt truyện một cách dễ dàng, lắng nghe đầy thích thú. Bản thân cô nhận thấy phương pháp này rất hiệu quả để tạo ấn tượng và giúp học sinh dễ ghi nhớ bài.
Gặp tác phẩm văn học đã được chuyển thể thành cải lương hay vọng cổ, cô Sơn Ca sẽ khéo léo liên hệ và ca lên để cả lớp cùng cảm thụ, như truyện Lục Vân Tiên, Truyện Kiều...
Năm 2020, trong tiết dạy về "Truyện Kiều", ở đoạn mở rộng, khi giảng về số phận truân chuyên và bi kịch của nàng Kiều, cô giáo bèn ca trọn bài Cổ Bản “Hoạn Thư bắt Thúy Kiều” của soạn giả Trần Ngọc Thạch. Cả lớp chăm chú lắng nghe, nắm hết cốt truyện và đứng lên tóm tắt một cách rành mạch. Thậm chí, nhiều học sinh còn về nhà tìm đọc hết 3.254 câu Kiều. Đây là kết quả làm cô giáo hết sức bất ngờ và vui mừng.
Rồi vì mê mẩn, có học sinh đã dùng điện thoại quay lại. Đoạn clip ngắn ấy đăng lên mạng xã hội và nhận hàng loạt bình luận tích cực, chia sẻ từ cộng đồng mạng. Hầu như ai cũng khuyến khích, khen ngợi cách đổi mới trong giảng dạy.
Với sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, của cô Huỳnh Sơn Ca đã được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã tặng Bằng khen.
Em Lê Kim Xuyến – học sinh lớp 12X1, Trường THPT Võ Thị Hồng cho hay, môn Văn được cô Sơn Ca lồng ghép nghệ thuật vào bài tạo tâm lý thu hút, giúp chúng em học không bị chán. “Lần đầu tiên được nghe cô hát cải lương lồng ghép vào môn học, em cảm thấy vô cùng hứng thú với phương pháp dạy đầy mới mẻ của cô, nhất là đối với những người đam mê âm nhạc sẽ dễ dàng nhớ bài và tiếp thu bài học hơn”, em Xuyến nói.
Thầy Trần Thanh Sơn – Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Hồng cho biết, cô Huỳnh Sơn Ca là một trong những giáo viên đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy học một cách sáng tạo. Tại trường, mỗi giáo viên đều có phương pháp dạy khác nhau, nhưng áp dụng hát cải lương khi dạy như cô Sơn Ca rất đặc biệt. “Trong tiết học, đôi khi một vài chi tiết nhỏ được lồng ghép nhưng làm không khí học tập trở nên sôi nổi, học sinh tỏ ra thích thú và tiếp thu bài học rất tốt”, thầy Sơn chia sẻ.