Bộ GD&ĐT cho biết đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 116. Ảnh: Thành Đông.
Cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định 116/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, tại các cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc bộ và cơ sở đào tạo trực thuộc tỉnh bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và công bằng.
Cùng với đó nghiên cứu giao cho ngân hàng chính sách là đơn vị trực tiếp thực hiện thu hồi, bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt đối với các trường hợp đã đăng ký thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt sau khi tốt nghiệp vi phạm cam kết.
Bên cạnh đó, cử tri cũng đề nghị Bộ GD&ĐT ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 71/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Trong đó đề nghị bỏ phương thức đấu thầu trong đào tạo nâng trình độ chuẩn cho phù hợp với quy định của Nghị định 32/2019 của Chính phủ, và quy định việc hỗ trợ kinh phí đối với tất cả giáo viên (công lập và ngoài công lập) thuộc đối tượng phải tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn, nhằm tạo công bằng giữa các đối tượng nhà giáo.
Trả lời nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết đang trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020. Cùng với đó là dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 71/2020. Trong đó sẽ sửa đổi một số chính sách để hạn chế những bất cập, khó khăn khi triển khai thực hiện chính sách.
Riêng đề xuất ngân hàng chính sách là đơn vị trực tiếp thực hiện thu hồi, bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt đối với các trường hợp phải bồi hoàn kinh phí, bộ cho rằng không phù hợp vì chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, không quy định cấp kinh phí qua ngân hàng chính sách.
Theo Nghị định 116 của Chính phủ, sinh viên sư phạm được miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí gồm hai diện: Đào tạo theo nhu cầu xã hội; giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.
Các em sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng mỗi tháng; với điều kiện trong vòng 2 năm sau khi tốt nghiệp, họ phải làm việc trong ngành giáo dục, thời gian làm việc dài gấp đôi chương trình đào tạo. Nếu không, họ bị buộc hoàn lại tất cả chi phí.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị định 116 gặp nhiều khó khăn, từ phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu; việc phân bổ giao kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm đến việc theo dõi thu hồi kinh phí bồi hoàn. Dẫn đến tình trạng có sinh viên bị nợ sinh hoạt phí.
Ngoài các nội dung trên, cử tri tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị điều chỉnh mức hỗ trợ từ 40% mức lương cơ sở lên 60% mức lương cơ sở về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Trả lời nội dung này, Bộ GD&ĐT thông tin dự thảo nghị định đề xuất mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng là 936.000 đồng (bằng 40% mức lương cơ sở hiện hành), với mức hỗ trợ nêu trên đã cơ bản đáp ứng được việc chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh, học viên bán trú.
Với số lượng học sinh bán trú trên toàn quốc rất lớn, nếu tăng hỗ trợ lên 60% mức lương cơ sở thì ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được trong điều kiện hiện nay.
Ngọc Bích