Ảnh minh họa
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định sàn giao dịch carbon trong nước, hướng dẫn việc giao dịch, lưu ký, thanh toán hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon trên sàn giao dịch trong nước.
Theo dự thảo, nguyên tắc giao dịch trên sàn giao dịch carbon là công bằng, công khai, minh bạch; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường; các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch trên thị trường có trách nhiệm tìm hiểu quy định pháp luật, thông tin về hàng hóa và tự chịu trách nhiệm đối với quyết định mua, bán của mình.
GIAO DỊCH TRÊN THỊ TRƯỜNG CARBON THEO PHƯƠNG THỨC THỎA THUẬN
Theo dự thảo, hàng hóa trên thị trường giao dịch carbon gồm: Hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Trong đó, hạn ngạch phát thải khí nhà kính, được phân bổ cho các cơ sở thuộc “Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính” do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo phương thức miễn phí và phương thức đấu giá.
Còn một loại hàng hóa khác là tín chỉ carbon được xác nhận, thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon cả trong nước và quốc tế. Tín chỉ carbon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi , bù trừ tín chỉ carbon quốc tế gồm: Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế tín chỉ chung (JCM) và Cơ chế theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.
Các hàng hóa quy định nêu trên phải được Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác nhận và ghi nhận trên hệ thống đăng ký quốc gia trước khi được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa vào hệ thống giao dịch carbon.
Việc xây dựng Nghị định nhằm mục đích cụ thể hóa một số quy định tại Luật Bảo vệ môi trường liên quan đến thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Đồng thời tạo lập khuôn khổ pháp lý cho việc thành lập và trước mắt, vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon trong nước theo mục tiêu tại Quyết định 232/QĐ-TTg ngày 21/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa các hàng hóa quy định trên ra khỏi hệ thống giao dịch carbon trong trường hợp: Các hàng hóa này đáo hạn; các trường hợp khác theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Chủ thể được giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính là các cơ sở được phân bổ hạn ngạch có tên trong “Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính’’ do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Các chủ thể tham gia giao dịch phải mở tài khoản giao dịch tại thành viên giao dịch để thực hiện giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.
Thành viên giao dịch thông báo kết quả thực hiện giao dịch cho khách hàng ngay sau khi giao dịch được thực hiện theo đúng hình thức đã thỏa thuận với khách hàng. Thành viên giao dịch phải gửi sao kê tài khoản tiền, hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon hàng tháng hoặc khi có yêu cầu từ khách hàng.
Sau khi giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon được xác lập và hoàn tất, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội có trách nhiệm cung cấp thông tin về kết quả giao dịch cho Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam để thực hiện hoạt động thanh toán giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon.
Về phương thức giao dịch, theo dự thảo, giao dịch trên thị trường giao dịch carbon được thực hiện theo phương thức giao dịch thỏa thuận trên hệ thống giao dịch carbon theo nguyên tắc các bên tham gia giao dịch tự thỏa thuận, thống nhất các nội dung giao dịch. Giao dịch theo phương thức thỏa thuận được xác lập khi bên mua hoặc bên bán nhập lệnh giao dịch vào hệ thống giao dịch carbon và bên đối ứng xác nhận lệnh giao dịch này.
Trong dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất phương thức giao dịch thỏa thuận gồm: thỏa thuận điện tử và thỏa thuận thông thường. Qua trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng với tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các hàng hóa trên thị trường carbon khá đa dạng về chủng loại và nhìn chung không được chuẩn hóa (đối với tín chỉ carbon). Số lượng các chủ thể tham gia giao dịch trong giai đoạn thí điểm có thể không lớn và thanh khoản không cao.
Vì vậy, phương thức giao dịch thỏa thuận trên hệ thống giao dịch carbon sẽ phù hợp. Phương thức này hiện đang được áp dụng cho thị trường công cụ nợ Chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Cụ thể, thỏa thuận điện tử là hình thức giao dịch trong đó chủ thể giao dịch nhập lệnh chào mua, chào bán với cam kết chắc chắn vào hệ thống hoặc lựa chọn các lệnh đối ứng phù hợp đã được nhập vào hệ thống để thực hiện giao dịch. Thỏa thuận thông thường là hình thức giao dịch trong đó bên mua và bên bán tự thỏa thuận với nhau về các điều kiện giao dịch từ trước và báo cáo kết quả vào hệ thống giao dịch carbon để xác lập giao dịch.
Hoạt động giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội được thực hiện theo quy định tại Quy chế giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN GIAO DỊCH CARBON
Theo dự thảo, các giao dịch trên hệ thống giao dịch carbon được thanh toán qua hệ thống thanh toán giao dịch carbon theo phương thức thanh toán tức thời theo từng giao dịch, không áp dụng theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm.
Thành viên lưu ký phải mở tài khoản tiền gửi đứng tên thành viên lưu ký tại ngân hàng thanh toán để thực hiện thanh toán giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon. Ngân hàng thanh toán có trách nhiệm quản lý thông tin chi tiết số dư tiền gửi thanh toán giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon của chủ thể tham gia giao dịch.
Căn cứ kết quả giao dịch do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cung cấp theo quy định, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam kiểm tra tính hợp lệ của giao dịch, phong tỏa số lượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon bán và thông báo kết quả giao dịch hợp lệ cho thành viên lưu ký để xác nhận kết quả giao dịch.
Trên cơ sở xác nhận của thành viên lưu ký, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam xác định nghĩa vụ thanh toán tiền, hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và gửi thông tin nghĩa vụ thanh toán cho ngân hàng thanh toán...
Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện thanh toán giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon theo phương thức thanh toán tức thời theo từng giao dịch với thời gian thanh toán trong cùng ngày giao dịch.
Việc thanh toán tiền giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon được thực hiện tại ngân hàng thanh toán trên cơ sở nghĩa vụ thanh toán do Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thông báo.
Sau khi giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon được xác lập và hoàn tất, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội có trách nhiệm cung cấp thông tin về kết quả giao dịch cho Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam để thực hiện hoạt động thanh toán giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon.
Về ngân hàng thanh toán, dự thảo đề xuất vận dụng các quy định liên quan đến ngân hàng thanh toán tại Luật Chứng khoán, Nghị định 155/2020/NĐ-CP để quy định: điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ trong trường hợp các ngân hàng thương mại đăng ký làm ngân hàng thanh toán; Bộ Tài chính quyết định lựa chọn các ngân hàng thương mại làm ngân hàng thanh toán; quyền và nghĩa vụ của ngân hàng thanh toán.
Dự thảo cũng đề xuất Bộ Tài chính quyết định số lượng tối đa ngân hàng thương mại làm ngân hàng thanh toán theo từng thời kỳ tùy theo quy mô và nhu cầu của thị trường để tránh lãng phí cho xã hội trong trường hợp quy mô không lớn nhưng có nhiều ngân hàng thương mại đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để trở thành ngân hàng thanh toán…
Nhĩ Anh