Theo đó, 9 Luật được công bố chiều 12/9 bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức công tư và Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công; Luật Điện lực.
Ông Phạm Thanh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì buổi họp báo.
Tại buổi họp báo, thay mặt Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã tóm tắt những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, so với Luật hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có 8 nhóm điểm mới, cụ thể:
Thứ nhất, sửa đổi, cập nhật đối tượng tham gia, theo đó bổ sung các đối tượng đã được Luật khác quy định, bổ sung đối tượng nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản để động viên, khích lệ và có chính sách thỏa đáng với đối tượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và công bằng với đối tượng khác ở tổ dân phố; giao Chính phủ quy định các đối tượng phát sinh khác sau khi báo cáo UBTVQH.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tóm tắt những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Thứ hai, quy định về khám bệnh, chữa bệnh BHYT, trong đó có đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Luật quy định quyền của người có thẻ BHYT trong việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu và cấp cơ bản… Đồng thời, quy định việc chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo yêu cầu chuyên môn và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, việc chuyển người bệnh về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu để điều trị, quản lý đối với các bệnh mạn tính.
Thứ ba, quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp.
Thứ tư, điều chỉnh tỷ lệ chi cho khám bệnh, chữa bệnh BHYT, chỉ dự phòng và tổ chức hoạt động bảo hiểm y tế từ số tiền đóng BHYT. Luật quy định tăng mức phân bổ từ nguồn thu BHYT để chi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lên 92%, giảm số tiền dành cho quỹ dự phòng, tổ chức hoạt động quỹ BHYT xuống 8% trong đó dành tối thiểu 4% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng.
Thứ năm, bổ sung cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng được chuyển đến cơ sở khác trong trường hợp thiếu thuốc, thiết bị y tế và quy định cơ chế để quỹ BHYT thanh toán cho các trường hợp này.
Thứ sáu, bổ sung quy định cụ thể về chậm đóng, trốn đóng BHYT và các biện pháp xử lý đối với các trường hợp này.
Thứ bảy, quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế trong rà soát và cập nhật thường xuyên phác đồ điều trị để bảo đảm thuận tiện trong khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán BHYT; quy định về đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT; quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực BHYT, việc liên thông và sử dụng kết quả cận lâm sàng liên thông giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp yêu cầu chuyên môn và đưa ra giải pháp tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho y tế cơ sở; ban hành nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục thuốc, thiết bị y tế, dịch vụ y tế thuộc phạm vi chi trả của BHYT để bảo đảm tính quy phạm, minh bạch, công khai.
Thứ tám, bổ sung quy định về cấp thẻ BHYT điện tử, quy định kiểm toán nhà nước kiểm toán Báo cáo quyết toán chỉ tổ chức và hoạt động BHYT của cơ quan BHXH hằng năm để đồng bộ với Luật BHXH.
Đồng thời, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: "Với những điểm mới nêu trên tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sẽ giải quyết được căn cơ những tồn tại, vướng mắc mang tính cấp bách sau 15 năm thực hiện Luật BHYT, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia BHYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, góp phần từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia BHYT và tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT".
Lê Bảo