Sẽ điều chỉnh mức đóng - hưởng bảo hiểm y tế phù hợp tình hình kinh tế, xã hội

Sẽ điều chỉnh mức đóng - hưởng bảo hiểm y tế phù hợp tình hình kinh tế, xã hội
10 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Trước Kỳ họp thứ 9, cử tri tỉnh Hưng Yên đã gửi kiến nghị đến Bộ Y tế nghiên cứu xem xét giảm mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình. Việc này, để tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các hộ gia đình được tham gia mua bảo hiểm y tế, nhất là các hộ gia đình làm nông nghiệp sống ở vùng nông thôn.
THAM GIA BẢO HIỂM Y TẾ ĐỂ ĐẢM BẢO TÀI CHÍNH KHI ỐM ĐAU
Trả lời kiến nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, trên cơ sở quy định của pháp luật, Quốc hội và Chính phủ đã quy định mức đóng bảo hiểm y tế là 4,5% mức tiền lương hoặc lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp, hoặc mức lương cơ sở, dựa trên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, và khả năng đóng góp của nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và người dân.
Để khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế, Nghị định số 146/2018 và Nghị định số 75/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, và Luật Bảo hiểm y tế 2024, đã quy định các mức đóng và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng.
Bao gồm người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hộ nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.
Theo quy định hiện hành, mức đóng bảo hiểm y tế đối với nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi, đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Ngoài ra, Nghị định số 75 đã quy định, căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu, và mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ theo quy định hiện hành.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng với phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế được hưởng tương đối đầy đủ, mức đóng bảo hiểm y tế hiện tại được đánh giá là tương đối thấp so với các nước có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng.
Vì vậy, Bộ Y tế mong cử tri thấu hiểu và ủng hộ chính sách bảo hiểm y tế của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo tài chính khi ốm đau, bệnh tật.
SẼ TĂNG KHẢ NĂNG TIẾP CẬN DỊCH VỤ Y TẾ CHO MỌI NGƯỜI DÂN
Cùng quan tâm đến vấn đề bảo hiểm y tế, cử tri tỉnh Đồng Tháp đề nghị cân đối nguồn thu từ Quỹ Bảo hiểm y tế để có chính sách hỗ trợ miễn hoặc giảm viện phí cho các trường hợp người dân mắc bệnh hiểm nghèo, nhằm chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính cho bệnh nhân và gia đình, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Với nội dung này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định mục tiêu nhất quán của ngành Y tế là phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, trong đó chính sách bảo hiểm y tế giữ vai trò trụ cột.
Sẽ tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho mọi người dân. Ảnh minh họa: Tuấn Dũng.
Theo Bộ trưởng, việc giảm chi tiền túi và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho mọi người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, người mắc bệnh hiểm nghèo, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Trong thời gian tới, để hiện thực hóa mục tiêu trên và giải quyết các vấn đề cử tri nêu, Bộ Y tế đang và sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp chính.
Đó là, tập trung vào việc hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến bảo hiểm y tế, điều chỉnh mức đóng, mức hưởng phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. Đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý, chống lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế để bảo toàn và phát triển nguồn Quỹ.
Bộ Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan để huy động thêm các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh, nguồn tài trợ, viện trợ và các nguồn xã hội hóa khác nhằm hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho người dân.
Đặc biệt, nhiên cứu để từng bước mở rộng phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế và xây dựng cơ chế hỗ trợ chi phí đồng chi trả đối với các nhóm đối tượng yếu thế (người nghèo, người cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn) khi mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh cần điều trị dài ngày, có chi phí lớn.
“Việc này sẽ được thực hiện trên cơ sở đánh giá tác động và cân đối với khả năng của Quỹ Bảo hiểm y tế và các nguồn lực xã hội. Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương nghiên cứu các giải pháp nêu trên để báo cáo, trình Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất, nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu an sinh xã hội, và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tham gia bảo hiểm y tế”, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin.
Thu Hằng
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/se-dieu-chinh-muc-dong-huong-bao-hiem-y-te-phu-hop-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi.htm