Quy định về thời gian người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ:
Người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ không được lái xe liên tục quá 4 giờ, thời gian làm việc trong ngày tối đa 10 giờ. Ảnh: Đỗ Trang
Quy định về thời gian lái xe không quá 10 giờ/ngày
Liên quan đến quy định người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ không được lái xe liên tục quá 4 giờ, thời gian làm việc trong ngày tối đa 10 giờ, chuyên gia cho rằng đây là một phần quan trọng để bảo đảm an toàn giao thông và sức khỏe của lái xe cũng như người tham gia giao thông khác.
Theo Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ, người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ không được lái xe liên tục quá 4 giờ, thời gian làm việc trong ngày tối đa 10 giờ.
Đồng thời, trong một tuần, nhóm tài xế này cũng được quy định không được lái xe quá 48 giờ.
Tại Nghị định 168/2024, nhà chức trách quy định tài xế ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ, nếu lái xe quá thời gian quy định trên, hoặc không thực hiện đúng quy định về thời gian nghỉ giữa 2 lần lái xe liên tục sẽ bị phạt tiền 3 - 5 triệu đồng. Hình phạt bổ sung là trừ 2 điểm giấy phép lái xe.
Ngoài ra, chủ xe để cho tài xế của mình lái xe ô tô liên tục quá thời gian quy định, cũng sẽ bị xử phạt 4 - 6 triệu đồng (cá nhân) và 8 - 12 triệu đồng (tổ chức).
Đại diện một hãng xe cho rằng, bản thân ông đồng tình, ủng hộ quy định lái xe không được cầm lái liên tục quá 4 giờ, bởi quy định này dựa trên cơ sở khoa học nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động.
Tuy nhiên, về quy định thời gian thực lái trên đường, xe lưu thông với vận tốc hơn 3km/giờ thì bắt đầu tính thời gian làm việc, thì theo vị này, điều này các cơ quan soạn thảo cần cân nhắc, do thực tế nhiều tuyến đường vào nội đô hiện nay ùn tắc cục bộ, lái xe thường di chuyển đến hàng tiếng đồng hồ chỉ để đi qua 1 quãng đường ngắn. Do đó, vị này kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước chức năng cần điều chỉnh thuật toán, tính thời điểm xe di chuyển với tốc độ 20km/giờ mới nên bắt đầu tính thời gian làm việc.
Anh Nguyễn Văn Lâm, lái xe chuyên chạy xe khách cố định tuyến Hà Nội - Lào Cai cho biết, hành trình di chuyển giữa 2 điểm mỗi lượt vào khoảng 5 đến 5 giờ 30 phút. Kể cả khi chưa có quy định này, anh và các lái xe chọn điểm dừng nghỉ cho cả lái xe và hành khách khoảng 30 phút. Đồng thời, doanh nghiệp thường bố trí 2 lái xe thay nhau để bảo đảm an toàn.
Anh cho rằng, thời gian nghỉ ngơi ngoài việc để lái xe đỡ mệt mỏi, tỉnh táo, còn để lái xe có thời gian kiểm tra hệ thống máy móc động cơ xe. “Làm như thế là điều kiện để đảm bảo tốt nhất sức khỏe, sự minh mẫn của tài xế, cũng là đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân” – anh Lâm nói.
Sẽ tính toán thêm các yếu tố liên quan, không chỉ tập trung vào xử phạt
Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), quy định về thời gian lái xe trên được kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ trước đây và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật lao động.
Theo quy định Bộ luật lao động 2019, thời gian làm việc bình thường của người lao động tại Việt Nam không quá 8 giờ một ngày và 48 giờ trong một tuần. Đồng thời, việc quy định lái xe không quá 48 giờ mỗi tuần cũng phù hợp theo Công ước Vienna về giao thông đường bộ. Sau 4 tiếng lái xe liên tục, người lái xe có thể nghỉ ngơi. Sau khoảng 15 phút, họ được phép lái xe tiếp tục hành trình. Mục tiêu cao nhất là giúp người lái xe được tỉnh táo, không bị mệt mỏi dễ dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn.
"Khi lái lập trung quá lâu với thời gian trên 4 tiếng liên tục, theo nguyên lý sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi. Việc nghỉ ngơi giúp hệ thần kinh ngắt tình trạng căng thẳng, giúp tái tạo sức lao động" - đại diện Cục Cảnh sát giao thông nói. Đồng thời, quy định thời gian lái xe, nghỉ ngơi của tài xế còn là biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lái xe, giảm thiểu rủi ro tai nạn khi tham gia giao thông. Việc thực hiện hiệu quả các quy định này cũng đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa ý thức cá nhân và trách nhiệm của các tổ chức vận tải.
Cơ quan chức năng đồng thời khuyến cáo tài xế khi lái xe cần giữ tâm lý thoải mái nhất, khi cảm thấy mệt mỏi hay buồn ngủ cần phải nghỉ ngơi ngay, dù có thể chưa đến 4 tiếng lái xe liên tục, tuyệt đối không nên "cố lái thêm".
Việc quy định thời gian nghi ngơi còn giúp ngăn nguy cơ người lái xe kinh doanh vận tải vì cố giữ tỉnh táo mà sử dụng chất kích thích. "Như vậy sẽ có nguy cơ gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm. Không có chất kích thích nào thay thế được việc nghỉ ngơi, cơ thể phải được phục hồi" - đại diện Cục Cảnh sát giao thông khẳng định. Ngoài ra, trong các tình huống bất khả kháng, tài xế gặp kẹt xe trong thành phố hoặc điểm dừng xe nghỉ ngơi không đảm bảo có thể tiếp tục hành trình để thoát khỏi khu vực đó.
"Khi xem xét các tỉnh huống, cảnh sát giao thông sẽ tính toán thêm các yếu tố liên quan, không chỉ tập trung vào xử phạt. Tuy nhiên, người lái xe sau khi thoát khỏi khu vực bất khả kháng, cần thực hiện ngay việc nghỉ ngơi, tránh lạm dụng để cố lái xe" - đại diện Cục Cảnh sát giao thông nói.
Với quy định trên, cơ quan chức năng sẽ tập trung kiểm soát các lái xe đường dài, sao cho họ có sự chù động, lường trước tính toán về thời gian nghỉ ngơi hợp lý, đúng quy định.
Minh Dương