Sẽ không chia vùng miền khi tính thuế thu nhập cá nhân

Sẽ không chia vùng miền khi tính thuế thu nhập cá nhân
9 giờ trướcBài gốc
Nâng mức giảm trừ gia cảnh góp phần nâng cao đời sống người nộp thuế
Tại Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) của thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Bộ Tài chính dự kiến sẽ không phân biệt vùng miền khi tính thuế.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng, thời gian qua có ý kiến cho rằng mức GTGC vẫn còn thấp, nhưng cũng có ý kiến cho rằng mức GTGC hiện nay không thấp khi so sánh với mặt bằng chung về mức sống, thu nhập của người dân hiện nay, có nhiều người lao động hiện đang có thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, cần quy định mức GTGC theo mức lương tối thiểu vùng, mức GTGC ở các đô thị, thành phố lớn cần phải cao hơn ở khu vực nông thôn, miền núi do chi phí đắt đỏ hơn; cũng có ý kiến cho rằng phải có chính sách thuế điều tiết cao hơn đối với cá nhân ở các đô thị, thành phố lớn để hạn chế nhập cư, di dân vào các đô thị lớn...
“Tuy nhiên, mức GTGC cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế TNCN là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, với nhu cầu tiêu dùng khác nhau và sống ở các địa bàn khác nhau. Pháp luật về thuế TNCN ở các nước, bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển chỉ quy định mức GTGC chung, áp dụng thống nhất, không phân biệt theo địa bàn và các bộ phận dân cư”, Bộ Tài chính phân tích.
Bộ Tài chính đề xuất nâng mức GTGC cho người nộp thuế lên 13,3 - 15,5 triệu đồng.
Theo đó đối với các cá nhân làm việc tại các địa bàn khó khăn, Luật Thuế TNCN đã quy định không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN khoản trợ cấp khu vực, trợ cấp thu hút, trợ cấp chuyển vùng... nhằm hỗ trợ người lao động cũng như thu hút cá nhân làm việc tại các địa bàn này. Ngoài ra, cá nhân có khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì pháp luật về thuế TNCN có quy định giảm thuế cho các trường hợp này.
Về mức tăng giảm trừ gia cảnh, Bộ Tài chính cho biết, với mức biến động CPI năm 2025 dự kiến từ 4,5-5% thì biến động chỉ số CPI từ 2020 đến hết 2025 theo tính toán của Cục Thống kê sẽ vượt 20% (khoảng 21,24%). Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13 nêu trên, cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh mức GTGC của thuế TNCN.
“Quan điểm điều chỉnh là đảm bảo thực hiện kịp thời quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13; đảm bảo thu nhập thực tế cho người nộp thuế phù hợp với biến động của giá cả từ thời điểm năm 2020. Việc điều chỉnh mức GTGC sẽ đảm bảo chính sách động viên một cách hợp lý, công bằng, góp phần nâng cao đời sống của người nộp thuế, tạo động lực khuyến khích lao động, đồng thời, kích thích tăng mức chi tiêu hộ gia đình, tăng tiêu dùng của xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Bộ Tài chính thông tin.
Giảm thu ngân sách 12 nghìn tỷ hoặc 21 nghìn tỷ
Bộ Tài chính đề xuất các phương án điều chỉnh mức GTGC đề trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định như sau: Phương án 1: Mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên khoảng 13,3 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 5,3 triệu đồng/tháng. Việc điều chỉnh mức mức GTGC cho người nộp thuế và cho mỗi người phụ thuộc theo biến động của chỉ số CPI theo đúng quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành, bám sát phương diện cơ sở áp dụng các khoản giảm trừ theo nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và mức độ trượt giá từ thời điểm điều chỉnh mức GTGC gần nhất (năm 2020).
Phương án 2, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và tốc độ tăng GDP bình quân đầu người. Mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên khoảng 15,5 triệu/tháng. Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 4,4 triệu đồng/tháng lên khoảng 6,2 triệu đồng/tháng.
Việc điều chỉnh mức GTGC theo tốc độ tăng GDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người sẽ góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế ở mức cao hơn, người dân được hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống xã hội được nâng lên. Thực hiện phương án này sẽ có tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước ở mức cao hơn. Tuy nhiên, mức GTGC cao hơn, đồng nghĩa với số thuế phải nộp ít đi, thu nhập khả dụng của người dân sẽ tăng lên, qua đó, sẽ góp phần kích thích tăng chi tiêu hộ gia đình, tiêu dùng xã hội và cải thiện đời sống của người dân, qua đó có thể gián tiếp làm tăng thu ngân sách nhà nước từ các nguồn thu khác trong trung và dài hạn. Với mức giảm trừ dự kiến, những người có thu nhập thấp hơn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Tuy nhiên, việc điều chinh tăng mức GTGC sẽ có tác động làm giảm thu ngân sách từ thuế TNCN trong một số năm đầu. Số giảm thu ngân sách có thể được bù đắp một phần từ số tăng thu của các sắc thuế tiêu dùng khác do thu nhập khả dụng của người nộp thuế tăng.
“Về tác động đến ngân sách nhà nước với phương án nêu trên, mức GTGC mới sẽ làm giảm mức điều tiết thuế TNCN phải nộp đối với tất cả đối tượng nộp thuế, đảm bảo phù hợp với biến động về chỉ số giá tiêu dùng. Tuy nhiên, chính sách này nhằm đảm bảo động viên thu nhập một cách hợp lý, công bằng, góp phần nâng cao đời sống của người nộp thuế, tạo động lực khuyến khích lao động, đồng thời, kích thích tăng mức chỉ tiêu hộ gia đình, tăng tiêu dùng của xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó, về lâu dài sẽ góp phần ổn định và tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước”, Bộ Tài chính nhận định.
Bộ Tài chính tính toán các phương án đề xuất nêu trên đều làm giảm thu ngân sách nhà nước, trong đó số giảm thu theo phương án 2 cao hơn. Cụ thể, số giảm thu theo phương án 1 là 12.000 tỷ đồng, số giảm thu theo phương án 2 là 21.000 tỷ đồng.
Hà An
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/kinh-te/se-khong-chia-vung-mien-khi-tinh-thue-thu-nhap-ca-nhan-i775752/