Tổ hợp này đặt mục tiêu phát triển sản xuất trong nước và tiến tới nội địa hóa các linh kiện phần cứng, phần mềm trong các hệ thống thông tin, tín hiệu và cấp điện. Đồng thời, VNR hướng tới làm chủ công tác vận hành, bảo trì và dần dần sản xuất các linh kiện, phụ tùng thay thế cho đường sắt tốc độ cao.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) định hướng quy mô Tổ hợp công nghiệp đường sắt với công suất lắp ráp, sản xuất đầu máy, toa xe đường sắt quốc gia, đô thị (Ảnh: minh họa).
Tổ hợp cũng có kế hoạch nhận chuyển giao công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất đầu máy, toa xe cho tuyến đường sắt quốc gia (vận tốc dưới 200km/h), cũng như mua thiết kế và sản xuất toa xe phục vụ các tuyến đường sắt đô thị.
Dựa trên định hướng phát triển, VNR đề xuất quy mô công suất sản xuất, lắp ráp mỗi năm gồm 10 đầu máy diesel, đầu máy lai hoặc sử dụng năng lượng sạch (PNG, hydro); 15 đầu máy điện; 50 toa xe khách thường; 60 toa xe khách tốc độ 160km/h; 300 toa xe hàng khổ 1.435mm và 1.000mm; 200 toa xe đô thị...
Tổ hợp dự kiến có khoảng 20 khu chức năng chính, phục vụ đầy đủ các công đoạn sản xuất, lắp ráp, bảo trì và nghiên cứu như khu sản xuất giá chuyển hướng: sản xuất và lắp ráp các bộ phận như trục bánh xe, khung, hệ thống hãm, giảm chấn, thiết bị phụ trợ... cho đầu máy, toa xe, EMU và tàu tốc độ cao.
Khu lắp ráp đầu máy, sản xuất thân xe, bệ xe; lắp ráp toa xe hàng; lắp ráp đoàn tàu EMU; lắp ráp tàu tốc độ cao: thực hiện lắp ráp hoàn chỉnh đoàn tàu tốc độ cao; sản xuất vật tư, thiết bị, phụ tùng thay thế...
Ngoài các khu sản xuất chính, Tổ hợp còn có các khu chức năng hỗ trợ như trung tâm đào tạo; Trung tâm nghiên cứu công nghệ đường sắt; Bãi đỗ tàu, khu rửa, trạm điện, khu xử lý môi trường; Đường chạy thử; Khu lưu trú cho công nhân viên; Trung tâm logistics...
Kỳ Nam