Sẽ có một triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Sẽ có một triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp
4 giờ trướcBài gốc
Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện Chương trình sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn. Ðược Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2023, đây cũng là đề án đầu tiên trên thế giới về sản xuất một triệu héc-ta lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp ở quy mô cấp Chính phủ chỉ đạo, nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác quốc tế.
Sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, với quy mô cấp Chính phủ chỉ đạo là mô hình đầu tiên trên thế giới được Việt Nam thực hiện tại ÐBSCL. (Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời). Ảnh: HUỲNH LÂM
Những kết quả bước đầu
Thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã rất nỗ lực cùng 12 địa phương vùng ÐBSCL triển khai thực hiện Ðề án và đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận sau một năm triển khai.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành để tạo khung pháp lý và huy động các nguồn lực thực hiện Ðề án.
Cùng với đó, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sửa đổi, bổ sung nghị định về chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sửa đổi, bổ sung nghị định về liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; xây dựng nghị định về cơ giới hóa trong nông nghiệp. Các nghị định này đang ở bước hoàn thiện cuối cùng và sẽ được ban hành ngay trong những tháng tới. Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Ðề án thành lập, phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.
Chính phủ đã thông qua nghị quyết đồng ý huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài cho 16 dự án phát triển bền vững vùng ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (Mekong DPO). Thủ tướng đã giao Bộ NN&PTNT làm việc với WB và các đối tác phát triển để nghiên cứu, xây dựng thêm các dự án ODA nhằm bổ sung nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện Ðề án, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Bộ NN&PTNT cho biết, hiện 7 mô hình thí điểm được triển khai trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, Ðồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Có 4/7 mô hình thí điểm vụ hè thu năm 2024 đã báo cáo kết quả đạt được rất tích cực, tạo sự khích lệ rất lớn đối với nông dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, giảm chi phí 20-30% (giảm trên 50% lượng giống, giảm trên 30% lượng phân bón đạm, giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm khoảng 30-40% lượng nước tưới); tăng năng suất 10% (năng suất trong mô hình đạt 6,3-6,6 tấn/ha so với đối chứng đạt 5,7-6 tấn/ha); tăng thu nhập cho nông dân thêm 20-25% (lợi nhuận tăng thêm từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với đối chứng), giảm 3-5 tấn CO2 tương đương trên 1 ha và tất cả sản lượng lúa thu hoạch được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá lúa mua cao hơn thị trường 200-300 đồng/kg.
Các đại biểu đánh giá, việc phê duyệt và triển khai Ðề án đã góp phần khẳng định: Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, đã chủ động, tích cực triển khai các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phải tạo cuộc cách mạng cho cây lúa và vùng ÐBSCL. (Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời). Ảnh: H.L
5 vấn đề mang tính định hướng
Thủ tướng yêu cầu phải “thổi hồn” vào cây lúa, thổi sức sống mới cho ngành lúa gạo bằng công nghệ số, phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
"Phải yêu quý cây lúa như yêu quý chính bản thân mình, như những gì mà mình yêu quý nhất trong cuộc đời mình, từ đó tạo cuộc cách mạng cho cây lúa và ÐBSCL", Thủ tướng chia sẻ.
Cùng với đó, huy động đa dạng hóa nguồn lực, gồm nguồn lực Trung ương, địa phương, hợp tác công tư, nguồn vốn vay, phát hành trái phiếu, nguồn vốn xã hội hóa, nguồn lực của người dân và doanh nghiệp. Ðồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, xóa bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp, thủ tục rườm rà, bảo đảm nguồn lực đến tận địa phương, cơ sở sản xuất, người nông dân.
Phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhưng trước hết phải phát huy tính tự lực, tự cường của địa phương và có cơ chế, chính sách huy động sức mạnh của người dân, doanh nghiệp.
Về mục tiêu, Thủ tướng yêu cầu tăng tốc, bứt phá hơn nữa để đạt mục tiêu một triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp càng sớm càng tốt, qua đó đạt khoảng 14-15 triệu tấn lúa, 9-10 triệu tấn gạo chất lượng cao. Chậm nhất đến năm 2030 phải đạt mục tiêu này và cần nỗ lực đạt sớm hơn.
11 giải pháp cụ thể
Thứ nhất, quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài để phát triển cây lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Các địa phương phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc này, hoàn thành trong quý II năm 2025.
Thứ hai, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu lúa trong phân khúc chất lượng cao, đi cùng với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng... Thủ tướng lấy ví dụ như thương hiệu gạo ST25, "Lúa ông Cua". Các địa phương cùng các doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ NN&PTNT làm việc này.
Thứ ba, Bộ NN&PTNT chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tư pháp, các địa phương xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên, đề xuất cấp có thẩm quyền, trước mắt cố gắng trình một số chính sách tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, tinh thần là "vướng ở đâu tháo gỡ ở đó".
Thứ tư, về nguồn vốn, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai các gói tín dụng đang triển khai và nghiên cứu để triển khai trong năm 2025 gói tín dụng với quy mô khoảng 30 ngàn tỷ đồng cho Ðề án; đồng thời cho doanh nghiệp vay vốn để mua vật tư, giống, sản xuất kinh doanh.
Thứ năm, về phát triển, đa dạng hóa thị trường, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh, triển khai thường xuyên việc kết nối thị trường trong nước, ngoài nước, các địa phương, các doanh nghiệp.
Thứ sáu, về ứng phó biến đổi khí hậu, sạt lở, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán, Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án tổng thể để bảo vệ ÐBSCL, trong đó có diện tích đất trồng lúa; đề án tổng thể nhưng phân kỳ đầu tư, phân bổ nguồn lực cho các địa phương. Yêu cầu nhiệm vụ này hết quý I năm 2025 phải xong, Thủ tướng lưu ý tổng kết, nhân rộng mô hình, cách làm của tỉnh Cà Mau.
Thứ bảy, về các nhiệm vụ liên quan giảm phát thải, giảm khí metal trong nông nghiệp, bán tín chỉ carbon, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm, có sản phẩm trong quý II năm 2025.
Thứ tám, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp với địa phương, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh để đa dạng hóa các sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm lúa gạo.
Thứ chín, phải tập hợp nông dân bằng nhiều hình thức, phương thức khác nhau như trong hợp tác xã, để người dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, năng động, sáng tạo. "Nhân dân làm nên lịch sử; cuộc cách mạng lúa gạo không thể thiếu vai trò, sức mạnh của người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ mười, kêu gọi, huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ NN&PTNT cần đơn giản hóa thủ tục, hài hòa quy định với các đối tác. Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn WB đã tham gia ngay từ đầu trong triển khai Ðề án thông qua hỗ trợ, tư vấn kinh nghiệm quốc tế, hỗ trợ tài chính.
Mười một, các bộ, ngành, địa phương phối hợp, liên kết với nhau, liên kết với doanh nghiệp, với các nhà khoa học; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa nhà nông và doanh nghiệp, giữa Nhà nước với Nhân dân, giữa khu vực tư nhân và khu vực Nhà nước. Thủ tướng thống nhất với đề xuất cần thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Ðề án do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà làm Trưởng ban, với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được./.
Chí Công tổng hợp
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/se-co-mot-trieu-hec-ta-lua-chat-luong-cao-phat-thai-thap-a35028.html