Sẽ tạo bước đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông

Sẽ tạo bước đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông
2 giờ trướcBài gốc
Đã hội tụ đủ điều kiện để thực hiện
Thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều tán thành với sự cần thiết thực hiện dự án này và kỳ vọng việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt tốc độ cao sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm trong ngắn hạn cũng như vừa tạo ra không gian phát triển mới trong dài hạn.
Cách đây 14 năm, Quốc hội Khóa XII đã không thông qua Nghị quyết về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh và giao Chính phủ lập quy hoạch chi tiết; tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ và toàn diện hơn các điều kiện bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của tuyến đường sắt cao tốc này.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Nhưng, hôm nay, như khẳng định của ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), đất nước ta đã có điều kiện khá hơn, kinh tế vĩ mô ổn định, nợ công thấp, bình quân thu nhập đầu người đang vượt qua mức trung bình thấp. Theo đại biểu, khi đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động, việc đi lại người dân được thuận tiện, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, nhà đầu tư… qua đó giúp khai thác tất cả các tiềm năng, lợi thế của các địa phương mà tuyến đường sắt đi qua, nhất là các tỉnh miền Trung.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Khẳng định “nước ta hiện đã thỏa mãn cả hai điều kiện cần và đủ để triển khai đầu tư thực hiện dự án này”, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu rõ, tỷ lệ nợ công của nước ta hiện khá thấp, 37% - là dư địa tốt để huy động thêm khoảng 67 tỷ USD trong vòng 10 năm. Đồng thời, nước ta có "hình thể" kéo dài, lưu thông hàng hóa và nhu cầu kết nối các trung tâm kinh tế dọc hành lang kinh tế Bắc - Nam rất lớn, nhiều khu vực có tiềm năng phát triển nhưng chưa được khai thác do nút thắt về chi phí logistic cao.
Mặt khác, như ý kiến của ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa), thời gian vừa qua, việc triển khai một số dự án trọng điểm quốc gia đã thể hiện sự quyết tâm chính trị rất lớn. Sự đổi mới tư duy quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện nhiều công trình trọng điểm quốc gia gần đây đã mang lại hiệu quả rõ rệt, phát huy kết quả. Với những bài học kinh nghiệm trong thời gian vừa qua cũng như căn cứ vào điều kiện thực tế của đất nước, đại biểu nhấn mạnh, việc quyết quyết tâm xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đồng bộ, hiện đại mang tầm quốc tế là rất cần thiết và khả thi trong giai đoạn hiện nay.
ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Tại phiên thảo luận của Quốc hội, cùng với tán thành sự cần thiết đầu tư thực hiện dự án này, nhiều ý kiến đã bày tỏ băn khoăn về hiệu quả đầu tư, nguồn lực dành cho dự án; việc gia tăng tỷ lệ nợ công, bội chi làm vượt trần chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ; việc quyết định chủ trương đầu tư nhưng nguồn vốn bố trí cho dự án cũng chưa thể xác định được cụ thể, rõ ràng ngay từ đầu…
ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Cho rằng đó là những quan ngại chính đáng, nhưng theo ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang), với điều kiện hiện nay của nước ta cùng những giải trình của Chính phủ, thì có thể yên tâm để triển khai dự án chiến lược này. “Chúng ta còn nhiều giải pháp để dần dần có thể giải tỏa các áp lực, lo lắng nói trên”, đại biểu nêu rõ, đồng thời khẳng định, khi đánh giá hiệu quả của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần đánh giá tổng thể tác động của dự án đối với nền kinh tế, sự phát triển của đất nước trong trung và dài hạn.
"Bàn làm chứ không bàn lùi"
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng vốn đầu tư rất lớn, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển lâu dài và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực phát triển của đất nước. Do vậy, các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần đánh giá rất kỹ với góc nhìn đa chiều để lựa chọn được phương án phù hợp nhất khi xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi.
Trong đó, do tổng mức đầu tư thực hiện dự án là rất lớn, nhiều ý kiến đề nghị, cần tập trung huy động nguồn vốn ở trong nước, vay ưu đãi nước ngoài, hạn chế sử dụng vốn ODA; tập trung sử dụng nguyên vật liệu ở trong nước; huy động các doanh nghiệp trong nước có năng lực chuyên môn để tham gia vào dự án này… "Chúng ta phải tính đến huy động sức dân vì nguồn lực trong dân còn rất lớn, nếu phát hành trái phiếu với lãi suất đủ hấp dẫn người dân sẽ sẵn sàng mua". Nhấn mạnh điều này, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phân tích: Ngân sách nhà nước chưa bảo đảm thì phải đi vay, nhưng vay trong dân thì tất nhiên tốt hơn vay nước ngoài vì lợi nhuận chính người dân trong nước được hưởng, không dịch chuyển ra ngoài, nhưng điều quan trọng hơn là sẽ khơi dậy được tinh thần tự hào dân tộc để đóng góp vào công trình quan trọng quốc gia này”.
ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Ngoài ra, như đề nghị của đại biểu Hoàng Văn Cường, việc đầu tư dự án phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để chúng ta làm chủ quá trình đầu tư cũng như phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước. Bởi lẽ, bài học kinh nghiệm từ thực hiện hai tuyến đường sắt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, do nhà đầu tư nước ngoài thi công trọn gói nên khi điều kiện không đáp ứng nhà đầu tư có thể dừng và yêu cầu xử phạt hợp đồng.
Thêm vào đó, quá trình vận hành, sửa chữa, thay thế sẽ lệ thuộc mãi vào các nhà cung cấp nước ngoài. “Nếu tiếp tục lựa chọn nhà cung cấp nước ngoài qua đấu thầu như các tuyến đường sắt đô thị vừa qua thì rủi ro thời gian chưa biết khi nào hoàn thành, vốn đội lên bao nhiêu, nguy hiểm hơn là phải lệ thuộc mãi mãi vào nhà cung cấp nước ngoài”, đại biểu nhấn mạnh.
Và, để triển khai thực hiện dự án này, bên cạnh 19 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt khác quy định pháp luật hiện hành được Chính phủ đề xuất, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị, cần cân nhắc thêm một cơ chế để tạo nguồn vốn dành riêng cho dự án này nhằm chủ động vốn, tăng cường an toàn nợ công quốc gia cũng như bảo đảm khả năng trả nợ của Chính phủ. Theo đó, một số nguồn thu ngân sách nên được ưu tiên chỉ sử dụng cho đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tránh việc sử dụng dàn trải, kém hiệu quả, lãng phí nguồn lực vào các dự án khác chưa thật sự cấp bách (nguồn tăng thu ngân sách hàng năm; yêu cầu một số khoản thu và tăng thu của ngân sách địa phương cùng đóng góp với ngân sách trung ương; nguồn thu từ khai thác quỹ đất vùng thu cận nhà ga; các nguồn thu đột xuất khác phát sinh ngoài dự toán).
Có thể thấy, với dự án trọng điểm này, các đại biểu đều thống nhất rất cao đối với chủ trương đầu tư để thể chế đường lối, chủ trương của Đảng; góp phần tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển và vươn mình của dân tộc.
Đồng thời, với tinh thần “bàn làm chứ không bàn lùi”, các đại biểu đã đưa ra nhiều nội dung cần quan tâm trong quá trình đầu tư thực hiện dự án này. Với quyết tâm cao, cách làm bài bản, khoa học, sáng tạo, chủ động, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có cơ sở để tin tưởng rằng, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ sớm được hiện thực hóa thành công, phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước cả trước mắt và tương lai lâu dài.
Thanh Hải
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/se-tao-buoc-dot-pha-trong-phat-trien-ha-tang-giao-thong-post396937.html