SCIC lại thoái vốn bất thành tại Domesco, đâu là rào cản?

SCIC lại thoái vốn bất thành tại Domesco, đâu là rào cản?
14 giờ trướcBài gốc
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) mới đây ra văn bản thông báo về việc hủy chào bán cạnh tranh theo lô cổ phần của CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco thuộc sở hữu của SCIC.
Cụ thể, đến 16h ngày 29/4/2025, là thời điểm kết thúc thời hạn đăng ký tham gia và nộp tiền cọc mua chào bán cạnh tranh, tuy nhiên trên hệ thống chào bán cạnh tranh của HoSE ghi nhận không có nhà đầu tư tham gia đăng ký chào bán cạnh tranh. Theo quy định, cuộc chào bán cạnh tranh này không đủ điều kiện để tổ chức chào bán cạnh tranh và do vậy cuộc chào bán cạnh tranh được coi là không thành công.
SCIC lần thứ 3 "vỡ kế hoạch" thoái vốn Domesco.
Theo kế hoạch, SCIC muốn bán đấu giá công khai gần 12,1 triệu cổ phiếu DMC, tương đương 34,71% vốn điều lệ của Domesco, với giá khởi điểm là gần 1.531,5 tỷ đồng/lô cổ phần, tương đương khoảng 127.046 đồng/cp.
Trên thị trường, cổ phiếu DMC trong quãng đi ngang quanh vùng 62.000 đồng/cp sau nhịp hồi phục từ đáy hồi đầu tháng 4/2025. Hiện, thị giá đang giao dịch ở mức 62.300 đồng/cp. Như vậy, mức giá khởi điểm lần đấu giá này đưa ra cao gấp đôi so với giá trị trường.
Đáng chú ý, đây là lần thứ 3 SCIC muốn thoái sạch vốn khỏi Domesco và cũng là lần thứ 3 “bể” kế hoạch. Lần gần nhất “vỡ kế hoạch” là vào tháng 2/2025, do không có nhà đầu tư tham gia, giá khởi điểm cho mỗi cổ phần tại lần đấu giá này rơi vào khoảng 127.046 đồng/cp.
Năm 2019, SCIC cũng từng thất bại trong việc bán toàn bộ 34,71% vốn doanh nghiệp dược này do không có nhà đầu tư tham gia. Giá khởi điểm cho mỗi cổ phần là 119.600 đồng/cp, tương ứng số tiền để mua trọn lô cổ phần lên đến hơn 1.440 tỷ đồng. Mức giá khởi điểm cũng cao hơn nhiều so với thị giá DMC thời điểm đó.
Domesco được thành lập vào ngày 19/5/1989, là doanh nghiệp chuyên nghiên cứu phát triển, sản xuất, tiếp thị và kinh doanh dược phẩm, thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, thực phẩm chức năng, nước uống tinh khiết và thức uống từ dược liệu,… Công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thực phẩm – thực phẩm chức năng, vật tư y tế, trang thiết y tế phục vụ công tác khám và chữa. bệnh. Domesco hiện có 4 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, 3 nhà máy hóa dược và 1 nhà máy dược liệu – thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Tính tới ngày 31/12/2024, cổ đông lớn của Domesco gồm Abbott Laboratories (Chile) Holdco SpA (công ty con của Abbott Laboratories- Mỹ) sở hữu 51,69% vốn điều lệ; SCIC sở hữu 34,71% vốn điều lệ. Còn lại 13,6% vốn điều lệ thuộc về các cổ đông khác sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.
Với cục diện như hiện nay, “gã khổng lồ” đến từ Mỹ có lẽ là “vị khách” khả dĩ nhất tham gia đợt đấu giá. Tuy nhiên, nhìn lại những lần “đổ bể” có thể thấy mức giá cao ngất ngưởng khả năng cao là rào cản trong thương vụ này.
Liên quan đến đợt đấu giá lần này, theo danh sách công bố của SCIC, có 31 doanh nghiệp nằm trong kế hoạch bán vốn đợt đầu tiên của năm 2025. Đây là một phần trong chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư của Nhà nước, nhằm tập trung vào các lĩnh vực then chốt và giảm tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp không còn cần nắm giữ lâu dài, theo Quyết định 690/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tâm điểm của đợt thoái vốn này là Công ty Cổ phần FPT (FPT). Hiện, SCIC đang nắm giữ 5,7% vốn tại tập đoàn công nghệ hàng đầu này. Với giá trị vốn hóa của FPT vượt 161.300 tỷ đồng (tính đến cuối phiên 7/5), nếu thương vụ thoái vốn thành công theo thị giá hiện tại (khoảng 109.700 đồng/cp), SCIC có thể thu về hơn 9.200 tỷ đồng.
Một cái tên đáng chú ý khác là Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM). Cổ phiếu HGM đang giao dịch quanh vùng đỉnh lịch sử (khoảng 316.500 đồng/cp). Với tỷ lệ sở hữu 46,6% vốn tại HGM, SCIC có khả năng thu về gần 1.900 tỷ đồng nếu bán thành công.
Ngoài FPT và HGM, danh sách còn bao gồm nhiều doanh nghiệp quen thuộc với nhà đầu tư như: Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), nơi SCIC sở hữu 37,1% vốn; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC) với tỷ lệ nắm giữ 35%; Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (HND) với 9% vốn; Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) với 11,4% vốn; và Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam - CTCP (SEA) với tỷ lệ sở hữu lên đến 63%.
Châu Giang
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//giao-dich/scic-lai-thoai-von-bat-thanh-tai-domesco-dau-la-rao-can-1106631.html